2. Nghi thức Thánh Lễ (1969)
Có những điểm thay đổi sau khác với Sách Lễ 1570:[1]
1] Linh mục chủ tế được quyền chọn lựa những bản văn cầu nguyện khác nhau (ví dụ: những hình thức của hành động thống hối...) và có thể nói với cộng đoàn bằng lời riêng của mình (ví dụ: những lời Dẫn nhập đầu tiên...);
2] Trong sách lễ 1570, nếu trong thánh lễ đọc, yếu tố thống hối là một cuộc đối đáp tư riêng giữa vị linh mục và giúp lễ tại chân bàn thờ; còn nếu là thánh lễ hát hay trọng thể, cuộc đối thoại thống hối (chẳng ai khác hiện diện ở đó có thể nghe thấy) sẽ diễn ra trong khi ca đoàn sắp kết thúc bài Ca Nhập lễ;
3] Làm phép và rảy nước thánh thuộc về thành phần của thánh lễ;
4] Không còn xông hương giữa Confiteor và Kyrie;
5] Nơi cử hành phụng vụ: toàn bộ cử hành thánh lễ không còn diễn ra tại bàn thờ (hay tại chân bàn thờ) nữa mà mỗi thời khắc khác nhau hay những nghi lễ khác nhau, cộng đoàn sẽ chú ý đến những vị trí khác nhau (trong một không gian phụng vụ rộng lớn hơn nằm trong cung thánh, nhưng đôi khi tại giếng rửa tội hay thậm chí tại cửa nhà thờ). Mỗi nhà thờ nên có một cung thánh trong đó có đặt Ghế Chủ tọa, giảng đài và bàn thờ. Do đó, trong QCSL (1969), đã có một sự trở lại với truyền thống xa xưa hơn, nghĩa là giảng đài dành để công bố Sách Thánh trong phần Phụng vụ Lời Chúa, Ghế Chủ tọa để vị chủ tế cử hành các Nghi thức Nhập lễ và Kết lễ, bàn thờ là điểm hội tụ của cộng đoàn chỉ khi bánh và rượu được mang lên đó trong phần Phụng vụ Thánh Thể;
6] Công bố 3 Bài đọc Thánh Kinh trong thánh Lễ Chúa nhật và các ngày lễ lớn;
7] Đáp Lại Bài đọc I bằng Thánh vịnh Đáp ca;
8] Alêluia là phần chuẩn bị cho Tin Mừng hơn là đáp lại Bài đọc trước đó;
9] Phục hồi Lời nguyện Tín hữu hay Kinh nguyện Chung;
10] Phần “Dâng lễ” trước đây nay được coi là “Chuẩn bị Lễ vật”, tương ứng với hành động “cầm lấy”; Kết thúc phần này, linh mục sẽ đọc lớn tiếng Lời nguyện Tiến lễ thay vì chỉ là Lời nguyện mang tính cá nhân;
11] Thêm 3 Kinh nguyện Thánh Thể khác (II, III và IV) thay vì chỉ có Lễ quy Rôma;
12] Kinh Lạy Cha là lời kinh cộng đồng, không còn lời kinh tư tế nữa;
13] Phục hồi cử chỉ trao chúc bình an;
14] Có thể cho rước lễ dưới hai hình;
3. Sách Lễ Đức Phaolô IV (1970)
Cuốn Sách Lễ Đức Phaolô IV toàn bộ được phát hành vào ngày 26.3.1970 vì khi ban hành Tông hiến Missale Romanum ngày 6.4.1969, Tòa Thánh mới chỉ xuất bản được Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (Institutio Generalis Missalis Romani) và Nghi thức Cử hành (Ordo Missae). Sách Lễ Đức Phaolô IV gồm nhiều phần:
- Phần thứ nhất, giới thiệu các văn kiện của Giáo hội: Các sắc lệnh của Bộ Phụng tự (1970 và 1975); Tông hiến Missale Romanum (3.4.1969) và Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (được tu chỉnh nhiều lần vào các năm 1970, 1972, 1975 và 1991). Đây là một loại tài liệu mới mẻ, nó không chỉ đưa ra những hướng dẫn chữ đỏ mà còn đặt chúng vào bối cảnh nghi thức và thần học. Thêm vào đó là Quy chế Tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch;
- Phần kế tiếp là phần riêng dùng cho các mùa Phụng vụ chẳng hạn những Lời nguyện cho mùa Vọng và mùa Giáng sinh, mùa Chay và mùa Phục sinh, mùa Thường niên và những lễ trọng về Chúa trong lịch chung;
- Ở giữa cuốn Sách Lễ là Nghi thức Thánh Lễ có Cộng đoàn (383-476); Nghi thức Thánh Lễ không có Cộng đoàn (477-486);
- Phần phụ lục ngắn với những công thức khác nhau dùng khi bắt đầu thánh lễ và Nghi thức Thống hối, dùng để dẫn vào và kết thúc những kinh Tiền tụng, những tung hô sau truyền phép trong kinh Tạ ơn (487-492), Phép lành trọng thể và Lời nguyện trên dân (493-511);
- Tiếp theo là phần riêng lễ các thánh (513-661); Những lời nguyện dùng cho thánh lễ có Nghi thức riêng (727-782); thánh lễ và lời nguyện cho những nhu cầu và những dịp khác nhau (783-854); thánh lễ ngoại lịch (855-877); thánh lễ cầu cho người quá cố (879-914);
- Sách Lễ kết thúc với phần phụ lục, bao gồm: Làm phép và rảy nước thánh (917-920); các mẫu Lời nguyện Tín hữu (921-931); Nghi thức ủy thác các thừa tác viên cho rước lễ (931); các Lời nguyện để chuẩn bị thánh Lễ (931-934) và cảm tạ sau thánh lễ (934-937); Những giai điệu để hát những bản văn trong thánh lễ (939-978); Mục lục (979-999).
