HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY - NĂM A

Ga 9,1-41

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách

1. Bài Tin Mừng Ga 9,1-41 gồm 8 cuộc gặp gỡ khác nhau. Bạn có thể kể ra không?

2. Trước câu hỏi tại sao anh bị mù từ thuở mới sinh, Đức Giêsu đã trả lời ra sao? Đọc Ga 9,1-5.

3. Đọc Ga 9,8-12. Anh mù có biết người đã chữa cho mình là ai không? Anh có thái độ nào trước những người láng giềng đang chia rẽ?

4. Đọc Ga 9,13-17. Tại sao có sự chia rẽ trong nhóm Pharisêu? Đối với họ, Đức Giêsu là ai?

5. Đọc Ga 9,18-23. Đâu là thái độ của cha mẹ anh mù khi họ bị những người Do Thái tra hỏi?

6. Đọc Ga 9,24-34. Đâu là thái độ của anh mù khi đứng trước những người Do Thái?

7. Anh mù được sáng mắt và đã sáng lòng. Anh từ từ lớn lên trong niềm tin đối với Đức Giêsu. Hãy cho thấy hành trình đó qua các đoạn sau: Ga 9,11-12.17.30-33.35-38.

8. Người Do Thái hay người Pharisêu hỏi làm sao anh mù được khỏi mấy lần? Tại sao họ hỏi nhiều lần như vậy?


CÂU HỎI SUY NIỆM

Anh mù từ lúc mới sinh đã được Đức Giêsu làm cho sáng mắt, và hơn nữa, anh đã tin vào Đức Giêsu. Ngược lại, giới lãnh đạo Do Thái giáo nghĩ mình sáng mắt, lại trở nên mù lòa, vì cố tình không tin Đức Giêsu. Bạn nghĩ mình có thể rơi vào sự mù lòa tương tự không?


PHẦN TRẢ LỜI

1. Bối cảnh của bài Tin Mừng này có lẽ vẫn là Giêrusalem, sau những ngày Lễ Lều (Ga 7). Có 8 cuộc đối thoại trong đoạn Tin Mừng này: giữa Đức Giêsu và các môn đệ (Ga 9,1-5), giữa Đức Giêsu và anh mù (Ga 9,6-7); giữa anh mù đã được sáng mắt và những người quen biết anh (Ga 9,8-12); giữa anh mù được sáng mắt với những người Pharisêu (Ga 9,13-17); giữa những người Do Thái với cha mẹ của anh mù được sáng mắt (Ga 9,18-23); giữa những người Do Thái với anh mù được sáng mắt (Ga 9,24-34); giữa Đức Giêsu và anh mù được sáng mắt (Ga 9,35-38); cuối cùng, giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu (Ga 9,39-41). Trong bài này, ta thấy nhắc đến nhóm những người Pharisêu (Ga 9,13.15.16.40) và nhóm những người Do Thái (Ga 9,18). Thật ra đây chỉ là một nhóm người thôi, nhóm này gồm những người lãnh đạo Do Thái giáo, có thái độ chống đối Đức Giêsu (x. Ga 9,24).

2. Các môn đệ thắc mắc về nguyên nhân khiến một người bị mù ngay từ thuở mới sinh: do tội của anh hay do tội của cha mẹ anh (Ga 9,1-2). Thời xưa, người khuyết tật thường bị coi là do Thiên Chúa phạt vì người ấy đã phạm tội. Nhưng anh bị mù từ thuở mới sinh không thể phạm tội ngay từ lúc lọt lòng. Vậy phải chăng anh bị mù là do tội của cha mẹ anh? Đức Giêsu đã trả lời bằng một câu khó hiểu (Ga 9,3-4). Dựa trên câu trả lời này, anh bị mù không do tội của anh, cũng không do tội của cha mẹ anh, nhưng qua những gì Đức Giêsu sắp làm cho anh, mọi người thấy được công trình của Thiên Chúa, và nhận ra Đức Giêsu là ánh sáng cho thế gian (Ga 9,5).

