b. So sánh Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma năm 2000 và năm 2002
Sau khi xuất bản Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (2000) rồi, bản văn này bộc lộ nhược điểm là nhiều chỗ không thống nhất. Kết quả là khi ấn bản Sách Lễ Rôma xuất hiện năm 2002, bản văn của Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (2000) vẫn đang được chỉnh sửa (chỉ mới tới số 210 trong số 399 số của toàn bản văn) cũng như sửa lại một loạt các footnotes. Thật ra, trong nhiều trường hợp, việc chỉnh sửa chỉ liên quan đến những chi tiết vụn vặt như chữ hoa, dấu chấm phẩy, văn phạm trong tiếng Latinh, tìm từ cho phù hợp hoặc là thêm thắt, bổ sung chỗ này chỗ khác, sửa lại footnotes..., vì vậy chỉ có một vài thay đổi lớn giữa QCSL 2000 với QCSL 2002 mà thôi. Chúng là:
1] Được phép quỳ sau kinh Chiên Thiên Chúa nếu Hội đồng Giám mục quyết định như vậy (QCSL 43);
2] Ca Tiếp liên đổi từ sau Alêlu-ia ra trước Alêluia (QCSL 64);
3] Bài hát Dâng lễ (Chuẩn bị Lễ vật) có thể hát ngay cả nếu không có đoàn rước dâng lễ phẩm (QCSL 74);
4] Thêm phần giải thích linh mục bẻ Bánh Thánh và đặt một mẩu Mình Thánh vào trong chén thánh để nói lên ý nghĩa hiệp nhất giữa Mình và Máu của Chúa Kitô, Đấng đang sống và hiển trị vinh quang, trong công trình cứu độ (QCSL 83);
5] Đưa trở lại mục đích của việc giải tán như trong số 57b của QCSL (1975) vào trong số QCSL (2002) tại số 90c “linh mục hay phó tế giải tán dân chúng để họ có thể ra đi thi hành những công việc thiện hảo, chúc tụng và ca khen Thiên Chúa”;
6] Tại số 163: đề cập đến việc tráng chén sau Hiệp lễ, QCSL (2002) bỏ đi cụm từ “sang phía cạnh bàn thờ”, thay vì nói “Vị tư tế trở lại bàn thờ, thu những mụn bánh nếu có; rồi ngài đứng sang phía cạnh bàn thờ hay tới bàn phụ mà gạt các mụn bánh trên đĩa thánh và trong bình thánh vào chén thánh” như trong QCSL (2000), QCSL (2002) chỉ nói “Vị tư tế trở lại bàn thờ, thu những mụn bánh nếu có; rồi ngài đứng tại bàn thờ hay tới bàn phụ mà gạt các mụn bánh trên đĩa thánh và trong bình thánh vào chén thánh”;
7] Tại số 157, QCSL (2002) minh nhiên nói rằng tư tế phải cầm lấy Mình Thánh đã được truyền phép trong thánh lễ đó khi mời gọi cộng đoàn Hiệp lễ, trong khi QCSL (2000) chỉ viết “Ðọc kinh đó xong, vị tư tế bái gối, rồi cầm lấy Mình Thánh đưa lên cao một chút trên đĩa thánh hay trên chén thánh, hướng về giáo dân và nói: Ðây Chiên Thiên Chúa...”;
8] Tại các số 256-258, đã có sự thay đổi về thứ tự nghi lễ và vị trí của chủ tế trong phần Nghi thức Nhập lễ của thánh lễ chỉ có một người giúp:
- Theo QCSL (2002): minh nhiên lưu ý rằng lời chào và hành động thống hối bình thường diễn ra tại Ghế Chủ tọa hơn là ở gần bàn thờ mặc dầu nếu muốn, tư tế và người giúp vẫn có thể chọn cách ở tại bàn thờ sau khi cúi sâu chào bàn thờ và hôn kính bàn thờ. Như vậy, thứ tự Nghi thức Đầu lễ là: tư tế tiến đến bàn thờ - cúi sâu chào bàn thờ - hôn kính bàn thờ - đến Ghế Chủ tọa (hoặc ở tại bàn thờ) - người giúp hay tư tế đọc Ca Nhập lễ - làm dấu thánh giá - lời chào đang khi đối diện với người giúp - hành động thống hối - đọc Kyrie và Gloria - Tổng nguyện;
