Học truyền thống vốn dĩ đã không dễ dàng, việc tiếp cận thông tin qua màn hình máy tính, điện thoại còn trở nên khó khăn rất nhiều lần. Trước những khó khăn đó, việc giáo viên và phụ huynh hợp tác với nhau, đưa ra những giải pháp học hiệu quả, không chỉ mang lại kết quả khả quan mà còn tạo sợi dây gắn kết giữa phụ huynh và giáo viên, nhất là trong thời dịch bệnh, không thể gặp gỡ trực tiếp...
Khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc đến trường của học sinh chưa thể thực hiện được, nên chuyện học trực tuyến trở nên phổ biến. Nhiều phụ huynh bất đắc dĩ trở thành bạn đồng hành cùng con trong các hoạt động học tập. Các cha mẹ không những giúp con an tâm, tập trung hơn vào việc học mà còn là người bạn hỗ trợ các kỹ thuật cho con khi phải sử dụng các thiết bị điện tử, nhất là ở những gia đình có trẻ nhỏ.
Như đối với học sinh lớp 1 chẳng hạn, chuyện các bé bước từ giai đoạn mầm non sang tiểu học là một bước chuyển khá mới mẻ. Ở giai đoạn mầm non, việc ăn chơi và ngủ đã thành thói quen nên khi vào lớp 1, phải ngồi lắng nghe cô giảng bài hàng mấy chục phút liền, quả thật là điều rất mệt mỏi với các bé. Nếu ở trường thì có thể gò ép các trẻ vào nề nếp nhưng học ở nhà với các thiết bị điện tử, con trẻ không những dễ sao nhãng mà có khi còn tận dụng các thiết bị học tập cho mục đích khác. Chính vì thế, nhiều phụ huynh bắt buộc phải đồng hành để giúp con vào nếp từ từ để khi vô trường không có sự bỡ ngỡ, cũng như dễ hòa nhập với các bạn và cô chủ nhiệm hơn.
Nếu như trước đây, thời khóa biểu của các bạn nhỏ thường được ghi các môn học cụ thể cho mỗi ngày chỉ một lần duy nhất, thì giờ đây, khi học trực tuyến, lại có thêm nhiều thông tin hơn. Ngoài các môn học bắt buộc theo lịch hằng tuần, giáo viên cũng đính kèm thêm các đường dẫn tham khảo từ các nguồn khác nhau, để phục vụ cho bài học hiệu quả, cho học trò biết đa dạng hơn về môn học, để hứng thú hơn, dễ tiếp thu hơn. Lịch học này, các thầy cô sẽ đều đặn gởi tới phụ huynh vào cuối của mỗi tuần, trong đó cũng thông báo rõ: thứ mấy các em sẽ học môn gì, bài nào, học sinh cần chuẩn bị đồ dụng học tập gì và sau khi học xong sẽ làm bài tập nào...
Kết thúc mỗi ngày học, thầy cô giáo lại gởi tin nhắn tới nhóm phụ huynh của lớp để nhờ gia đình hỗ trợ, hướng dẫn các em hoàn thành nhiệm vụ học tập đã được giao. Tùy tình hình học tập của học sinh, giáo viên sẽ có lưu ý, hướng dẫn và yêu cầu luyện tập phù hợp với các em. Việc trao đổi giữa thầy cô và phụ huynh diễn ra thường xuyên, để bố mẹ nắm bắt được việc học của con và có những hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời, giúp con học trực tuyến hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Oanh (TP Thủ Ðức) cho biết, kể từ khi con học trực tuyến, chị cũng đỡ phải tìm kiếm các tài liệu học tập vì mỗi tuần, cô giáo đều đưa các bài giảng trên lớp, các đường dẫn học trực tuyến trên youtube, với những bài học dễ hiểu, có thể tua đi tua lại nhiều lần nếu con không nắm bắt được. Ðôi khi đó còn là những phương pháp để mình áp dụng vào, hướng dẫn cho con làm bài tập...
Nhiều phụ huynh khi học trực tuyến cùng con, mới đồng cảm cùng giáo viên hơn, bởi họ thấy được cái tâm, cũng như việc giúp đỡ mọi thứ từ các thầy cô, để tất cả cùng nhau đồng hành với con trẻ, như chia sẻ của anh Nguyễn Văn Phúc, một phụ huynh cũng ở Thủ Ðức: “Lịch học mỗi tiết chỉ tầm 30 phút mỗi ngày, nhưng cô chủ nhiệm của con mình thường vào lớp trên “google meet” rất sớm, có khi sớm hơn 30 phút. Việc vào sớm như vậy giúp học sinh trong lớp luyện đọc, ôn lại bài cũ, tạo điều kiện cho các em ai cũng phát biểu, vừa tăng tính tương tác, vừa giúp cho các bạn nhỏ có thể hăng hái phát biểu như học trực tiếp ở lớp. Thông qua những buổi vào sớm đó, cô cũng biết được tình hình đọc bài, tiếp thu bài của các em thế nào, để liên hệ với gia đình hỗ trợ cho học trò tiến bộ hơn”.
Trường hợp của chị Nguyễn Ánh Tuyết (quận 12, TPHCM) thì do trước đây, hai vợ chồng chị có tư tưởng là để con tự phát triển, không gò ép trong việc học nên không đặt nặng vấn đề dạy chữ cho con khi học mầm non, nhưng đến khi vào lớp 1 thì mới tá hỏa là chương trình quá nặng, con mình không theo kịp các bạn chung lớp. Mỗi khi cô kêu đọc bài thì bé không đọc được, hai vợ chồng lo quá! Nhưng rồi họ được giáo viên chủ nhiệm chủ động nhắn tin qua zalo, hướng dẫn cho cách dạy con học hiệu quả hơn. Tuy bé còn chậm nhưng nhờ cô giáo quan tâm, hằng ngày vẫn kêu đọc bài, giúp bé mạnh dạn phát biểu và chú tâm hơn. Chưa kể đến việc vào cuối mỗi tiết học, cô thường nán lại kèm thêm cho mấy bé đọc chữ... “Sự quan tâm của cô giáo khiến mối liên hệ giữa giáo viên và phụ huynh thêm gắn kết, mình cảm thấy trân qúy tình thầy trò mà cô dành cho con mình rất nhiều”, chị Tuyết giãi bày.
Từ thực tế trên, có thể thấy, khi cha mẹ học sinh và giáo viên có sự phối hợp thì việc học của con trẻ sẽ trở nên hiệu quả hơn, đặc biệt ở giai đoạn giáo dục trực tuyến này.
Việc phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên không những gia tăng sự gắn kết giữa hai bên mà còn tạo động lực, niềm vui cho trẻ thực hiện tốt các hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình.
Thời dịch giã, không thể có những cuộc họp mặt trực tiếp giữa giáo viên với phụ huynh nhưng thế giới phẳng đã đưa họ gần nhau hơn để cùng thực hiện mục đích giáo dục con trẻ nên người.
Võ Hồng Tuấn
Bình luận