Các trang mạng xã hội và Internet đã và đang có sức hút vô cùng mạnh mẽ. Hình ảnh một gia đình mà con cái, cha mẹ sau khi đi học, đi làm về, cùng dán mắt vào điện thoại di động, ipad hoặc máy tính… không còn xa lạ với nhiều người hiện nay. Bên cạnh việc mở mang kiến thức, còn đó nhiều chuyện phải bàn khi càng ngày con người càng sống ảo và trở nên xa cách nhau trong đời thường.
Cả nhà cùng lướt “phây”
Nguyễn Văn Đạt, 18 tuổi, học sinh lớp 11 trường Marie Curie - TPHCM cho biết, cậu rất nghiện “phây” (Facebook) và dành phần lớn thời gian trong ngày để lên mạng. Lướt web với bạn bè là thú vui của cậu học trò này. Còn chàng trai Phạm Phúc, 21 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế, cũng thú nhận, mình ít phụ giúp ba mẹ việc nhà, chỉ thích lên “phây”, hết đăng hình trên “tường” nhà, lại bình luận “trạng thái” của người này người kia.
![]() |
Không chỉ có đám trẻ, nhiều người lớn cũng thích “sống ảo”. Một học sinh lớp 10 trường Lương Thế Vinh (Q1, TPHCM) từng tâm sự trên trang cá nhân của mình: “Đi học về đến nhà, trong khi chờ bữa cơm chiều dọn lên, ba tranh thủ vào phây, tôi cũng lướt phây. Dọn cơm lên xong, mẹ lại lên mạng trong khi giục mọi người cứ ăn. Ăn qua loa rồi chén dĩa để đó, mỗi người lại chúi vào điện thoại”. Tuy nhiên, bạn trẻ này im lặng đưa nhãn dán “bí” khi có người vào bình luận: “Sao bản thân bạn không bỏ máy một bên và chủ động mời ba mẹ cùng ăn uống, trò chuyện với nhau trong bữa ăn gia đình?”.
Hầu như bây giờ ai cũng có thế giới riêng với những người bạn trên mạng xã hội. Người ta đăng tải lên Facebook mọi thứ và chờ đợi những lượt “like”, thậm chí có người còn nghĩ ra cách này cách kia để “câu like”. Cha mẹ thì khoe con; con cái thì chia sẻ những thú vui sành điệu, từ thời trang đến ăn uống... Nhiều khi họ không hiểu về những người cùng mái nhà hơn những người bạn ảo trên mạng.
Người già bị bỏ rơi?
Cha mẹ, con cái lướt web có niềm vui riêng. Thế nhưng trong gia đình ba thế hệ sống cùng nhau, người già nghĩ gì khi suốt ngày ở nhà nấu nướng cho cả nhà, chiều về sau bữa ăn sơ sài mà chủ yếu vừa ăn vừa lên mạng, con cháu cùng bỏ về phòng riêng hoặc mỗi người một góc với cái điện thoại trên tay?
Bà Nguyễn Thị Hồng, 70 tuổi (Q1, TPHCM) than thở: “Tôi ở nhà lo chuyện bếp núc, dọn dẹp cùng với một chị giúp việc, nhưng chị ấy làm theo giờ nên khi hết giờ lại đi, thế là tôi cứ ra vào xem truyền hình. Ban chiều, mình chỉ mong có người trò chuyện, nhưng rồi tụi nhỏ về, mỗi đứa một cái máy, rút vào phòng riêng. Cuối cùng cũng chỉ mình tôi dưới nhà”. Cụ Nguyễn Thị Yến, ngoài 90 tuổi (Q3, TPHCM) cũng trong tâm trạng cô đơn khi cô con gái ở cùng sau lúc cho mẹ ăn, lại bận bịu với cái máy vi tính trên lầu. Cụ cứ luôn miệng gọi con xuống, nhiều khi chỉ để ngồi chơi cùng mình cho vui.
