Một đôi vợ chồng trong chuyến hành hương đầu năm đã để lại dấu ấn đẹp trong tôi. Người vợ xinh đẹp luôn đi bên người chồng khuyết tật, chỉ có một cánh tay.
Đó là bà Trần Thị Ánh, 54 tuổi và ông Nguyễn Đăng Đường, 59 tuổi. Cả hai hiện sống ở quận Tân Bình - TPHCM, là giáo dân của xứ Lộc Hưng. Họ từng biết nhau nhờ hai người em họ “làm mai” từ năm 1988 và 2 năm sau chính thức nhận Bí tích Hôn phối.
Vợ chồng bà Trần Thị Ánh và ông Nguyễn Đăng Đường - ảnh: N.N.H |
Thời trẻ, ông bà không phải gặp “tiếng sét ái tình”. Tuy nhiên, cả hai đã rất ấn tượng về nhau do nết hiền lành đạo đức. Chị Ánh không ngần ngại lẫn không mặc cảm, ngược lại còn chút tự hào cho chúng tôi biết: “Tôi là thợ may, còn anh là nhạc công chuyên thổi kèn đám ma. Sau khi lấy nhau, mẹ tôi cho miếng đất và chúng tôi tự xây dựng lên căn nhà nhỏ cho riêng mình. Anh là thu nhập chính. Tôi nghỉ may ở nhà lo cơm nước và chăm sóc con cái. Năm 2006, trên đường từ Đà Lạt về Sài Gòn, anh gặp tai nạn và mất cánh tay phải. Lúc đó, con trai lớn của chúng tôi mới học lớp 9…”. Khi nghe chúng tôi hỏi bà có thấy ông là gánh nặng sau tai nạn không, đôi mắt bà Ánh như cười: “Nếu nói tôi thấy bình thường thì ra tôi nói dối lòng và dối mọi người. Nghe tin anh gặp tai nạn, tôi như thấy đất trời sụp đổ, chết lặng cả người. Nhưng rồi tôi phải gượng dậy để ra vào bệnh viện chạy chữa cho anh. Mất một năm điều trị, anh mới bắt đầu hồi phục dần. Tôi không cảm thấy thất vọng mà ngược lại, tôi thật mạnh mẽ để trở thành cánh tay phải của anh. Trong lễ cưới chúng tôi đã từng thề hứa với Chúa và Hội Thánh là sẽ yêu thương và tôn trọng nhau lúc mạnh khỏe cũng như khi đau ốm. Bấy giờ tôi nghĩ đó là lúc mình thực hiện lời hứa ấy”.
Mỗi lần lên xuống các bậc tam cấp ở những nơi đến và đi, chúng tôi thật cảm phục trước sự kiên nhẫn của người vợ. Bà dìu ông lên từng bậc và nhẹ nhàng dẫn ông xuống sau khi cả hai dự lễ hoặc tham gia cầu nguyện. Sự yêu thương của bà với ông thể hiện rất rõ nơi những bữa ăn. Để tiện ăn uống, người chồng phải dùng tô và vợ ông đã nhẹ nhàng lẫn thành thục lột vỏ tôm, rỉa cá, xắn thịt… đặt vào tô. Bà làm những việc đó bằng tất cả tình yêu thương, chúng tôi có thể thấy được qua ánh mắt âu yếm đầy hạnh phúc của bà.
Ông Đường cười hiền lành với câu hỏi của chúng tôi rằng ông có cảm thấy mình là gánh nặng của vợ không: “Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật, trong phòng hồi sức, biết mình mất 1 cánh tay, mà là cánh tay phải. Điều đầu tiên tôi nghĩ là mình đã mất khả năng kiếm tiền, từ nay mình sẽ là gánh nặng cho vợ con… Tôi đã có ý nghĩ chờ mọi người ra về, tôi sẽ cắn lưỡi mình tìm ngay cái chết cho thanh thản. Không ngờ vợ tôi luôn ở bên, nhẹ nhàng, an ủi. Ừ thì mất một cánh tay đó, nhưng không phải là ngày tận cùng của thế giới. Cô nói sẽ ở bên tôi. Và nếu tôi tự kết liễu đời mình, cô cũng sẽ không sống nổi. Đừng vì ích kỷ bản thân mà mang lại đau khổ cho vợ con gia đình”.
Nhờ sự động viên trong tình yêu thương của vợ, ông Đường dần hồi phục. “Tôi nhận ra cô ấy lo lắng cho mình không chỉ thuần về bổn phận phải làm của một người vợ, mà trong đó chứa cả một trời tình cảm tràn đầy. Tôi đã tìm ra sự bình an nhờ những câu kinh tôi dâng cho Chúa và Mẹ hằng ngày. Rồi tôi xem chương trình Vượt Lên Chính Mình, cảm nhận mình chưa phải là kẻ bất hạnh nhất thế giới. Ít ra tôi có người vợ luôn muốn hy sinh cho tôi. Tôi còn có căn nhà để ở, nhất là hai đứa con ngoan ngoãn xinh đẹp, biết lo học để làm vui lòng ba mẹ”, ông Đường kể.
Sau tai nạn của người chồng, bà Ánh đã phải may ngày may đêm để có tiền trang trải cuộc sống và thuốc men cho chồng dưỡng thương. Thấy mẹ tất bật, con gái út của ông bà nghỉ học khi lên cấp 3 để phụ mẹ kiếm tiền. Nhờ ý chí vươn lên và dành dụm được số vốn nhỏ, cô con gái đã trở lại trường học thêm và nay là người dẫn chương trình cho nhiều nhà hàng, trung tâm tiệc cưới …
Con trai cả của ông bà đã tốt nghiệp đại học và cũng có thu nhập ổn định. Giờ đây, cuộc sống đã dễ thở hơn, ông bà hằng năm để dành tiền đi… hành hương. Ông Đường nói: “Hằng năm, chúng tôi chỉ được đi hành hương ngắn ngày, như đến với Đức Mẹ Tà Pao, hoặc Đức Mẹ La Mã Bến Tre… Dành dụm nhiều năm, chúng tôi mới tham dự chuyến hành hương 10 đền Đức Mẹ với chuyến đi 8 ngày. Với chúng tôi như vậy là hạnh phúc rồi”.
Bà Ánh thật tình chia sẻ rằng bà không bao giờ cảm thấy nặng nề khi phải hầu hạ chăm sóc chồng suốt đời. Ngược lại, bà cảm thấy yêu thương ông nhiều hơn gấp nhiều lần trước khi ông gặp tai nạn. Thuở đó ông đi suốt và chỉ biết mang tiền về nhà. Giờ đây, bà có ông bên cạnh. Hai người ở bên nhau với tất cả tình yêu thương đầm ấm của đôi vợ chồng từng thề hứa trước Hội Thánh và từng được Thiên Chúa cũng như mọi người chúc lành vào ngày cưới khi cả hai còn rất trẻ và vẹn toàn…
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận