Một tai nạn trong ngành công nghiệp trước đây đã trở thành địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến quốc gia Trung Á.
Khi một đội ngũ Liên Xô khoan thăm dò khí đốt tự nhiên ở sa mạc Karakum thuộc Turkmenistan hơn nửa thế kỷ trước, họ đã kích hoạt một chuỗi phản ứng tạo ra hõm chảo khí đốt Darvaza, một cái hố lửa khổng lồ luôn trong trạng thái đầy cuồng nộ.
Chuyến thám hiểm táo bạo
Còn được gọi là “Cổng địa ngục” hay “Sự chói lọi của Karakum”, hiện tượng hố lửa đến từ tình trạng thất thoát khí mêtan từ vô số lỗ rò rỉ dọc theo sàn và thành hố. Chỉ cần đi gần, bất kỳ ai cũng có thể cảm giác được cái nóng khủng khiếp tỏa ra từ hố. Vào ban đêm, hố lửa rực sáng dưới bầu trời đầy sao, tạo nên cảnh tượng ngoạn mục khó dời mắt. Không ai có thể chắc chắc về sự xuất hiện của hố lửa, đường kính 70m, sâu 30m. “Có nhiều tranh cãi và bất đồng về thời điểm hố lửa được khai sinh”, Đài CNN dẫn lời nhà thám hiểm Canada George Kourounis, người duy nhất đến nay từng đi vào thám hiểm hố ga. Theo ông Kourounis, giả thuyết phổ biến nhất đó là hõm chảo hình thành năm 1971 và ngọn lửa nhanh chóng xuất hiện sau đó. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng hõm chảo lộ diện sớm hơn, vào khoảng thập niên 1960, và phải đợi đến thập niên 1980 mới bùng lửa. Nguyên nhân lửa được thổi bùng cũng gây tranh cãi. “Một số người nói là do lựu đạn”, ông Kourounis cho biết, thêm rằng có người kể một nông dân say rượu đã lái xe lọt hố, khiến lửa bùng lên. Hướng dẫn viên địa phương đưa ra một giả thuyết khác, theo đó dân làng sống ở vùng phụ cận đã đốt cái hố đang bốc mùi khủng khiếp và nghĩ rằng lửa trong hố sẽ tắt trong vòng vài tuần.
Năm 2013, nhà thám hiểm người Canada đã thực hiện chuyến thám hiểm trong lòng hố lửa do Tạp chí National Geographic tài trợ. Bên cạnh trải nghiệm thót tim, ông mang theo sứ mệnh tìm kiếm bất kỳ hình thái sự sống nào có thể tồn tại bên trong môi trường lửa đỏ, đặc biệt những dạng sống cung cấp manh mối nghiên cứu điều kiện môi trường tương tự trên các hành tinh ngoài Trái đất. Suốt 17 phút thực hiện sứ mệnh, ông mặc bộ đồ phòng hộ được làm từ vật liệu Kevlar dùng cho áo giáp và sử dụng dây thừng Technora được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dùng trong các sứ mệnh sao Hỏa. Ông Kourounis thu thập các mẫu đất cho Dự án Vi khuẩn Cực hạn. Kết quả phân tích sau đó tìm thấy những vi sinh vật như vi khuẩn và khuẩn ưa nhiệt trong mẫu.
Điểm phải đến khi tham quan Turkmenistan
Thời điểm những du khách đầu tiên tìm đến Darvaza, nơi đây hoàn toàn hoang sơ, không có bất kỳ dịch vụ nào. Những người đến đây phải mang theo phương tiện cá nhân để qua đêm. Ngày nay, khu vực có tổng cộng 3 trại cung cấp lều yurt, cũng như các bữa ăn và phương tiện di chuyển đến tận nơi cho những người không thích lội bộ. Năm 2018, một hàng rào bao quanh bắt đầu được dựng lên, nhằm ngăn chặn nguy cơ khách tham quan có thể rơi xuống hố sụt nếu đến quá gần. “Đó là một hố sụt… Có điều gì kỳ lạ, và bản thân tôi cảm thấy nó có vẻ đáng sợ”, Đài CNN dẫn lời tác giả Ged Gillmore, người viết về hố lửa nổi tiếng trong quyển sách về Trung Á.
Tuy nhiên, hố lửa cách thủ đô Ashgabat khoảng 4 giờ xe chạy về hướng bắc luôn có tên trong lịch trình tham quan Turkmenistan có lẽ sẽ không tồn tại lâu, ít nhất là trong trạng thái cuồng nộ như thế. Chính phủ nước này không ít lần đề cập khả năng phong toả hố lửa. Còn những người từng nhiều lần lui tới Darvaza cho rằng lửa đã yếu hơn so với trong quá khứ. “Cường độ lửa chỉ còn khoảng 40% so với lần đầu tôi chứng kiến năm 2009”, theo ông Dylan Lupine của công ty du lịch Lupine (Anh) vốn là một trong những người tiên phong mang du khách đến Turkmenistan. “Khi ấy, phạm vi lửa cháy rộng hơn. Giờ phạm vi lửa bị thu hẹp và không còn cao như trước đây”, ông mô tả. Một hướng dẫn viên địa phương (không nêu tên) xác nhận lửa bên trong hố đang ngày càng thấp hơn trong 7 năm qua. Thế nhưng, thực tế này vẫn chưa thể làm giảm đi sức hút của “kỳ quan bất đắc dĩ” của nước này. Hõm chảo khí đốt Darvaza tiếp tục thu hút khách tham quan vượt qua đường dài của sa mạc Karakum để đến đây chiêm ngưỡng.
ĐỊNH NGUYỄN
Bình luận