3. Sau khi anh mù được sáng mắt, có một cuộc tranh luận giữa những người quen biết anh: có phải anh đúng là người mù thường ngồi ăn xin đó không? Anh đã chấm dứt cuộc tranh luận bằng khẳng định: “Chính tôi đây” (Ga 9,8-9). Anh mù, nay được sáng mắt, biết tên người đã chữa cho mình, nhưng không biết người ấy ở đâu (Ga 9,11-12). Anh còn kể lại cho những người quen biết về cách thức Đức Giêsu đã chữa cho anh: trộn bùn, xức vào mắt rồi bảo anh đi rửa ở hồ Silôác.

4. Anh mù được sáng mắt giờ đây bị dẫn đến trước những người Pharisêu. Họ muốn hỏi lại để biết chắc là anh đã bị mù và nay đã thấy được, nhờ Đức Giêsu lấy bùn thoa vào mắt anh và bảo anh đi rửa (Ga 9,15). Vấn đề gây tranh cãi ở đây là Đức Giêsu đã chữa anh mù vào ngày sabát, ngày bị cấm không được chữa bệnh, trừ những bệnh nguy tử. Bởi đó những người Pharisêu bỗng nhiên chia thành hai phe. Một phe cho rằng Đức Giêsu không phải là người của Thiên Chúa, nhưng là một người tội lỗi, vì đã không giữ ngày sabát. Phe kia cho rằng Đức Giêsu không thể là một người tội lỗi, vì làm sao một người tội lỗi lại có thể mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh (Ga 9,16). Như vậy không phải mọi người Pharisêu đều có cái nhìn tiêu cực về Đức Giêsu. Tuy nhiên, phe ủng hộ Đức Giêsu không mạnh bằng phe kia, như chúng ta sẽ thấy ở phần kế tiếp của bài Tin Mừng.

5. Sau khi tra hỏi anh, giới lãnh đạo tôn giáo còn muốn điều tra cha mẹ của anh (Ga 9,18-23). Cha mẹ của anh mù “sợ người Do Thái”. “Người Do Thái” ở đây là những nhà lãnh đạo Do Thái giáo, họ có quyền trục xuất khỏi hội đường những ai tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Kitô (Ga 9,22). Chính vì thế cha mẹ của anh rất dè dặt trong việc nói về con mình. Họ chỉ dám khẳng định đúng anh này là con của họ, đã bị mù từ lúc mới sinh, và nay đã được sáng mắt. Họ không dám nói gì về chuyện con mình được chữa lành ra sao. Họ khôn khéo dành câu trả lời này cho con của họ (Ga 9,21.23).

6. Thái độ của anh mù được sáng mắt trước những người Pharisêu (Ga 9,24-34) thì khác hẳn với thái độ của cha mẹ anh (Ga 9,18-23). Đây là lần thứ hai anh bị gọi ra điều tra (lần đầu ở Ga 9,13-17). Trong lần đầu, anh chỉ kể lại chuyện anh được Đức Giêsu làm cho sáng mắt. Lần này anh mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định quan điểm của mình (Ga 9,25). Anh thách thức những người Do Thái (Ga 9,27), và đưa ra lý luận sắc bén để chứng minh Đức Giêsu không thể là người tội lỗi, nhưng là “người của Thiên Chúa” (Ga 9,30-33; x. Ga 9,16b). Những người Do Thái không sao bắt bẻ được lý luận này, nên đành chĩa mũi dùi vào chính con người anh: họ cho rằng anh là kẻ sinh ra đã tội lỗi ngập đầu, nên mới bị mù. Cuối cùng họ dùng quyền và vũ lực để tống anh ra ngoài (Ga 9,34).

7. Sau khi anh mù được sáng mắt, anh từ từ nhận ra người cứu chữa mình là ai. Trước tiên, anh biết tên người đó là Giêsu, nhưng không biết ông ấy ở đâu (Ga 4,11-12). Khi những người Pharisêu còn tranh cãi xem ông Giêsu là ai, thì anh đã khẳng định Ngài là “một vị ngôn sứ” (Ga 9,17), nghĩa là một người của Thiên Chúa, chứ không phải là một người tội lỗi. Khi bị điều tra lần thứ hai, anh lại khẳng định ông Giêsu là “người của Thiên Chúa” vì ông này đã mở mắt cho anh, một người mù từ khi mới sinh (Ga 9,30-33). Cuối cùng, khi gặp lại người đã chữa cho mình, anh đã tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu là “Con Người”, và bái lạy Ngài (Ga 9,35-38).

8. Các người Pharisêu (hay người Do Thái) ba lần đặt câu hỏi về “làm sao” ông Giêsu chữa cho anh mù được sáng mắt (Ga 9,15.19.26). Họ không muốn nhìn nhận sự kiện đó, nên cứ hỏi đi hỏi lại. Dấu lạ Đức Giêsu đã làm khiến họ hết sức lúng túng, vì nếu ông Giêsu là một người tội lỗi thì ông không thể làm dấu lạ lớn như thế được. Nhưng họ lại không muốn tin Đức Giêsu là người của Thiên Chúa. Họ thấy và biết Đức Giêsu là ai, nhưng họ đã giả vờ mù. Bởi đó Đức Giêsu nói với họ: “Tội của các ông vẫn còn” (Ga 9,41). Họ phạm tội khi không tin Đức Giêsu.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Điếc
Điếc
Điếc là tình trạng của một người hoàn toàn hoặc một phần nào không nghe được. Từ điếc có thể dùng để diễn tả những giới hạn về thể lý hay thiêng liêng, nó thường được dùng để mô tả sự nổi loạn thiêng liêng.
Theo Chúa vì tin
Theo Chúa vì tin
Nghe và nói là chức năng quan trọng. Nghe được và nói được là hai ơn rất lớn Chúa ban cho con người.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về cái chính yếu phải giữ. Ngài còn mời gọi đám đông nên để ý đến cái bên trong trái tim hơn cái bên ngoài.
Điếc
Điếc
Điếc là tình trạng của một người hoàn toàn hoặc một phần nào không nghe được. Từ điếc có thể dùng để diễn tả những giới hạn về thể lý hay thiêng liêng, nó thường được dùng để mô tả sự nổi loạn thiêng liêng.
Theo Chúa vì tin
Theo Chúa vì tin
Nghe và nói là chức năng quan trọng. Nghe được và nói được là hai ơn rất lớn Chúa ban cho con người.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về cái chính yếu phải giữ. Ngài còn mời gọi đám đông nên để ý đến cái bên trong trái tim hơn cái bên ngoài.
Chúc tụng
Chúc tụng
Chúc: mừng, mong ước điều may mắn cho người khác; tụng: khen. Chúc tụng: khen ngợi.
Thanh tẩy
Thanh tẩy
“Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa” (Mc 7,2).
Ðức tin tinh tuyền
Ðức tin tinh tuyền
Vài năm trở lại đây, cuộc sống kinh tế có phần cải thiện và những khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo cũng đã được tháo cởi, nhờ đó các cộng đoàn tín hữu có nhiều biến chuyển trong những thực hành đạo đức.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXI thường niên - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXI thường niên - năm B
Đức Giêsu nhận mình là Đấng từ trời xuống (Ga 6,38.42; x. Ga 3,31). “Trời” được coi là thế giới của Thiên Chúa (Ga 3,27), thế giới của Thần Khí (Ga 1,32).
Bỏ đạo, sự
Bỏ đạo, sự
Sự bỏ đạo Công giáo được thấy ở nhiều mức độ và nhiều dạng thức khác nhau như: bỏ đạo một cách hiển nhiên hay không hiển nhiên.
Tin, nhận chúa Giêsu
Tin, nhận chúa Giêsu
Vừa định cư tại Đất Hứa, dân Chúa đã bị cám dỗ chạy theo các thần ngoại lai, khiến Giosuê phải mời gọi họ lặp lại giao ước với Thiên Chúa. Dân đã đáp lời (Gs 24).