Tôi từng đọc câu chuyện trên tờ báo nọ, kể về những ông bà già mong có buổi tối cúp điện, vì chỉ khi đó, trời nóng nực, mọi người mới cùng nhau túm tụm ngoài sân hay ra hành lang để hàn huyên. Rồi lát sau có điện, ai nấy trở về phòng, để lại người già với cái thở dài hụt hẫng: “Ông nhà đèn, cúp có chút xíu cũng cúp”. Và những người cao niên kia ước gì điện cúp lâu một chút để còn được kéo dài những phút trò chuyện thân tình bên con cháu!
![]() |
Một ngày không lên mạng
Chị Nguyễn Thị Trà My, 39 tuổi, hiện làm việc ở một công ty sách tại Sài Gòn, vẫn dặn nhiều người quen đừng điện thoại liên hệ công việc với mình trong ngày Chúa nhật vì ngày này chị thường để điện thoại ở một chỗ, ít nghe máy bởi dành hết thời gian cho gia đình. Chị đi chợ, nấu ăn để cả nhà có bữa trưa thật ngon miệng. Buổi tối, có khi cả gia đình cùng rủ nhau đi ăn bên ngoài trong bầu khí ấm áp. Với chị My, ngày Chúa nhật thật thiêng liêng nên muốn ngơi việc sử dụng mạng hay điện thoại ra, để được thanh thản thật sự với những người thân trong nhà.
Ở nhà anh Nguyễn Văn Phong (Q4, TPHCM) có cha mẹ già trên 70 nên anh cũng dành một buổi chiều thứ Bảy và một ngày Chúa nhật sống cùng gia đình. “Chiều thứ bảy, sau bữa cơm trưa, cả nhà cùng nấu chè ăn, trò chuyện rôm rả. Đến tối, tôi đưa vợ, hai con và ba mẹ đi xem phim hoặc ăn kem bên ngoài. Ngày Chúa nhật, chúng tôi cùng làm những món ngon đặc biệt như bún chả giò, thịt nướng..., rồi vừa ăn vừa xem truyền hình, có khi hát karaoke. Buổi chiều, cả nhà cùng đi nhà thờ”, anh kể. Ban đầu, hai con của anh Phong - đang ở tuổi mới lớn đều phản đối, nhưng anh giảng giải cho các con hiểu, phải hy sinh cho ông bà là những người dễ cảm thấy cô đơn lúc tuổi già. “Tôi còn nói thêm với các con rằng, trong gia đình phải có những phút giây gắn kết mới nảy sinh tình cảm, yêu thương nhau được”, người cha ở tuổi trung niên này tâm tình.
Được biết ở Romania, người ta dựng những ngôi nhà trên cây trong các khu bảo tồn động thực vật hoang dã, hoàn toàn không truyền hình, không mạng... để khách du lịch thoải mái tận hưởng cảm giác gần gũi cùng thiên nhiên. Tại một số nước Bắc Âu cũng có những ngôi nhà lều trên những cánh đồng tuyết trải dài, không có điện và Internet. Người ta đến đây để tìm những phút giây vui vẻ bên nhau sau những ngày mệt mỏi trong công việc.
Tiến sĩ Lê Vinh Quốc, nguyên giảng viên giáo dục học tại trường Đại học Sư Phạm TPHCM chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ gia đình mình: “Cuối tuần, tôi thường đưa vợ, con về căn nhà ngoại ô ở Củ Chi. Ngôi nhà này có vườn chung quanh nhưng hoàn toàn không có mạng”. Theo ông, đó là ngày cả nhà cùng hưởng cảm giác yên bình vùng ngoại thành, lánh xa không khí náo nhiệt ồn ào. Khi vợ chồng con cái cùng trò chuyện ăn uống, ngoài việc thư giãn, còn là lúc gia đình gắn kết để thêm yêu thương và hiểu nhau hơn.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận