Những ngày tháng Chạp, chạy dọc con đường Mai Bá Hương (thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM), hương Tết tỏa lan khắp ngã. Hai bên lối dẫn vào xã, những sạp nhang vàng óng nối nhau thành hàng phơi mình dưới nắng. Đây là vụ se nhang cuối cùng trong năm, cũng là mùa tất bật nhất của người dân trong vùng.
Làng nhang Lê Minh Xuân đã có hơn 10 năm nay. Ngày trước, dân vùng này chủ yếu làm thuê kiếm sống. Lúc đầu, công việc se nhang chỉ nhen nhóm ở vài nhà trong xã. Rồi người này hướng dẫn người kia nên dần về sau, số hộ làm nghề ngày một tăng. Đến nay, trong vùng có khoảng 30 hộ, đều lấy nghề nhang làm kinh tế chính.
Theo thợ trong làng, để tạo ra một cây nhang thành phẩm phải trải qua các bước cơ bản như trộn bột, phóng (giai đoạn se thành cây nhang) và phơi nắng. Bột nhang chủ yếu được làm từ mùn cưa, thân cây lồng mứt, cây bầu gió... Tùy loại mà giá cả nguyên liệu dao động từ vài chục ngàn đến cả triệu một ký lô. Để kết dính bột nhang, người ta dùng chất keo lấy từ vỏ cây bời lời, sau đó thêm nước và màu rồi đưa hỗn hợp bột đó đi “phóng”. Trước, khâu “phóng” nhang, cũng như tất cả các giai đoạn khác, đều làm bằng tay. Anh Nguyễn Xuân Long (thợ làm nhang xã Lê Minh Xuân) nhận xét: “Nhang lúc đó cây nào cây nấy đầu voi đuôi chuột, chỗ ốm tong chỗ phình bự coi kỳ lắm. Chất lượng thì cũng tương đương bây giờ nhưng về mặt thẩm mỹ thì kém hơn nhiều!”. Khi chiếc máy đạp ra đời, hình dáng cây nhang bắt đầu được “cải thiện” đôi chút, năng suất cũng tăng lên nhiều hơn.
Qua thời gian, nhiều loại máy tân tiến lần lượt thay thế cho những kiểu làm lạc hậu cũ nên các công đoạn được xử lý nhanh hơn và cây nhang thành phẩm dần trở nên tròn trịa. Hiện tại, ở các hộ gia đình trong làng nghề, người ta sử dụng chủ yếu là máy phóng. Bột đã trộn được đổ vào chiếc quặng lớn của máy, thợ chỉ cần liên tục cho tăm vào lỗ nhỏ bên dưới. Khi đó, bột nhang sẽ tự quấn vào một đầu tăm và “phóng” ra. Cách làm này đỡ tốn sức nhưng thợ vẫn phải mất thời gian đứng canh máy. Chị Thùy Trang, một thợ đã gắn bó với nghề hơn chục năm nay cho biết: “Bây giờ còn ra cả loại m áy có tên là máy lừa. Máy này tự phóng nhang luôn, khỏi mắc công người thợ. Có điều giá hơi mắc nên hiếm có hộ sử dụng”.
Se nhang thời máy móc lên ngôi không đòi hỏi người làm phải quá chi tiết, khéo léo. Nói như một cụ già ở xã thì “không cần hoa tay hoa tiếc gì, có thời gian là ai cũng có thể học rồi làm ngon lành được”. Trong một nhà, sản xuất nhang có thể chỉ một người hoặc ai... rảnh thì “xúm” vô làm. Con nít cỡ 6, 7 tuổi cũng có thể phụ giúp người lớn bằng những việc nho nhỏ, vừa sức như kéo cái xe rùa chở nhang vô, canh trời nắng trời mưa..., thậm chí là đứng máy “phóng” nhang.
Ở làng nhang Lê Minh Xuân, số đông các gia đình đều lấy nguyên liệu từ các chủ sạp tại khu Bình Trị Đông (cách xã hơn 20 cây số) để làm rồi sau đó giao thành phẩm lại cho chủ đem đi phân phối. Có một số hộ “mạnh vốn” thì lấy số lượng nhiều, chia cho nhà lân cận sản xuất rồi trả công cho họ. Tính trung bình, mỗi người có thể làm được 30 - 40 thiên nhang/ngày (mỗi thiên nhang là 1.000 cây). Những nơi có máy móc đầy đủ, vào mùa lễ Tết, năng suất của một người có thể lên đến cả trăm thiên/ngày.
Gần Tết, làng nhang vào vụ bận rộn nhất năm. Con đường Mai Bá Hương nhuộm rực một màu vàng tươi mới của những mẻ nhang phơi. Người ta dùng thanh tre chẻ nhỏ, xếp thành những hàng dài tít tắp trên cọc gỗ đã dựng sẵn từ lâu để làm sạp phơi. Công đoạn “cho nhang tắm nắng” thoạt nhìn tưởng chừng rất khỏe nhưng thực ra cũng lắm kỳ công. Nhang gặp nước mưa có thể rã ra, không đủ nắng thì xuống màu hay mốc là chuyện thường. Khi đó, thợ phải trộn keo, nhúng màu rồi đem phơi lại. “Lúc phơi nhang không phải để chỗ nào nắng là xong chuyện đâu. Đi đâu trong bụng cũng phải nghĩ chừng tới nó, coi trời có mưa thì lẹ lẹ đem vô, chỗ nào nắng tốt hơn thì đem dời”, chị Nguyễn Thị Hoa, thành viên của một hộ gia đình làm nghề se nhang chia sẻ.
Trong năm, cứ đến mùa mưa thì thợ làm nhang lại tạm gác việc chuyển sang làm thuê hoặc đi chuốt tăm tre bán. Mấy năm gần đây, thời tiết khá thất thường nên không trong mùa mưa trời vẫn có khi sụt sùi ảnh hưởng nhiều đến việc phơi nhang. Bởi thế, tuy gọi là nghề làm nên kinh tế chính nhưng vẫn bị gián đoạn. Chưa hết, thợ se nhang còn phải đối mặt với những khó khăn khác nữa. Chị Hoa tâm sự : “Bây giờ máy móc ra nhiều nên công làm cũng ít. Một thiên giỏi chừng 30 chục ngàn là nhiều nên nghề này tuy không đến nỗi bỏ mình đói, nhưng cũng chẳng dư dả gì”. Anh Phạm Văn Tèo, thợ lành nghề của làng cũng bày tỏ: “Nghề này là nghề ‘suốt ngày’, công việc nó cứ đeo theo mình suốt. Làm ngày không đủ thì tranh thủ làm đêm mới có ăn”.
Tuy vậy, người vẫn bám nghề và năm nào, vào mấy ngày sắp sang Xuân, làng Lê Minh Xuân lại miệt mài cho những thiên nhang cuối. Ngoài con đường lớn, trước sân các nhà đều phơi đầy nhang. Mặc cho cái nắng chang chang, đó đây giữa các sạp, người lớn đang chăm chỉ rải nhang thành lớp mỏng đều, còn trẻ con thì nô giỡn chí choách. Tiếng cười nói, trêu đùa, kêu réo... hòa thành một hợp âm rộn rã chào đón Năm Mới đang dần về.
Trần Chân
Bình luận