Thị trường bánh và đèn cho Tết trăng rằm đã vào mùa. Phố phường với những cửa hàng bánh, đèn Trung Thu đầy màu sắc tạo nên điểm nhấn đặc biệt. Tưởng chừng thị trường bánh, đèn Trung Thu “đến hẹn lại lên”, nhưng năm nay xuất hiện những điểm nhấn mới lạ.

BÁNH TRUNG THU ĐA DẠNG HẲN
Chưa bàn đến thị trường bánh Trung Thu năm nay “thua” hay “thắng” về mặt lợi nhuận, nhưng có thể chắc chắn rằng là một năm đầy cạnh tranh khi cùng lúc có nhiều “kênh” kinh doanh bánh nở rộ. Ghi nhận tại rất nhiều cửa hàng, siêu thị, kênh bán lẻ, các sàn thương mại điện tử… và các chuỗi thương hiệu bánh ngọt, hệ thống tiệm trà, cà phê, dễ thấy nhiều cái tên mới góp mặt vào thị trường sản xuất bánh Trung Thu.
Ngoài những tên tuổi quen thuộc như Kinh Đô, Đồng Khánh, Hữu Nghị, Bibica… với dây chuyền sản xuất công nghiệp, dòng bánh “handmade” từ các xưởng bánh nhỏ vẫn giữ chân được một lượng lớn khách hàng. Bánh “handmade” với lợi thế đa dạng kiểu dáng, nhiều biến tấu trong công thức vẫn được nhiều người ưa chuộng. Cả hai dòng bánh công nghiệp và thủ công này đều chiều lòng khách khi tung ra nhiều dòng bánh với kích cỡ và nhân bánh phong phú bên cạnh các loại nhân bánh truyền thống như thập cẩm, đậu xanh, khoai môn, hạt sen… Dòng bánh nướng và bánh dẻo, với các thương hiệu lớn chú trọng sản xuất các vị nhân trà sữa trân châu, trứng chảy, vị than tre, vị táo đỏ, hoa đậu biếc… Giá bán lẻ dao động từ 55.000 đến dưới 200.000 đồng/cái. Với dòng bánh sản xuất dây chuyền giá thường niêm yết cố định dù bày bán ở siêu thị hay cửa hàng bán lẻ. Phần giảm giá, chiết khấu, tặng quà… thì tùy thuộc vào chính sách riêng của từng nơi.
Riêng dòng bánh thủ công, giá bán tùy thuộc vào từng xưởng, tiệm bánh, không có giá cố định cho cùng một kiểu nhân bánh, kích thước tương tự. Các xưởng bánh nhỏ thường gom nhận đơn hàng đến một số lượng nhất định bởi sức sản xuất không lớn cũng như hạn sử dụng của bánh không dài. Chị Phạm Thị Vi (TP Thủ Đức) bước vào năm thứ tư kinh doanh bánh handmade cho biết, khách hàng cũ của tiệm chọn các dòng bánh có kích thước nhỏ thay vì bánh lớn. “Nhu cầu thử nhiều vị và ít ngọt là xu hướng gần đây, nên tôi thường bán các hộp bánh gồm 6, 8 hoặc 10 bánh nhỏ với các vị khác nhau”, chị Vi giải thích. Cũng có mấy năm lăn xả bếp bánh tại gia, chị Hồng Hạnh (Q.12) nhận thấy dòng bánh thủ công có đối tượng khách là các chị em muốn mua cho gia đình và biếu tặng số lượng ít. Chị Hạnh chia sẻ: “Thường lý do bởi bếp nhỏ làm bánh thủ công bắt xu hướng nhanh. Chính các vị bánh mới mỗi năm tạo hiệu ứng gây tò mò muốn thử với các khách hàng có nhu cầu ăn bánh thật sự”. Theo chị, năm nay khách đổ dồn vào loại bánh nướng mochi trứng muối chà bông. Bánh có nhân dẻo nhờ lớp bột mochi và cân bằng vị mặn, ngọt…
Những năm gần đây, thị trường bánh Trung Thu có sự góp mặt của các hệ thống kinh doanh trà, cà phê có thương hiệu như Phúc Long, Katinat, Cộng, Highlands, Thức… Nếu như năm trước các thương hiệu này còn chưa có nhiều sản phẩm thì có phần “rộ” hơn khi được đầu tư cả phần “nhìn” lẫn phần “ăn”. Nhìn chung, bánh từ các thương hiệu chuỗi trà, cà phê đều được giới thiệu là dòng bánh sản xuất thủ công. Giới trẻ rút hầu bao nhiều cho các loại bánh ở các chuỗi này vì tiện cho nhu cầu thưởng thức nhanh gọn khi đến uống trà, cà phê. Câu chuyện với chiếc bánh bên những người bạn đã không còn phải đợi đến đúng ngày Tết Trung Thu nữa.

