Tôi mới bước qua “hàng sáu” mà đã rất là phiền phức với cái “bình tiểu”. Nó luôn làm tôi lo lắng, ngại dự các buổi hội họp hoặc dẫn bà xã vào siêu thị mua đồ, riết rồi mất mọi hứng thú với công việc, với thú tiêu khiển trước đây. Tình hình nặng thêm khi tôi phải đóng… bỉm để tránh són tiểu lúc ngủ. Tôi nên làm gì để khắc phục?
(Một bạn đọc gọi đến từ số ĐT: 0908...)
Són tiểu hay còn gọi là tiểu không tự chủ là tình trạng nước tiểu rỉ ra không tự kiểm soát được, thường xảy ra khi gắng sức, khi rất mắc tiểu và hay nặng lên vào cuối ngày (khác với triệu chứng có vài giọt nước tiểu nhỏ ra sau khi đã tiểu tiện). Khác với điều người ta thường nghĩ, són tiểu không phải là dấu hiệu của tuổi già và nó hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Do cấu trúc giải phẫu cơ thể, són tiểu gặp ở quý ông ít hơn nữ giới, chỉ chiếm khoảng 3 - 5% dân số, nhưng tuổi tác càng “lên luống lên liếp” thì càng đông người mắc: 10% ở tuổi 60 và 30% ở tuổi 90. Nam giới mắc chứng này cũng gặp không ít buồn phiền, có người thậm chí phải dùng... băng vệ sinh để tránh nước tiểu “bỗng dưng” rỉ ra quần, gây ra những phiền toái trong công việc, sinh hoạt hằng ngày và tạo tâm lý ức chế, làm giảm đáng kể chất lượng sống của người bệnh. Chứng này thường gặp ở người bệnh đã trải qua các phẫu thuật hoặc từng chấn thương vùng tiểu khung. Một số người kèm theo bệnh như đái tháo đường, tai biến mạch máu não, Alzheimer, Parkinson...
Có nhiều dạng són tiểu ở nam giới:
Són tiểu do cơ bàng quang co bóp quá mức,không thể kìm nén được nước tiểu thường gặp trong bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Són tiểu do thiểu năng cơ thắt thường gặp sau mổ ung thư/u xơ tuyến tiền liệt.
Són tiểu liên quan đến bí tiểu mạn tính do bít tắc như phì đại tuyến tiền liệt hay do hoạt động không đồng bộ của thần kinh điều khiển việc đào thải nước tiểu.
Tập thể dục hoặc dùng thuốc, hoặc phối hợp cả hai có thể khắc phục được chứng són tiểu. Luyện tập phục hồi chức năng luôn phải được áp dụng đầu tiên. Nếu sau 6 - 12 tháng mà luyện tập phục hồi chức năng không kết quả mới cần phẫu thuật. Đồng thời, người bệnh nên thay đổi lối sống để việc chữa trị có kết quả tốt hơn:
- Uống đủ nước mỗi ngày, chỉ hạn chế trước khi đi ngủ vài giờ. Không nên nhịn uống nước sẽ dẫn tới triệu chứng viêm nhiễm đường tiểu. Không dùng thức uống có chất caffeine, trà đậm, thức uống có gas, rượu.
- Chế độ ăn nhiều rau xanh và hoa quả để tránh táo bón. Không hút thuốc lá.
- Kiểm soát cân nặng bằng cách tập thể dục và có chế độ ăn phù hợp để có được một thể trạng cân đối.
- Cố gắng “giáo dục lại bàng quang” bằng cách tập đi tiểu điều độ, cứ nửa giờ lại vào nhà vệ sinh dù có cảm giác “thúc bách” hay không. Khi nhịp độ đó được duy trì, khoảng cách giữa những lần đi tiểu sẽ kéo dài hơn 3-4 giờ. Nên mặc những loại quần áo dễ thay, để đảm bảo vệ sinh và ngăn ngừa mùi hôi. Một số người “hãi” khi nghĩ đến cảnh phải dùng “bỉm người lớn” nhưng có nhiều loại miếng lót chuyên dụng rất thoải mái được nguỵ trang khéo nên dễ dàng che mắt thiên hạ.
Sự động viên tinh thần của người thân, bạn bè sẽ giúp người trong cuộc loại bỏ tâm lý tự ti, ngại mất sĩ diện về “cái sự chẳng nên” của mình.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Bình luận