Cầu nguyện hiểu theo thông thường là “giao tiếp” với người khuất mặt hay Đấng thiêng liêng. Với gia đình Công giáo, ngay từ khi con trẻ ở tuổi mầm non đã được ba mẹ hướng dẫn cầu nguyện. Tuy nhiên, dạy con cầu nguyện như thế nào mới đúng với tinh thần nhà đạo?
Cầu nguyện là cầu xin?
Không ít bậc phụ huynh Công giáo vẫn hướng con cầu nguyện theo kiểu “Lạy Chúa, xin cho ba mẹ con được mạnh khỏe, làm ăn có tiền để nuôi con; cho con học giỏi, thông minh...”.
Nhiều người cứ nghĩ cầu nguyện là xin những gì mình cần, nếu không được thì Chúa hay Mẹ nơi đó không linh. Một lần, tôi choáng khi nghe một người quen phát biểu: “Ai nói Đức Mẹ Fatima linh đâu, mình cầu hoài chẳng được”. Hỏi đã cầu nguyện điều gì, chị bảo xin cho được... trúng số đề vài cây vàng để trả nợ (!). Một chị trung niên khác, đã có gia đình riêng nhưng vẫn sống cùng nhà với cha mẹ. Căn nhà nhỏ, nhiều lúc đụng chạm cùng đám em ngày một lớn, thế là chị than cùng bạn: “Tui cầu xin Chúa cho tui có cái nhà!”. Hai vợ chồng không ai đi làm, chỉ hoàn toàn sống dựa vào thu nhập tiệm tạp hóa của ba mẹ, vậy mà mỗi lần cãi cọ, chị đều nhắc lại lời nguyện và trách Chúa không nhậm lời, Đức Mẹ chẳng linh thiêng...
Nhớ thời nhỏ, với suy nghĩ đơn giản, tôi cũng từng có những lần cầu nguyện cho mình học giỏi, ba tôi nghe được đã giải thích: “Cầu nguyện cho mình học giỏi thì bản thân con phải chăm chỉ, dành thời gian chú tâm học hành thì mới giỏi được; chứ cầu xin Chúa như thế mà con suốt ngày chỉ ăn ngủ rồi đi chơi, làm sao giỏi được!”. Có dịp gặp gỡ, nghe một số người kể về kỷ niệm cùng cha mẹ đi nhà thờ và được dạy cầu nguyện, tôi thấy có những vị cũng hướng con theo cách gần với cha tôi ngày nào. Như ông Nguyễn Văn Phúc, 60 tuổi, chia sẻ rằng một thời cha mình đã từng dạy con cầu nguyện như một cơ hội thổ lộ ước muốn của mình cùng Chúa và Mẹ, bên cạnh đó vẫn có sự cố gắng của bản thân, tỷ như cầu nguyện cho thi đậu thì phải có phương pháp học hành đúng đắn, nghiêm túc chứ cả ngày làm biếng để rồi mang cái đầu rỗng tuếch vào phòng thi thì sao đậu nổi! “Từ đó, tôi nhận ra cầu nguyện như một động lực để mình sống tốt hơn, hoàn thiện hơn trong công việc, trong quan hệ xã hội chứ không phải chỉ ngồi một chỗ “xin xỏ” một cách thụ động”, ông Phúc đúc kết.
Trong một lần đi lễ, tôi nhớ và tâm đắc với vị linh mục khi giảng giải về việc cầu nguyện. Theo cha, cầu nguyện mà chỉ cứ “xin” thì chẳng khác Chúa là người phục vụ cho mình, kiểu như “Hãy mang cho con cái này, cái kia...”.
Cầu nguyện là lời cảm tạ và tâm tình…
Ông Nguyễn Thanh Tùng, 65 tuổi (giáo xứ Suối Nho, GP Xuân Lộc) kể rằng mình vẫn luôn dạy các con cháu cầu nguyện là cơ hội cảm tạ Chúa: “Tôi dạy con tôi cầu nguyện theo cách như ‘Con cảm tạ Chúa đã cho ba má con có sức khỏe tốt, có công việc ổn định để chăm lo cho chúng con ăn học. Cảm tạ Chúa đã cho con có trí óc sáng suốt để có thể tiếp thu kiến thức, hoàn thành tốt bài vở trong lớp...”.
Còn chị Phan Thị Huệ (giáo xứ Cầu Kho, TGP.TPHCM) thì cho biết tối tối mình vẫn dạy con trai 5 tuổi biết cám ơn Chúa đã cho mình và gia đình một ngày mạnh khỏe, bình an. Chị giải thích thêm: “Chào đời với cơ thể mạnh khỏe lành lặn đã là hồng ân của Chúa, như vậy phải dạy con cảm tạ hồng ân đó chứ không chỉ đòi hỏi xin xỏ điều này điều nọ”. Một thời, người mẹ 36 tuổi này cũng được cha mẹ dạy luôn biết cảm tạ Chúa và nỗ lực trong cuộc sống. Từ những trải nghiệm này, chị hy vọng sẽ truyền cho con thói quen biết nhận ra những gì Chúa ban cho mình để cảm tạ hơn là cứ “cầu xin”.
Ở góc cạnh khác, chị Trần Thị Mai Hoa, 40 tuổi (giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Q.3) lại nhớ về những lời dạy hồi nhỏ của song thân: “Ngày ấy, ba mẹ tôi dạy cầu nguyện là tâm sự cùng Chúa, cùng Mẹ Maria và các thánh nên mỗi lần buồn, tôi đều tìm một góc khuất để thổ lộ nỗi niềm với các đấng. Thí dụ, học nhiều nhưng lúc kiểm tra do luýnh quýnh đã làm sai đề nên không được điểm tốt, về nhà tôi lầm thầm tâm sự với Chúa; hoặc lúc bị bạn bè hiểu lầm, thầy cô đối xử bất công, tôi cũng đều giãi bày cùng Ngài. Lạ thay, sau những lần như thế, tôi thấy mình nhẹ lòng. Tự nhiên, như có người giúp tôi giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, mà nếu chưa hóa giải được, tôi vẫn có nghị lực vượt qua những khó khăn. Tôi học được cách chấp nhận và sống yên bình trong thế giới của mình...”. Chính vì thấm thía cách cầu nguyện này nên về sau, chị Hoa lại dạy hai con gái biết tâm sự: “Lạy Chúa, hôm nay con đi học thật vui vì con được thầy cô khen” hoặc “Lạy Chúa, sáng nay con rất buồn vì bạn X. nói chuyện nhưng cô giáo lại hiểu lầm và trừ điểm con”.
Chị Phùng Thị Thảo (ngụ quận 1, TPHCM) cũng cảm nghiệm, cầu nguyện là trò chuyện cùng Chúa và được ngài thông cảm, dẫn dắt qua khỏi những khó khăn. Không phải ai cũng có người bên cạnh có thể hiểu mình mà tâm sự hết nỗi lòng, đấng thiêng liêng tựa như một người tri kỷ, chỗ cậy dựa an toàn nhất để chia sẻ buồn vui. Chị cho hay, mình vẫn dạy các con mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy đọc chục kinh Kính Mừng, một kinh Lạy Cha, sau đó kể với Chúa và Đức Mẹ những gì xảy ra trong ngày, cầu xin các Ngài nâng đỡ, phù trợ, soi sáng để có trí thông minh và lòng kiên nhẫn, sống có đức tin trong đời...■
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận