Vấn đề được linh mục Phạm Đình Ái SSS nêu lên cách đây không lâu (CGvDT số 2007, trang 34) đã được nhiều người góp thêm ý kiến.
GIÁO HỘI KHÔNG CẤM HOÀN TOÀN
Phạm Thị Thược (Gx. Chánh tòa - GP Ban Mê Thuột): Thật ra, trước khi đọc bài của cha Giuse Phạm Đình Ái viết trên báo CGvDT về vấn đề “các đôi hôn phối có nên đọc Sách Thánh”, tôi thấy cô dâu chú rể lên đọc Sách Thánh trong lễ cưới là chuyện bình thường. Việc đó giống như các em nhỏ đọc Sách Thánh trong lễ thiếu nhi hay các ông bà, anh chị trong các hội đoàn công bố bài đọc trong lễ bổn mạng của hội. Những lý do được cha nêu lên trong bài báo khá hợp lý, ví dụ như “thánh lễ là hành động phụng vụ của toàn thể Hội Thánh cho cả cộng đoàn chứ không phải dành riêng cho cặp đôi cô dâu chú rể”. Một ý khác là thực hành này gây khó cho một số cô dâu chú rể, vì họ cứ đinh ninh rằng đó như một quy định buộc mình phải đọc sách trong lễ cưới, thành ra gượng ép, khó xử, tâm trạng lo âu, nặng nề...
Tuy nhiên, việc này không nằm trong ý định của Hội Thánh, tức là không khuyến khích chứ không cấm hoàn toàn. Mặt khác, nhiều cô dâu chú rể vẫn mong được công bố Sách Thánh trong ngày trọng đại của đời mình... Nhưng tôi đồng ý với cha là tất cả phải trên tinh thần tự nguyện, có sự chuẩn bị từ trước và người công bố phải ăn mặc đứng đắn, nghiêm trang.
![]() |
KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Nguyễn Thị Bảo Trung (Giáo xứ Thánh Giuse – TPHCM): Cánh nay ba tháng, trong lễ cưới, tôi và người bạn đời được đọc Sách Thánh. Đây là một hồng ân và là một kỷ niệm khó quên. Chúng tôi không cảm thấy lo lắng chút nào vì một tuần trước, cha sở đã hướng dẫn mọi nghi thức rất cẩn thận, nhất là việc đọc sách. Vì vậy, chúng tôi không hề bỡ ngỡ, ngược lại còn chú tâm hơn vào từng bài đọc.
![]() |
CẦN PHẢI CHUẨN BỊ KỸ
Nguyễn Thị Kim Hương (Gx. Hạnh Thông Tây – TPHCM): Theo tôi, nên để các cặp hôn phối được đọc Sách Thánh trong ngày cưới của họ. Để chuẩn bị cho thánh lễ hôn phối, các đôi đã được linh mục giúp cho việc dọn mình cũng như tập luyện các nghi thức rất kỹ lưỡng, trong đó có việc đọc Sách Thánh. Trước khi đọc, cô dâu chú rể đã ôn luyện trước nên họ cảm nhận Lời Chúa sâu sắc hơn. Tuy nhiên, trang phục của cô dâu thường rất bất tiện trong việc di chuyển lên Cung thánh nên cần phải được chú ý hơn, nhất là trong bầu khí phụng vụ trang nghiêm.
![]() |
BÍ TÍCH HÔN PHỐI TRỞ NÊN Ý NGHĨA
Phêrô Nguyễn Viết Xuân (Gx. Gò Mây – TPHCM): Trong thánh lễ hôn phối của tôi, cả hai vợ chồng cùng đọc Sách Thánh. Chúng tôi vốn đã hồi hộp nên trong bầu không khí trang nghiêm trước cộng đoàn, lại càng thấy run hơn. Từ trải nghiệm riêng, tôi cảm thấy cô dâu, chú rể trong thánh lễ hôn phối, hơn ai hết, chính là người cần lắng lòng lại, bình tĩnh đón nhận Lời Chúa từ người đọc Sách Thánh để Bí tích Hôn phối mà cả hai sắp được lãnh nhận trở nên có ý nghĩa hơn.
|
TÔI CẢM THẤY LO LẮNG
Nguyễn Thị Thu Huyền (Gx. Bùi Chu – Giáo phận Xuân Lộc): Chỉ còn một tháng nữa là tôi kết hôn. Cứ nghĩ tới việc phải lên đọc sách là tôi cảm thấy lo lắng vì không quen đứng trước đám đông. Do vậy, tôi sẽ chẳng nhập tâm để đọc và suy niệm Lời Chúa. Nên để những thừa tác viên đọc Sách Thánh thì tốt hơn. Như thế, chúng tôi sẽ dễ dàng lắng nghe và suy niệm những giáo huấn trong các bài đọc và cộng đoàn bớt chia trí.
![]() |
- Không một sách nghi thức hay tài liệu phụng vụ nào của Giáo hội quy định hay hướng dẫn cô dâu chú rể đọc Sách Thánh trong lễ cưới của họ. Thay vào đó, Giáo hội lại yêu cầu đôi vợ chồng tương lai nên chọn lựa bản văn Sách Thánh sẽ công bố. - Tác viên đọc Sách Thánh thường có phẩm phục riêng. Phẩm phục này có thể là áo alba (trắng dài), tu phục của các dòng tu hay thường phục xứng đáng nhằm mục đích vừa diễn tả chức vụ của tác viên vừa diễn tả lòng tôn kính và trang trọng của nghi lễ thánh. Trong khi đó, y phục của cô dâu (thường là những chiếc áo soiré quá dài) đôi khi gây ra tình huống phức tạp không cần thiết khi di chuyển lên giảng đài: vừa mất thời giờ, vừa gây chia trí cho người khác. (Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS) |
Bình luận