Mùa Noel kéo dài cả tháng 12 dương lịch, bởi vậy mà nhiều hình thức kinh doanh vào dịp lễ quan trọng này rất được các doanh nghiệp và tiểu thương chú ý. Từ cuối tháng 11, các phố cổ ở Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược… đã ngập tràn đồ Giáng Sinh. Điều này cho thấy, ngoài ý nghĩa tôn giáo, Giáng Sinh đã trở thành một lễ hội lan tỏa ra những cộng đồng cư dân khác, không còn chỉ bó hẹp trong khuôn viên các họ đạo.
Nói tới hàng Giáng Sinh, từ xưa đến nay, đa số đó là các vật biểu tượng như ông già Noel, tuần lộc, người tuyết, dây kim tuyến, ngôi sao, thiệp chúc mừng… Dễ nhận thấy là những mặt hàng này chủ yếu được sản xuất từ Trung Quốc, Đài Loan và được tiểu thương nhập về để tiêu dùng ở thị trường Việt. Người ta tự hỏi đâu là vị trí hàng Việt trong những dịp như thế này? Người bán lý giải hàng Tàu giá rẻ, mẫu mã nhiều, trông bắt mắt, mới lạ nên hàng Việt ít cạnh tranh nổi. Đây là một thực tế khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước cần suy nghĩ thêm về đặc tính tiêu dùng của người Việt như thích trang hoàng nhà cửa, công sở, đặc biệt vào những dịp như Noel, Tết, nên thị trường mua sắm sẽ rất lớn… Mùa trước Noel kéo dài cả tháng, nhu cầu mua sắm không chỉ dành cho người Công giáo, đã tạo ra một thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp cần phải nắm bắt và tranh thủ. Thực tế, doanh nghiệp trong nước chưa thực sự chú tâm đầu tư sản xuất hàng mùa Giáng Sinh, bỏ lỡ nhiều cơ hội khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
Báo chí thông tin năm nay dân Việt sính việc chơi thông thật nhập từ Đức về. Chủng loại thông Đức cao từ 1,2m - 5m, với giá dao động từ 1,2 triệu - 25 triệu/cây. Có thể thông xứ lạnh đẹp và bắt mắt hơn thông vùng nhiệt đới, nhưng đây cũng là lãnh vực mà nhà đầu tư cây cảnh trong nước có thể nghiên cứu. Việc chơi thông ngoại cũng phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong dân ngày một cao và khắt khe hơn trước. Những người chơi thông ngoại phần lớn là tín hữu Công giáo muốn trang hoàng nhà cửa gia đình đẹp nhất để đón mừng Chúa Giáng Sinh.
Rõ ràng, để hàng Việt đến với dân Việt đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần phải kết nối được tư duy kinh doanh với tâm lý khách hàng và tâm tình tôn giáo. Người ngoài Công giáo coi Giáng Sinh là một ngày hội thì thị hiếu của họ thường là màu mè, đẹp mắt, vui nhộn và ít tính tôn giáo. Ngược lại, với những tín hữu Công giáo thì những món đồ cho dịp Giáng sinh phải chuyển tải được tâm tình thiêng liêng. Bởi nếu không có cảm xúc tôn giáo, cũng chẳng ai chịu bỏ ra cả 1000 USD để nhập một cây thông Đức về chơi vài tuần rồi đem bỏ.
Phải chăng việc chi phí tốn kém cho những món đồ Giáng Sinh luôn biểu hiện một đức tin sâu sắc? Thực tế không hẳn như vậy! Đôi khi một lối sống đạo đơn giản lại chứa đựng một cảm thức tôn giáo sâu sắc. Xưa kia, mỗi dịp Noel, người Việt Nam Công giáo đâu có tiếp xúc với kinh tế thị trường, làm gì có đồ Tàu ngập phố, làm gì có thông Đức đẹp mắt, nhưng nếp nhà đạo, nếp sống đạo của người Công giáo vẫn triển nở và củng cố bền chặt trong các xứ, họ đạo…
Ngô Quốc Ðông
Bình luận