Áp dụng những định hướng của Công đồng Vaticanô II, thánh lễ Đức Phaolô VI có những thay đổi đáng kể và mới mẻ sau:
1] Phụng vụ Lời Chúa gồm ba Bài đọc trong dịp lễ Chúa nhật cũng như lễ trọng và đi theo chu kỳ 3 năm thay vì theo chu kỳ một năm như đã thực hành trong lịch sử Giáo hội cả ngàn năm qua; Hai Bài đọc trong những ngày lễ trong tuần. Bài đọc thứ nhất theo chu kỳ hai năm (năm chẵn và năm lẻ) trong khi Phúc Âm đi theo chu kỳ một năm (PV 51). Bài giảng được phục hồi như một phần không thể thiếu của thánh lễ (PV 52). Sử dụng ngôn ngữ bản xứ cho các Bài đọc và Lời nguyện (PV 54). Các Bài đọc được in trong cuốn Lectionarium ban hành ngày 25.5.1969 với sắc lệnh Ordinem Scripturae và được tái bản năm 1981 với phần Dẫn nhập dài hơn;
2] Phục hồi lại Lời nguyện Chung hay Lời nguyện Tín hữu (PV 53);
3] Thêm những kinh Tạ ơn mới (23.5.1968) ngoài Lễ quy Rôma vốn là Kinh nguyện duy nhất trong phụng vụ Tây phương trong hơn 1000 năm. Lễ quy Rôma trở thành kinh Tạ ơn I, được giữ nguyên với chỉ một chút thay đổi, cụ thể là làm cho những lời truyền phép trên rượu và trên bánh giống nhau ở tất cả các kinh Tạ ơn hầu giúp cho các vị đồng tế có thể dễ dàng đọc chung với nhau. Phục hồi kinh Tạ ơn của thánh Hippôlytô đã có từ thế kỷ III làm thành kinh Tạ ơn II. Kinh Tạ ơn III được soạn thảo theo những đường hướng được đề nghị bởi tác giả Vagaggini: mang âm hưởng của các kinh Tạ ơn theo nghi lễ Alexandria, Byzantine và Maronite, thậm chí vay mượn từ phụng vụ Gallican. Kinh Tạ ơn III này diễn tả đạo lý về Hy tế Thánh Thể một cách tỏ tường cũng như tôn vinh một cách đúng đắn Chúa Thánh Thần bằng việc nhắc lại danh Chúa Thánh Thần đến 4 lần. Điều này làm dịu bớt sự kinh ngạc của những anh em theo lễ nghi Đông phương khi không thấy đề cập đến Chúa Thánh Thần trong Lễ quy I của chúng ta ngoại trừ trong Vinh Tụng Ca. Kinh Tạ ơn IV vay mượn từ phụng vụ Đông phương, đặc biệt là từ Hy Lạp, tương tự như kinh nguyện của thánh Basil. Kinh Tạ ơn IV tường thuật lại những khoảnh khắc vĩ đại trong lịch sử cứu độ và liên kết với lịch sử riêng của chúng ta với trung tâm lịch sử cứu độ là chính Chúa Kitô. Các Kinh nguyện Thánh Thể I, II, II và IV đã được chuẩn nhận ngày 27.4.1968. Sau đó, 3 Kinh nguyện Thánh Thể sử dụng trong thánh lễ cho trẻ em và 2 Kinh nguyện Thánh Thể dùng cho thánh lễ hòa giải được chuẩn nhận năm 1974;
4] Đưa trở lại Nghi thức chúc bình an vào phần Phụng vụ Thánh Thể;
5] Vào những dịp đặc biệt, dân chúng có thể rước lễ dưới hai hình (PV 55);
6] Phục hồi cử hành lễ Vọng Phục sinh như là thành phần của Tam Nhật Thánh trong Tuần Thánh và làm cho cử hành này nên xinh đẹp, phong phú và mang đầy tính biểu tượng;
7] Vào những dịp khác nhau, các linh mục có thể đồng tế (PV 57-58), một điều trước kia chỉ xảy ra trong dịp lễ phong chức linh mục và chỉ có các giám mục mới đồng tế.
8] Có những nơi khác nhau để cử hành ứng với những phần khác nhau trong cấu trúc thánh lễ, không còn việc mọi thứ được thực hiện chỉ tại bàn thờ nữa: “Phải làm sao tu chỉnh Nghi thức Thánh Lễ để biểu lộ rõ ràng hơn nữa ý nghĩa riêng biệt của mỗi phần, cũng như mối tương quan của chúng, đồng thời để việc tham dự thành kính và linh động của các tín hữu được dễ dàng hơn” (PV 50). Vì vậy, việc công bố Lời Chúa tại giảng đài; Phụng vụ Thánh Thể diễn ra tại bàn thờ; còn các phần Nghi thức Mở đầu, Nghi thức Kết lễ cũng như những phần khác sẽ được cử hành tại Ghế Chủ tọa.[2]
(còn nữa)
Lm Giuse Phạm Đình Ái - Dòng Thánh Thể
________________________________________
1 Ibid., 8-17.
2 Ibid., 293.
Bình luận