4. Ấn Bản Mẫu Thứ II của Sách Lễ Rôma (1975) và QCSL (1975)
Kế tục QCSL năm 1973 [trong đó Đức Phaolô VI đã hủy bỏ các chức nhỏ cũng như chức phụ phó tế và đề cập đến các bổn phận chung của tác vụ giúp lễ (65/1973); tráng chén (238/1973); hỗ trợ việc cho Rước lễ dưới hai hình (244-252/1973)], QCSL (1975) nói đến các vấn đề mới sau:
1] Tác vụ giúp lễ (142-147/1975);
2] Tác vụ đọc sách (148-152/1975); đọc tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể (109/1975);
3] Những lời dẫn nhập vào thánh lễ có thể nói bằng lời lẽ của riêng vị tư tế;
4] Sau khi truyền phép, chủ tế chỉ giơ cao (ostensio) Mình Thánh hay chén thánh cho người ta thấy chứ không phải nâng cao (evelation) như trước (109;233;235/1975);
5] Thêm một số thánh lễ mới: Chúc phong viện phụ và viện mẫu; Cung hiến thánh đường; Thánh hiến bàn thờ; Tôn vinh Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh;
6] Thêm những điệp xướng Nhập lễ và Hiệp lễ cho những thánh lễ nào chưa có.
5. Ấn Bản Thứ III của Sách Lễ Rôma (2002)
Đầu năm 2000, Tòa Thánh Vatican loan báo sẽ xuất bản Sách Lễ Rôma ấn bản thứ III cùng với Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (2000) mới. Trong khi bản văn Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (2000) ra đời cuối tháng 7.2000 thì việc xuất bản thực sự ấn bản thứ III Sách Lễ Rôma với Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma đã tu sửa (bằng tiếng Latinh) bị trì hoãn cho mãi tới tháng 3 năm 2002 mới hoàn thành. Để hiểu tường tận hơn về Sách Lễ Rôma 2002, có thể làm một vài so sánh:
a. So sánh Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma năm 2000 và năm 1975
So với Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma 1975, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma 2000 đã có nhiều khác biệt, chủ yếu là vì phải cập nhật theo những văn kiện mới của Giáo hội ra đời từ sau năm 1975, chẳng hạn như: Nghi thức cung hiến nhà thờ và bàn thờ (1977); Graduale Romanum (1979 - gồm chứa tài liệu Ordo Cantus Missae được tu chỉnh); ấn bản thứ II Sách Bài đọc (1981); Bộ Giáo luật 1983; Nghi lễ Giám mục (1984).
QCSL 2000:
- Số 298: nhấn mạnh bàn thờ là biểu tượng của Đức Kitô (QCSL 1975, số 261: Chỉ phân biệt giữa bàn thờ cố định và bàn thờ lưu động.)
- Số 64: Ca Tiếp liên được hát sau Alêluia (thích ứng với Ordo Cantus Missae số 8)
- Số 277: xông hương thế nào # NLGM 91-93. Lý do là vì trong QCSL 1969 không có hướng dẫn về việc xông hương nên một số linh mục xông hương cách hoa mỹ bằng cách ghi 3 lần hình chéo và 3 lần vòng tròn trong phần Chuẩn bị Lễ vật như được quy định trong Sách Lễ 1570 nhưng trái với ý tưởng của PV 34.
- Số 138: Lời nguyện Tín hữu # NLGM 144
- Số 274: Những người mang thánh giá hay đèn đi rước thì thay vì bái gối, họ cúi đầu # NLGM 71.
- Số 315: về vị trí của Nhà tạm # NLGM 49.
- Số 305: sử dụng hoa trong mùa Vọng và mùa Chay # NLGM 48;236;252
- Số 19: khuyên linh mục cử hành thánh lễ hàng ngày # GL 904 và Eucharisticum Mysterium 44
- Số 107: đã lỗi thời, không nhắc gì về phụ nữ (QCSL 1975, số 70: đề cập đến phụ nữ được phép của Hội đồng Giám mục để công bố Sách Thánh trước Tin Mừng)
- Đã bỏ (QCSL 1975, số 248-252: rước Máu Thánh qua ống hút hay muỗng ăn)
- Số 118: Không đòi hỏi chén thánh được phủ khăn nhưng việc phủ khăn là “đáng ca ngợi”
- Số 136: Cho phép giảng lễ tại Ghế Chủ tọa, giảng đài hay một nơi thích hợp khác
- Số 84;157;243;268: linh mục có thể cầm Bánh Thánh trên đĩa thánh hoăc là trên chén thánh và nói: “Ðây Chiên Thiên Chúa…”
- Số 85;282: Khuyến khích việc Rước lễ dưới hai hình
- Số 140: minh nhiên cho phép những phần nào trong Kinh nguyện Thánh Thể có nốt nhạc thì vị tư tế nên hát (QCSL 1975, số 178;182;186;190: hạn chế việc ca hát trong phần Kinh nguyện Thánh Thể)
- Số 283: Bỏ đi điều kiện này vì thế không cần phải có phép tỏ tường của bản quyền nữa. 14 trường hợp được thu gom vào: Ngoài những trường hợp được nói đến trong các sách Nghi thức, còn được rước lễ dưới hai hình: a.Các tư tế không thể cử hành hay đồng tế thánh lễ; b.Thầy phó tế và những người chu toàn một phận vụ nào đó trong thánh lễ; c.Các thành viên của các cộng đoàn trong thánh lễ tu viện hoặc thánh lễ “cộng đoàn”, các học viên chủng viện, tất cả những người dự tĩnh tâm hay tham gia hội nghị về tu đức và mục vụ. Giám mục giáo phận có thể định ra những quy tắc về Rước lễ dưới hai hình cho giáo phận mình, các cộng đoàn tu sĩ và các nhóm nhỏ cũng phải tuân theo. Giám mục cũng có năng quyền cho phép Rước lễ dưới hai hình, mỗi lần vị chủ tế thấy là thích đáng, miễn là tín hữu được giáo huấn kỹ lưỡng và không có bất cứ nguy cơ xúc phạm đến Thánh Thể hoặc Nghi thức gặp khó khăn vì đông người tham dự quá hay vì lý do nào khác. (QCSL 1975, số 242: - Liệt kê 14 trường hợp có thể Rước lễ dưới hai hình “tùy sự xét đoán của Vị Thường quyền và sau khi đã dạy giáo lý cách thích đáng”/ - Đề cập đến thẩm quyền của Hội đồng Giám mục trong việc ấn định tới mức độ nào, vì những lý do và những điều kiện nào các vị thường quyền có thể ban phép Rước lễ dưới hai hình ngoài 14 trường hợp kể trên.)
