Bên cạnh trào lưu hưởng ứng lối sống tối giản, hiện vẫn đang tồn tại xu hướng sắm sửa trực tuyến. Ðặc biệt với giới văn phòng thì sức hút của những trang bán hàng “trên mạng” kèm những chiến dịch quảng cáo, chính sách chăm sóc cũng như nhiều ưu đãi khuyến mãi liên tục lại có sức lôi cuốn hơn cả.
Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại hoặc máy tính, lập tức các đơn hàng được thiết lập và sau đó là một chuỗi các hoạt động nhận đơn, vận chuyển, thu hộ tiền…, giúp người mua dễ dàng nhận hàng tận tay với thời gian siêu tốc…
Khách hàng công sở dễ dàng được giao hàng tận tay |
Từ sự tiện lợi đến thú vui
Thay vì phải chạy xe giữa trời nắng đến tận nơi săn hàng giảm giá thì nay công nghệ hiện đại giúp mọi người thỏa sức sắm đồ từ xa. Dù là phụ nữ hay nam giới cũng đều dễ dàng bị cuốn hút tham gia vào các hoạt động mua sắm trực tuyến bởi tính tiện lợi, sự đa dạng của hàng hóa. Do vậy ngày nay, hình ảnh giới công sở nhận món hàng có đủ mã vạch giao nhận từ những người vận chuyển trở nên vô cùng phổ biến.
Không nghiện mua sắm nhưng chị Phương Thảo (làm việc ở Q.1, TPHCM) cho biết hiện điện thoại có tới 3 ứng dụng mua sắm trực tuyến và dùng cùng lúc hơn 3 địa chỉ giao hàng. “Hầu như ai hay mua qua mạng đều có ít nhất 2 địa chỉ và tùy vào thời điểm nhận hàng dự kiến mà sẽ chọn nơi nhận cho phù hợp. Như tôi thì ngoài địa chỉ công ty, nhà riêng còn có thêm nhà ba mẹ phòng khi đi vắng có thể nhờ mẹ nhận dùm”, chị Thảo khoe. Với chị, sở dĩ thường xuyên dùng hình thức mua hàng trực tuyến là do thời gian eo hẹp, việc đến nhiều nơi cùng lúc là điều không thể. Trong khi đó, chỉ vài thao tác trên điện thoại thông minh, chị đã có thể mua sữa, tã cho con; mỹ phẩm, váy áo cho cá nhân mình và mua luôn cả những thiết bị, dụng cụ dùng cho cả nhà...
Vừa nhận điện thoại từ người người giao hàng quen thuộc, giữa giờ nghỉ trưa, chị Thanh Nguyên (làm việc Q.3, TPHCM) vội vã cầm tiền đã chuẩn bị trước xuống nhận hàng cho con được đặt mua từ tận Lào Cai. Vì trang bán hàng chị đang lựa chọn có chức năng theo dõi đơn hàng nên có thể dễ dàng biết được thời gian món hàng sẽ đến mà chuẩn bị tiền. Hôm nào không có mặt ở nơi làm việc, chị nhờ đồng nghiệp nhận giùm hoặc hẹn lại với người giao hàng. Thừa nhận mình có chút “ghiền” khi lao vào ma trận hàng hóa hấp dẫn trên mạng, song theo chị Nguyên lý giải, nguyên nhân chính là sự tiện lợi. “Một lý do khác nữa là mình so sánh được giá, xem được người khác bình phẩm về thực tế món đồ đã mua. Ngoài ra, có nhiều chương trình giảm giá trên các trang trực tuyến. Có những món mình mua tận ngoài Hà Nội, Lào Cai bởi giá cả mềm hơn Sài Gòn, dù đã trừ phí vận chuyển”, chị nói thêm. Theo chị Nguyên, hiện công ty chị có hẳn một nhóm chuyên cùng nhau mua hàng trực tuyến chung vào những giờ nghỉ để nhận thêm ưu đãi hoặc đơn giản là nhẹ gánh tiền phí giao hàng.
Từ việc tiện lợi, mua sắm trực tuyến sở dĩ “chiếm sóng” nhiều hơn trong các hình thức mua bán cũng bởi nó tạo nên thú vui mà theo nhiều người sử dụng là “dễ gây nghiện”. Anh Minh Ðăng (làm việc Q.7) nói về thú vui này và thừa nhận mua sắm ở văn phòng dễ… lây lan : “Chỗ tôi làm có hẳn một hội mua sắm nên cứ đợt giảm giá nhanh hay săn mã giảm giá là túm tụm chia sẻ. Cùng nhau canh “giờ vàng” từ các trang thương mại điện tử rồi còn mua chung, mua giùm nhau các kiểu rất sôi động... Thú thực giờ tuần nào mà không mua món gì là cảm thấy thiếu thiếu, mà quả thực có nhiều loại hàng như dầu gội, sữa tắm, kem cạo râu chẳng hạn, trước đây còn mua ở siêu thị, nay tôi cũng chuyển qua đặt hàng luôn, đỡ mất công đi lại...”.
