Những “bộ cánh”, phụ kiện rực rỡ sắc màu và tiếng người mua kẻ bán rôm rả là hình ảnh sinh động suốt mấy mươi năm qua tại khu chợ đồ cưới Tân Bình. Vào mùa cưới, khoảng từ tháng 8-12, nơi đây càng là địa chỉ “hot” của các đôi bạn. Con đường nhỏ lúc này không ngớt bóng người săm xoi ngắm nghía, ướm thử váy áo.
Xúng xính ngày vui
Mặc cái nắng oi ả những tháng cuối năm, khu bán đồ cưới vẫn lao xao tiếng hỏi giá, lời tư vấn chọn soa-rê, áo vét phù hợp. Mấy chục gian hàng nhỏ nằm sát nhau. Áo đầm, áo dài, âu phục được bày biện đủ kiểu trước mỗi tiệm. Rảo qua các gian hàng, tôi chợt nghe một người bán đon đả nói với khách: “Da em sáng thì chọn mấy bộ đầm màu tươi tươi vầy cho đẹp. Thích kiểu cổ gì, tay gì chị lấy mẫu cho”. Cách đó không xa, lại có tiếng của một chủ tiệm vọng bên tai: “Bó hoa này cô chắc giá 280 ngàn, không bớt được con ơi!”. Cảnh tượng bán mua cứ thế sôi nổi, rộn ràng suốt buổi chợ.
Khách hàng thỏa sức chọn lựa kiểu áo ưng ý |
Không khó nhận ra soa-rê là mặt hàng được trưng bày chủ đạo giữa những bộ áo quần, phụ kiện cưới hỏi, nào xanh, đỏ, tím, vàng với cổ tim, cổ thuyền, cổ tròn, đuôi dài hay đuôi ngắn... Đầm thời trang được cắt may phá cách, đính thêm hoa, nơ sáng tạo, đủ kiểu dáng, sắc màu, thỏa sức chọn lựa. Chất liệu phổ biến với soa-rê là voan, lưới để người mặc không thấy nặng nề trong bộ cánh lòa xòa. Thường kích cỡ mỗi bộ đều khá vừa với người dưới 60kg và có chiều cao trung bình 1m50, ai “quá khổ” thì nới ra, “còm quá” sẽ thâu vào.
So với váy áo cô dâu, áo vest dành cho chú rể có phần “lép vế” về số lượng gian hàng và độ bắt mắt. Tuy vậy, mỗi cửa tiệm vẫn có nhiều màu sắc để vừa ý thích các tân lang. Ngoài vest đen và trắng truyền thống, có thêm vest xám, xanh đen, vàng nâu với vải bóng hay trơn, tay áo đơm ba hay bốn nút... Đi kèm với vest là áo gilê, nơ cổ và cà-vạt cũng đủ kiểu như ca-rô, trơn màu, họa tiết hoa văn... “Cánh mày râu kỳ thực đỏm dáng, khoái làm đẹp không kém cạnh phụ nữ. Trong ngày trọng đại, họ cũng muốn diện sao cho nổi bật, ra dáng vẻ dữ lắm”, chị Trâm Anh- chủ tiệm đồ cưới nam cho hay.
Những chiếc đầm soa-rê luôn là mặt hàng bắt mắt, nổi bật |
Một lễ cưới hỏi hiện tại, ngoài soa-rê, vest tân thời, thường không thể thiếu chiếc áo dài duyên dáng cổ truyền. Ngày nay, áo dài cưới cô dâu được thiết kế sáng tạo với bốn tà, thân áo thêu ren, đính đá hoặc kim tuyến lấp lánh. Còn với chú rể là áo dài khăn đóng. Tại chợ Tân Bình, những bộ cánh điệu đà như thế được trưng bày ở một số sạp. Song nhìn chung, không gian đồ cưới truyền thống luôn chiếm diện tích khá khiêm tốn so với những soa-rê, veston.
Khu bán đồ cưới cũng không thể vắng bóng những phụ kiện kèm theo như hoa cầm tay, trang sức, vương miện, lúp, bao tay đủ kiểu dáng. Ngoài ra là mâm quả, dù che cô dâu, vali, túi xách. Chợ còn cung cấp ít vật dụng cho những ai mở studio, tiệm thuê áo cưới gồm giỏ xách, thú bông, hoa giả để làm nền chụp ảnh. Chi li hơn, có cả quầy bán tóc giả, dụng cụ làm tóc, trang điểm cô dâu. Có thể nói, chợ cưới Tân Bình có thể đáp ứng trọn gói nhu cầu của các đôi tân hôn. Bởi vậy, từ lúc mở tới khi đóng cửa vào tầm năm giờ chiều, bầu khí ở đây luôn huyên náo, rộn rã mọi thanh âm.
Sức hút các “thượng đế”
Chợ đồ cưới sầm uất này thu hút đông đảo khách hàng vì giá cả phải chăng. Với giới lao động, nơi đây càng là địa chỉ quen thuộc. Dắt tay nhau vào đây, không mất nhiều thời gian để cô dâu chú rể chọn được bộ cánh ưng mắt vừa lòng. Soa-rê dao động từ 400.000 - 1.200.000 đồng, áo dài ở mức 500.000 - 2.000.000 đồng, áo vest khoảng 450.000 - 850.000 đồng, cà-vạt từ 20.000 - 30.000 đồng/chiếc, áo dài khăn đóng 300.000 đồng, nơ cổ chỉ 10.000 đồng/cái. Sở dĩ đồ cưới khu vực này không quá đắt đỏ bởi phần nhiều được đặt làm gia công, các mẫu trang phục không rườm rà, ít tốn công.
Có rất nhiều phụ kiện cưới dành đáp ứng nhu cầu người mua |
Thêm lý do hút khách là người bán am hiểu khá rõ tâm lý người mua. Các đôi trẻ ngoài làm đẹp cho mình còn quan tâm đến người thân sao cho cũng tươm tất khi lên hình, ra mắt dòng tộc. Nắm được nhu cầu đó, các chủ tiệm đồng thời cung cấp cả áo dài, áo vest dành cho sui gia hai bên. Chọn được một bộ vest cho ba, chị Ngọc Diệp thở phào, tươi cười: “Tía em là nông dân ở miền Tây, toàn quen ruộng đất nên nhìn hơi “lúa”. Đi may thì sợ tốn kém và ngượng ngập nên em mua sẵn thế này. Ngày vui của mình sao nỡ để ổng xuềnh xoàng như mọi khi”.
Bên cạnh các tân lang tân nương, một số “thượng đế” khác ghé chợ là dân kinh doanh studio, cửa hàng cho thuê áo cưới và trang điểm cô dâu. Những người này rải khắp địa bàn Sài Gòn, Tây Nam bộ, các tỉnh miền Trung. Có ngày, xe máy, xe tải ra vào tấp nập, nhanh chóng chất hàng. Theo kinh nghiệm của các chủ tiệm, những bộ âu phục, váy áo trong ngôi chợ tuy không “độc” hay cao cấp nhưng với dân tỉnh lẻ, thế đã là “số dzách”.
Áo vét chú rể đa dạng với các sắc màu, kiểu dáng |
Những tháng cuối năm là thời điểm các chủ sạp mong ngóng hơn cả. Những người ghé chợ mang khuôn mặt háo hức, nôn nao. Tất cả tạo nên nét chấm phá riêng nơi khu chợ đồ cưới Tân Bình.
Duy Tùng
Bình luận