- Số 117; 308: minh nhiên nói rõ rằng “trên bàn thờ hay gần bàn thờ phải đặt Thánh giá có hình Chúa chịu nạn”
- Số 162: Các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ không đến bàn thờ trước khi vị tư tế rước lễ và luôn luôn nhận các bình đựng Mình Máu Thánh để cho tín hữu rước từ tay vị chủ tế.
- Số 154: Vị chủ tế có thể chúc bình an cho các người giúp lễ, nhưng ngài phải luôn luôn ở trên cung thánh, để khỏi làm xáo trộn cuộc cử hành. Nếu có lý do chính đáng, ngài cũng có thể trao bình an cho vài giáo dân, nhưng vẫn ở trên cung thánh. (QCSL 1975, số 112: Linh mục có thể chúc bình an cho các thừa tác viên gần ngài, nhưng tại nhiều nơi, linh mục rời khu vực bàn thờ và chào chúc bình an cho một số người trong cộng đoàn)
- Số 83: Cử chỉ bẻ bánh, mà Ðức Kitô đã thực hiện trong bữa tối sau hết, đã trở thành tên gọi cho toàn bộ cử hành Tạ Ơn vào thời các Tông đồ... Việc bẻ bánh bắt đầu sau khi trao bình an và phải được thực hiện với lòng tôn kính, tuy nhiên không nên kéo dài quá mức cần thiết cũng như gán cho nó một tầm quan trọng quá đáng. Nghi thức này được dành riêng cho vị tư tế và phó tế.
- Số 305-306: Chỉ những gì cần thiết mới đặt trên bàn thờ, nên đặt hoa chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ.
- Số 260: Hết sức có thể nên đọc các Bài đọc tại giảng đài hay tại một bục.
- Số 274: Nếu Nhà tạm có Thánh Thể được đặt trong cung thánh, thì vị tư tế, phó tế và các người giúp khác phải bái gối, khi đi đến bàn thờ hoặc khi rời bàn thờ, nhưng không bái gối trong lúc cử hành thánh lễ.
- Số 147; 236: Vinh tụng ca cuối Kinh nguyện Thánh Thể, tự bản chất, thuộc về tư tế, nên chỉ vị chủ tế (và các vị đồng tế) đọc, giáo dân không đọc.
- Số 160: Không cho phép chính Tín hữu tự mình cầm lấy Bánh Thánh và chén thánh, càng không được chuyền cho nhau.
- Số 277: linh mục được phép xông hương ba lần lễ phẩm dùng cho hy tế thánh lễ vào lúc chuẩn bị lễ vật bằng việc ghi hình thánh giá bằng bình hương trên lễ phẩm.
- Số 63a: Trong mùa phải hátAlêluia, có thể hát hoặc bài Thánh vịnh có chữ Alêluia, hoặc Thánh vịnh vàAlêluiavới câu tung hô. (QCSL 1975, số 38a: Trong mùa phải hátAlêluia, có thể hát hoặc bài Thánh vịnh tung hô Alêluia, hoặc Thánh vịnh vàAlêluiavới câu tung hô, hay chỉ hát Thánh vịnh hoặc Alêluia mà thôi.)
- Số 146:Trở lại giữa bàn thờ, vị tư tế đứng hướng về giáo dân, dang tay ra, rồi chắp lại, mời gọi họ cầu nguyện, mà rằng: “Anh chị em hãy cầu nguyện...”. Giáo dân đứng lên và thưa “Xin Chúa nhận lễ vật...”. Sau đó, vị tư tế dang tay đọc Lời nguyện Tiến lễ; cuối lời nguyện, giáo dân tung hô “A-men”. (QCSL 1975, số 107: Trở lại giữa bàn thờ, vị tư tế đứng hướng về giáo dân, dang tay ra, rồi chắp lại, mời gọi họ cầu nguyện, mà rằng: “Anh chị em hãy cầu nguyện...”. Sau khi giáo dân thưa “Xin Chúa nhận lễ vật...”, vị tư tế dang tay đọc Lời nguyện Tiến lễ; cuối lời nguyện, giáo dân tung hô “A-men”.)
(còn nữa)
Lm Giuse Phạm Đình Ái - Dòng Thánh Thể
Bình luận