Vậy cho nên theo anh Ðăng, giờ đây, hình ảnh lúc nghỉ ngơi mọi người cả nam lẫn nữ dán mắt vào màn hình lựa hàng, nhập mã giảm giá, số tài khoản... trở nên quen thuộc như bao thói quen văn phòng khác.
Các trang bán hàng trực tuyến với vô vàn chương trình khuyến mãi, giảm giá |
Mua quá hóa thừa và những phiền toái
Ðặt nhiều nên có khi không nhớ mình mua khi nào, nhận hàng gì.“Có khi vừa chạy xuống lấy hàng, mới quay lên đã phải quành xuống nhận đơn khác chóng cả mặt. Thực sự thì có khi mình cũng thấy ngán vì đi nhận hàng nên có thời gian cũng ‘cai nghiện’ mua sắm. Ấy vậy mà được ít hôm lại ‘ngứa tay’ đặt tiếp. Tâm lý món này cũng cần, món kia cũng hay, giá giảm quá nhiều... khiến mình khó cưỡng”, chị Phương Thu (làm việc Q.2, TPHCM) tiết lộ.
Theo chị Thu, mua sắm trực tuyến dễ khiến người mua quên đi mục đích sử dụng cũng như đặt câu hỏi về sự cần thiết của món hàng vì sự đa dạng cũng như các chính sách giảm giá, phí mua hấp dẫn. Thú nhận có khi bị chồng càm ràm vì mua sắm quá tay và đôi khi phải đem giấu bớt vì nhiều quần áo, giày dép, bình nước, ly... quá nhưng dường như chị Thu chỉ giảm bớt lại chứ không ngừng mua được. “Tôi chỉ mua sắm trong định mức cho phép chứ cũng không có chuyện vay nợ, hay cà thẻ nợ...”, chị Thu phân trần.
Tỏ vẻ tiếc nuối, chị Bích Hương (làm ở một công ty truyền thông ở Q.1) cất tiếng: “Hôm nay lại hết hạn miễn phí giao hàng rồi, chán thật! Biết thế đặt từ mấy bữa trước cho đỡ phí rồi. Thế là giờ phải đặt đại thêm vài món lặt vặt cho đủ 150.000đ, không tốn phí vận chuyển”. Ðây là một thực tế mà nhiều người gặp phải khi mua sắm trực tuyến.
Các trang bán hàng có nhiều “bí kíp” khiến khách hàng dễ dàng mua sắm thêm nhiều sản phẩm cùng lúc nên không ít khách vui vẻ rút hầu bao đặt mua vì nghĩ mua càng nhiều càng rẻ. Mang tâm lý này khiến nhiều người rơi vào cảnh mua mà không dùng đến hay mua không vì nhu cầu. Chị Phương Thảo, chị Thanh Nguyên hay anh Minh Ðăng... đều không ít lần mua thừa nhiều món. Ngoài hình thức nhận hàng mới trả tiền, song song đó, các trang mua bán cũng khuyến khích người dùng sử dụng phương thức thanh toán qua các loại thẻ, “ví điện tử”. Thông thường khi chọn trả tiền trước qua việc thanh toán bằng thẻ sẽ nhận nhiều ưu đã giảm giá hàng, phí gởi hàng. Do đó, việc mất “kiểm soát” mua thêm hàng dễ xảy ra hơn. Như chị Phương Thu bật mí thêm có đôi lần thẻ của chị chạm mức đáy dù chỉ mới lãnh lương nửa tháng trước nên phải vay thêm đồng nghiệp...
Mua sắm trực tuyến không phải chỉ toàn lợi ích, việc bị người giao hàng gọi vào những lúc như đang trong cuộc họp, đang làm việc hoặc khi đang ngủ trưa cũng là điều bất tiện. Từng say sưa thức khuya canh mua hàng vào những khung giờ giảm giá và không ít lần giật mình mất giấc ngủ trưa vì phải nhận hàng, anh Hoàng Dương (Q.4, TPHCM) cho biết đó là một trong điều khiến anh khó chịu.
Mua trực tuyến món đồ sẽ đến từ nhiều nhà cung cấp mà người mua chỉ có thể trao đổi bằng hình thức gián tiếp như nhắn tin, điện thoại, và cũng không thể coi trực tiếp nên đôi lúc có thêm chuyện không vui như đặt màu xanh lại nhận màu đỏ, đặt cỡ nhỏ nhận cỡ lớn, hoặc tệ hơn là hàng thật không như hình chụp quảng cáo, hàng giao tới móp méo do vận chuyển... Ðược bên bán cam kết bảo vệ quyền lợi đổi trả hàng, nhưng thủ tục đôi khi hơi phiền hoặc phải đợi chờ lâu nên không ít người “ngậm bồ hòn” chấp nhận giữ món đồ lỡ đặt.
Như một phương thức phát triển phù hợp với nhu cầu đa dạng của một bộ phận công chúng, mua sắm trực tuyến hiển nhiên đã và đang là xu hướng hấp dẫn, song cũng là “thử thách” với người tiêu dùng, khi phải tự cân bằng giữa nhu cầu, khả năng chi trả, thời gian... để tạo thành thói quen mua sắm văn minh ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Minh Minh
Bình luận