- Theo QCSL (2000), Nghi thức Đầu lễ chỉ diễn ra tại bàn thờ và thứ tự như sau: “Vị tư tế, sau khi cúi sâu chào bàn thờ, đứng trước bàn thờ, làm dấu thánh giá, và nói: Nhân danh Chúa Cha; đoạn quay chào người giúp bằng một trong các công thức đề nghị; rồi làm việc thống hối” (số 256); “Sau đó ngài tiến lên bàn thờ và hôn bàn thờ, đoạn đến bên Sách lễ phía trái bàn thờ và đứng ở đó cho đến hết Lời nguyện cho mọi người”(số 257); “Sau đó ngài đọc Ca Nhập lễ, và kinh Lạy Chúa, xin thương xótvàVinh danh, theo luật chữ đỏ” (số 258); Ðoạn, ngài chắp tay đọc “Chúng ta hãy cầu nguyện”, ngưng một lát, rồi dang tay đọc Lời nguyện Nhập lễ. Cuối lời nguyện, người giúp thưa to: “A-men” (số 259).
9] QCSL (2000) đã bỏ đi số 309 của QCSL (1975): “Trong những ngày lễ trọng, có thể dùng những phẩm phục trọng thể hơn, mặc dầu không mang màu sắc của ngày đó”, nhưng QCSL (2002) đã lấy lại nội dung nguyên vẹn của số này và đặt bổ sung vào số 346g [số 346 của QCSL (2000) chỉ tới triệt f mà thôi].
10] Vào cuối những năm 1960, Giáo hội để cho chỉ một mình vị chủ tế đọc hay hát Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể, các vị đồng tế không đọc hay hát phần này. Tuy nhiên, QCSL (2000) đã thay đổi hoàn toàn tại số 236: “Vị chủ tế và các vị đồng tế cùng đọc Vinh Tụng Ca cuối Kinh nguyện Thánh Thể, nhưng giáo dân không đọc”. Còn QCSL (2002) chỉ thay đổi một chút so với QCSL (2000): “Nếu muốn, các vị đồng tế có thể hát hay đọc Vinh tụng ca cuối Kinh nguyện Thánh Thể cùng với vị chủ tế, nhưng giáo dân không đọc”. Điều này có nghĩa là, các vị đồng tế có thể chọn lựa đọc (hát) hay không đọc (hát) Vinh tụng ca này.
c. Nghi thức Thánh Lễ 2002
Về căn bản, Nghi thức Thánh Lễ 2002 không có gì thay đổi nhiều so với Nghi thức Thánh Lễ 1975, chỉ trong một vài trường hợp, Nghi thức Thánh Lễ 2002 mới mở rộng hơn hay bổ sung thêm để thích ứng với nội dung của QCSL (2002) và có khi vì những lý do khác nữa. Ví dụ: Nghi thức Thánh Lễ 2002 cho phép sử dụng kinh Tin kính các thánh Tông đồ thay cho kinh Tin kính Nicêa bất cứ khi nào đòi hỏi việc tuyên xưng đức tin, nhất là trong mùa Chay và mùa Phục sinh;
d. Những phần bổ túc và thay đổi
Hiện nay, Sách Lễ Rôma 2002 bao gồm những lời nguyện mới và những thay đổi chút ít về chữ đỏ cũng như bản văn. Chẳng hạn: 1] Tách riêng những lời nguyện để tùy nghi sử dụng vào mỗi ngày mùa Chay; 2] Có bản văn công bố ngày lễ Hiển Linh có thể được dịch chuyển sang một ngày khác (NLGM 240); 3] Thêm cụm từ “nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần” vào trong Kinh nguyện Thánh Thể dành cho thánh lễ trẻ em mẫu số II vốn bị coi là thiếu sót không đề cập đến Chúa Thánh Thần trong epiclesis trước truyền phép; 4] Nghi thức liên quan đến việc ghi các yếu tố lên cây nến sau khi làm phép lửa mới trong Đêm Vọng Phục sinh không còn là điều tùy chọn nữa cũng như việc công bố lời ‘Ánh sáng Chúa Kitô’ được chỉ định diễn ra khi cuộc rước tiến vào nhà thờ, trong khi trước đây linh mục hay phó tế đã cất những lời này ngay khi rời khỏi vị trí của lửa mới; 5] Chữ đỏ trong phần dẫn nhập vào các Kinh nguyện Thánh Thể Giao hòa nói rõ rằng mặc dầu những kinh nguyện này có kinh Tiền tụng riêng, nhưng cũng có thể dùng với các kinh Tiền tụng khác có liên quan đến thống hối và hoán cải, ví dụ với các kinh Tiền tụng trong mùa Chay.
Ngoài ra ấn bản Sách Lễ năm 2002 còn một chút thay đổi nữa:
- Số kinh Tiền tụng tăng lên 98;
- Mười kinh Tạ Ơn được đưa vào phần Thường Lễ tuy rằng hai kinh Tạ Ơn giao hòa và 4 kinh Tạ Ơn cho mọi hoàn cảnh được xếp trong phần phụ lục;
- Thêm 22 Bài lễ mới về các thánh:
1] Các lễ nhớ bắt buộc: thánh Maximilianô Kônbê (14.8); các thánh tử đạo Đại Hàn (20/09); thánh Piô Pietralcina (23.9); các thánh tử đạo VN (24.11);
2] Lễ nhớ tự do: kính danh Chúa Giêsu (3.1); thánh Josephune Bakhita (8.2); thánh Adalberto (23.4); thánh Maria đệ Monfort (28.4); Đức Mẹ Fatima (13/05); thánh Christopher thành Magallanes và các bạn tử đạo (21.5); thánh Rita (22.5); các thánh tử đạo Trung Quốc (9.7); thánh Apollinare (20.7); thánh Sharbel Makhluf (24.7); thánh Phêrô Giulianô Eymard (2.8); thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh giá (Edith Stein – 9.8); Stein Phê-rô Claver (9.9); Thánh Danh Đức Maria (12.9); các thánh tử đạo Phi Luật Tân và Nhật Bản (28.9); thánh Catarina Alexandria (25.11); thánh Juan Diego (9.12); Đức Mẹ Guadalupe (12.12).
- Về các thánh lễ và các lời nguyện cho các nhu cầu khác nhau (Pro variis necessitatibus) ấn bản 2002 có 49 bài lễ được phân thành 3 nhóm:
1] Cầu cho Hội Thánh (20 đề tài);
2] Cầu cho những hoàn cảnh công cộng (17 đề tài);
3] Cầu cho những nhu cầu khác nhau (12 đề tài).
- Về thánh lễ ngoại lịch: ấn bản Sách Lễ 2002 chỉ thêm đề tài kính Chúa thương xót trong số 19 đề tài được sắp xếp theo thứ tự: kính Chúa Ba Ngôi; Chúa Kitô; Chúa Thánh Thần; Đức Mẹ Maria; các thiên thần; các thánh.
- Phần phụ lục của sách lễ bằng tiếng Latinh năm 2002 thêm những mẫu sau:
1] Những cung hát khi đọc lời nguyện, hoặc kinh Tiền tụng, ban Phép lành;
2] Nghi thức làm phép và rảy nước thánh;
3] Nghi thức chỉ định một tác viên trao Mình Thánh;
4] Nghi thức làm phép chén thánh và đĩa thánh;
5] Mẫu Lời nguyện Phổ quát;
6] Ba kinh Tạ ơn trong thánh lễ dành cho thiếu nhi;
7] Những kinh dọn mình trước và tạ ơn sau thánh lễ.
(còn nữa)
Lm Giuse Phạm Đình Ái - Dòng Thánh Thể
Bình luận