LỒNG ĐÈN CHUỘNG CÁC NHÂN VẬT TỪ HOẠT HÌNH
Dạo quanh các khu chợ, nhà sách… và trên nhiều tuyến phố đông đúc có thể bắt gặp đủ loại đèn phục vụ dịp lễ Trung Thu. Các nhà sách chuộng bán các loại đèn chưa hoàn thiện để dành cho các em nhỏ tiếp tục các bước như tô màu, lắp ráp, ghép khung, gắn chi chiết…; các hàng bán đèn ngoài phố, chợ lại thịnh các loại đèn bóng kính màu truyền thống, hoặc đèn nhựa, đèn giấy xếp…
Nếu bánh có thể có nhà mua, nhà không, thì đèn Trung Thu được hầu hết gia đình có con nhỏ tậu một, thậm chí hai, ba cái. Thị trường đèn Trung Thu đa dạng, trăm hoa đua nở, khi có sự góp mặt của rất nhiều phân khúc đèn khác nhau. Chỉ riêng đèn bóng kính màu truyền thống cũng đủ kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc. Có những cái chỉ nhỏ bé gọn trong lòng bàn tay, nhưng có loại kích thước lớn. Loại đèn nhỏ thường sẽ được bán kèm dây đèn led chớp nháy. Mẫu có gắn đèn led cũng rất đa dạng: đèn cỡ mini có giá 25.000 - 30.000 đồng cái; đèn cỡ lớn 70, 80, 110cm thì trên 100.000 đồng/cái.
Đáng chú ý, mẫu đèn con sứa bằng nhựa và dây vải tua rua tạo sức nóng năm trước giờ không còn thu hút, thay vào đó là đèn giấy xếp hình con cá đính hạt trang trí với nhiều màu sắc bắt mắt, có giá từ 25.000 đồng/cái và hút khách. Đèn sáng tạo bằng chất liệu gỗ được in hình ảnh có chủ đề chú Cuội, chị Hằng, thỏ trắng, rước đèn… giá bán khoảng trên dưới 80.000 đồng/bộ, được bày bán khá nhiều tại hệ thống các nhà sách.
Nhìn chung, thị trường đèn Trung Thu năm 2024 rất đa dạng kiểu dáng, mẫu mã; nhưng các mẫu đèn nhân vật hoạt hình trở thành tâm điểm gây sốt, “đình đám” là Labubu và Capybara. Xu hướng từ hai tạo hình này lan rộng khiến giới trẻ, trẻ nhỏ đua nhau tìm mua. Hiện các mẫu đèn lồng nhựa có gắn thêm nhân vật Labubu bằng bông trở nên phổ biến khi có mặt ở hầu hết các hàng kinh doanh lồng đèn. Giá của mẫu đèn dao động 20.000 - 25.000 đồng/cái và là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Labubu và Capybara còn có mặt trong các loại đèn nhựa in sẵn và cũng là mặt hàng đèn bán chạy. Kinh doanh lồng đèn ở chợ Thủ Đức, chị Hoàng Yến tạm chốt: “Mẫu mã lồng đèn năm nay đa dạng hơn năm trước và nhất là với mấy nhân vật hoạt hình giới trẻ đang thích nên khách tìm mua loại này khá nhiều. Không phải chỉ trẻ con mà học sinh, sinh viên cũng mua”.
Chỉ chừng đó đã thấy bầu khí Trung Thu đang đến rất gần qua những chiếc đèn lung linh đủ hình thù màu sắc và vị bánh ngọt ngon bên tách trà thơm!
Đăng Khôi
Bình luận