Nhằm tôn vinh giá trị ẩm thực Việt, đặc biệt là món bánh mì, Sở Du lịch TPHCM, và Hiệp hội Du lịch thành phố đã phối hợp tổ chức Lễ hội Bánh mì lần đầu tiên tại Nhà Văn hóa Thanh Niên. Sự kiện diễn ra từ ngày 30.3 - 2.4.2023, quy tụ 150 gian hàng của các đơn vị, nhà hàng, tiệm bánh mì, nhà cung cấp trong và ngoài nước…
Vừa bước vào không gian của lễ hội, chúng tôi đã được các tiếp viên quầy bánh mì cà ri kiểu Nhật đón tiếp. Tại đây, khách đông nhưng không chen lấn vì ai cũng có ý thức xếp hàng. Không phải chờ đợi lâu, một phần 40 ngàn đồng, khách có thể vừa ngồi vừa nhâm nhi từng miếng bánh mì chấm cà ri gà, cà ri bò… được nấu theo kiểu Nhật.
Mô hình nhà thờ Đức Bà được làm từ bột mì |
Vào sâu bên trong có các gian hàng bánh mì bò, bánh mì nem nướng, bánh mì gà… Có quầy bánh mì thịt thuần túy, có quầy bánh mì chả… giá mỗi ổ dao động từ 15 ngàn đến 25 ngàn đồng. Có những quầy bánh mì thương hiệu hẳn hoi như bánh mì Bảy Hổ… Ngoài ra còn có các quầy thức ăn đường phố của Thái Lan như cá viên chiên, xôi nếp, thịt nướng xiên… Có một không gian toàn ghế đẩu bằng nhôm, nhựa để khách ngồi ăn các món. Thưởng thức xong các món mặn, khách có thể đến 10 quầy bán nước giải khát để uống với giá từ 20 - 25 ngàn đồng/ly. Trong ngày, có thời điểm các thức giải khát được giảm giá…
Không chỉ bán thực phẩm ăn liền, khách tham quan còn được tư vấn và mua các loại bột mì hảo hạng, hoặc bột từ ngũ cốc, các loại bánh làm từ bột mì như bánh bông lan… Ở một số quầy, khách được dùng thử trước khi mua.
Thú vị nhất là mô hình nhà thờ Đức Bà bằng bánh mì cao hai mét. Người ta chen nhau chụp ảnh kỷ niệm. Đâu đó có tiếng than nghe thật thú vị: “Ngoài kia nhà thờ thứ thiệt không chụp ảnh, chen vào đây để chụp với khối bánh mì hình nhà thờ… muốn nhồi máu!...”; rồi có tiếng đáp lại: “Vì đây là nhà thờ được làm bằng bánh mì trong một Lễ hội Bánh mì, có mệt cũng đáng thôi mà!”. Chen lấn chụp mặt chính không được, nhiều người ra đằng sau đứng tìm góc thật đẹp để có thể thấy hai tháp chuông của chiếc bánh mì mô hình nhà thờ Đức Bà độc đáo.
Từ cổng sau, chúng tôi ra cổng trước với hai không gian trang trí để khách tham quan chụp ảnh kỷ niệm là những ổ bánh mì, hình chợ Bến Thành kèm 3 chữ BÁNH MÌ VIỆT đầy hãnh diện.
Lễ hội trưng bày, giới thiệu nhiều loại bánh mì
|
Buổi sáng trong ngày bế mạc, khi chúng tôi đến, có lúc lễ hội đông không có chỗ chen. Chị Nguyễn Đan, 35 tuổi, từ quận 4 sang, chia sẻ: “Tôi từng ra nước ngoài và thưởng thức bánh mì thịt nướng kiểu Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn nhớ và yêu hương vị bánh mì thịt của Sài Gòn”. Khách không chỉ đi từng đôi, từng cặp hay đơn lẻ để khám phá lễ hội, còn có không ít gia đình dẫn theo con, cháu. Ông Lê Dân, 57 tuổi, từ Bình Dương đến lễ hội trên chuyến xe lúc 4 giờ sáng cho biết: “Chúng tôi đến đây rất sớm, thế là qua nhà thờ Đức Bà dự lễ 8 giờ, sau đó vào tham quan lễ hội này và trước tiên đã thưởng thức món bánh mì patê thịt 15 ngàn/ổ. Rồi hai vợ chồng và hai cháu ngoại ngồi nhìn mọi người qua lại mà vui. Tôi mua nước chanh, trà đào cho các cháu, có cả kem nữa… Thôi thì cũng là một dịp cho các cháu biết Sài Gòn và món bánh mì truyền thống Việt Nam. Chốc nữa chúng tôi sang Đường Sách, bên đó có bóng mát hoặc ra công viên cạnh nhà thờ Đức Bà ngồi, khi đi sẽ “thủ” theo 4 ổ bánh mì và 4 ly nước hột é…”. Kế hoạch du lịch một ngày của ông Dân và 2 cháu ngoại thật thú vị. Ông sẽ đi chuyến xe 5 giờ về nhà sau khi cho các cháu ra Hồ Con Rùa chơi.
Cô Lê Thị Nhàn, 45 tuổi, là giáo viên ở Đồng Nai nói, tự điển Oxford đã có cụm từ Banh mi Saigon như một đặc sản của Việt Nam ngang với sushi của Nhật, và bánh mì cũng đứng hàng thứ 6 trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Vì vậy cô đến lễ hội với tâm trạng hân hoan trong một sáng Chúa nhật đầu tháng 4.
Gần đến giờ bế mạc, khách vẫn nườm nượp vào. Hình như ai cũng muốn khám phá Lễ hội Bánh mì một chút vì tò mò, và lớn hơn là sự hãnh diện cho một món ăn Sài Gòn nổi tiếng thế giới.
SƠN HẠ
Bình luận