“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng trái đất lên”. Đó là câu nói nổi tiếng của nhà thiên văn học Acsimet, người Hy Lạp. Đức Giêsu đến trần gian, Ngài cũng muốn chọn một điểm tựa, để nâng bổng con người lên. Điểm tựa Ngài đã chọn là đồi Canvê, là Thập giá.
Lời của Phêrô “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20) là lời tuyên xưng vào Đức Kitô là Đấng Mêsia. Đấng được xức dầu. Đấng Cứu độ mà muôn dân mong đợi. Đấng đến giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi, sẵn sàng chấp nhận chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế, cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9,22). Đó là cách mà Đức Kitô nâng bổng con người lên. Vì thế, tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc tiến lên Giêrusalem, tiến lên Canvê, tiến đến điểm tựa Ngài đã chọn, để hoàn thành chương trình cứu độ và thể hiện trọn vẹn tình yêu dành cho con người: “Vì không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu” (Ga 13,15).
Thập giá là đỉnh cao của ân huệ tình yêu, là tuân phục thánh ý Chúa Cha cho đến chết. Và chính tình yêu đó phục sinh, ngày thứ ba sống lại. Chính tình yêu đó đã được tôn vinh, kéo con người lên từ tội lỗi và sự chết. Bởi: “Khi nào Ta được treo lên khỏi thập giá, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”.
Cho nên, Kitô hữu bước theo Chúa, không phải là kết quả của sự lựa chọn luân lý hay do suy tưởng cao siêu, nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố tử nạn và phục sinh, gặp gỡ một con người - đó là Đức Kitô. Sự gặp gỡ ấy mở ra cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát. Đó là hoàn toàn cúi đầu vâng phục Chúa, để Chúa dẫn dắt theo con đường và cách thế của Ngài. Đôi khi ý Ngài ngược hẳn với ước muốn và dự tính của con người, nhưng là cách Chúa nâng cuộc đời con người lên và Chúa cần con người cộng tác. Thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng lên con không cần có con, nhưng để cứu độ con, Ngài cần con đáp lời”.
Đức Hồng y Jaime Sin, TGM Manila, Phi Luật Tân, thường trích dẫn một bài thơ vô danh trong các bài giảng của Ngài để nói lên điều này:
Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời: “Không”. Ngài nói rằng không phải Ngài là người cất khỏi, mà chính tôi mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.
Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa trả lời: “Không”. Ngài nói rằng, tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng kiên nhẫn là trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy tôi.
Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái.
Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi được xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.
Tôi đã hỏi: “Liệu Ngài có yêu tôi không” và Ngài đã trả lời rằng: “Có”. Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Đấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên Đàng vì tôi đã tin.
Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: “Cuối cùng con đã xin đúng điều Ta chờ đợi”.
Đã có rất nhiều người đã làm đúng điều Chúa muốn trong đời, như Mẹ Têrêsa Calcutta. Cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, bất chấp bao gian khổ thử thách, Mẹ Têrêsa hoàn toàn dấn thân để phục vụ cho những người bần cùng, khổ đau nhất. Mẹ đã cúi xuống để bế những người đang nằm hấp hối trong những đống rác hôi tanh, đưa về chăm sóc và yêu thương. Để có người tự thốt: “Tôi đã sống như một con thú, nhưng khi tôi chết, tôi chết như một thiên thần”. Mẹ Têrêsa đã chấp nhận từ bỏ mọi sự, để chọn một điểm tựa, điểm tựa vào Tình yêu Giêsu để nâng cuộc đau khổ, hèn hạ của khác lên cao.
Lm. Đaminh TRẠCH CAO XUÂN KHẢI, Chánh xứ Thới Hòa, GP. Phú Cường
Bình luận