Trong văn hóa của nhiều nước trên thế giới, lời chào như một nét văn hóa truyền thống thể hiện giá trị của một con người. Nó bắt nguồn từ sự dạy dỗ trong gia đình, xã hội và được người ta gìn giữ qua thời gian. Người Nhật, người Hàn thường chào cúi gập người; người Thái có văn hóa chắp tay chào hay người Ấn Ðộ đưa tay ra trước ngực... Người Việt Nam cũng có những cách thức chào và sử dụng ngôn ngữ chào rất đặc trưng, được thể hiện trong giao tiếp đời sống thường nhật.
Người Việt có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Thật vậy, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, dù làm ở bất cứ lĩnh vực gì hay đi bất cứ nơi đâu thì lời chào cũng rất quan trọng và dường như không thể thiếu. Ngay từ lúc nhỏ, con trẻ đã được người lớn dạy cho cách thức chào, đó là cúi gập người xuống và hai tay khoanh trước ngực. Tùy theo cấp bậc địa vị trong xã hội mà người ta có những cách chào thế nào. Dễ thấy những câu chào phổ biến của người nhỏ chào người lớn như “Con chào bác”, “Con chào chú”; có người thêm vào phía sau câu chào bằng từ cảm thán: “Con chào ông ạ!”, “Con chào bà ạ!”. Và người lớn sẽ đáp lại lời chào bằng cách mỉm cười thật tươi rồi nói: “Chào con”.
Ở từng vùng miền sẽ có những cách chào khác nhau, miền Bắc có cách chào của miền Bắc, miền Trung và miền Nam cũng có những cách chào riêng. Đơn giản chỉ là về mặt ngôn ngữ, như văn hóa miền Bắc thường có câu: “Mời bác xơi cơm với gia đình cháu”, đó cũng được xem là lời chào thân mật đối với khách khứa đến nhà khi họ đang chuẩn bị dùng cơm. Đôi khi chào không phải nhất định là nói ra lời hay có những cử chỉ, hành vi thể hiện mình muốn chào họ, mà đó có thể là những câu nói bình thường như đang giao tiếp: “Chị đi chợ mới về”, “Nhìn bà có vẻ có sức sống hơn hẳn”.
Cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi nhiều thứ, nhưng văn hóa chào vẫn được người Việt giữ gìn. Mặc dù vẫn khuyến khích cách chào hỏi truyền thống nhưng đôi khi giới trẻ hiện nay còn có sự pha trộn với văn hóa phương Tây cho “sành điệu”: “Bye nhé”, “Hello anh”…
Thật quý biết bao khi bước vào trường học, nghe những lời chào thân thương của học sinh: “Con chào thầy ạ”, “Con chào cô ạ”. Hay mỗi khi về nhà lại nghe: “Thưa ba con mới về”, “Thưa mẹ con đi học”.
Thực trạng trong cuộc sống vẫn có nhiều người trẻ không muốn giữ lời chào nữa, vì cho rằng lớn rồi, đâu còn là con nít; hay nhiều người lớn ngạc nhiên vì có những trẻ nhỏ mỗi khi thấy người thân quen là nhìn, chẳng biết nói một câu chào nào cả. Để nói một lời chào rất dễ, nhưng cũng phải được rèn luyện ngay từ nhỏ và biến nó thành một thói quen giao tiếp. Bằng không, việc chào hỏi đôi khi là một sự e dè, thẹn thùng, rất khó nói. Thế mới có câu: “Dao năng liếc thì sắc/ Người năng chào thì quen”.
Ngày nay, đôi khi người ta chào hỏi với nhau chỉ đơn giản là qua ánh mắt, cái bắt tay, vỗ vai hay mỉm cười và cúi đầu. Nhưng văn hóa truyền thống của người Việt coi trọng lời nói và trọng tình cảm, cái gì cũng nên bật ra thành ngôn ngữ, như vậy mới có thành ý. Thông qua lời chào mà có thể cảm nhận được tâm tư, tình cảm của đối phương, đồng thời thể hiện thái độ tôn trọng, sẻ chia và quan tâm của người chào.
MINH KHIẾT
Bình luận