Lễ Tình nhân - Valentine, một ngày vui không chỉ của giới trẻ, những người đang yêu, mà còn là sự kiện chung của mọi người, diễn ra trong mùa lễ hội tháng Giêng với không khí náo nức, nhất là ở các thành phố lớn.
Ngẫm lại, ngày Valentine, cũng như một số ngày lễ trong năm (Ngày của cha, Ngày của mẹ…) không thuộc về truyền thống của người Việt, cũng không từ văn hóa Á Đông. Valentine cùng luồng gió mới từ phương Tây đến xứ sở này trong cuộc hội nhập, va đụng văn hóa Đông - Tây, hay nói cụ thể hơn, từ Âu châu. Khác biệt văn hóa là lớn và hiển nhiên đến mức không cần bàn cãi thêm, song chính giá trị mang tính chung - tính nhân loại phổ biến - đã khiến mang đến sức mạnh lan tỏa và được chấp nhận trong dung hòa khác biệt Đông - Tây. Những ngày lễ du nhập từ phương Tây hòa quyện tự nhiên trong các truyền thống xứ sở như rằm tháng Giêng, lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng dân gian ở vùng miền…
Một góc bán quà cho ngày Valentine trên một con đường ở Bạc Liêu |
Nói “hội nhập văn hóa” ở buổi đã bước vào thế kỷ XXI hơn thập kỷ có muộn mằn không? Thực ra, ở các trung tâm đô thị lớn, như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng… sự hội nhập văn hóa ấy đến từ lâu, thành nếp sinh hoạt ở - trước nhất - các giai tầng thượng lưu, trung lưu, trí thức, dần dần thấm nhập vào đời sống giới bình dân như một “nếp” văn hóa trong văn hóa bản địa, tức đã vượt qua giai đoạn lạ lẫm. Song, ở các vùng quê xa xôi, xa trung tâm đô thị lớn, đến tận bây giờ, các giá trị văn hóa ấy hãy còn mang tính mới, lạ lẫm, từng bước làm quen và chỉ bước đầu được chấp nhận thông qua người trẻ với nhịp sống năng động.
Tôi từng dự các sự kiện Valentine, ngày của mẹ, ngày của cha trang trọng, náo nức vui ở Sài Gòn, cũng thấm không khí ấy từ năm châu qua đường truyền Internet, nhưng ở chính quê mình, một thị trấn mới lên phường, không khí Valentine chỉ mới rộ lên gần đây. Thật ấn tượng với những hiệu nhỏ xinh bày quà cho lễ tình yêu đủ loại, từ hoa đến thiệp, bưu ảnh… làm sáng hẳn góc đường, bừng lên một ngả phố nào đó vốn đã quen với tạp hóa, hiệu cà phê. Các bàn, hiệu cho Valnetine lâm thời mở ra phục vụ, xinh xắn đẹp đẽ, bất ngờ. Nếu cũng góc nho nhỏ xinh xinh ấy đặt vào một con phố bất kỳ ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế… chỉ thường thôi, nhưng ở chốn này, vùng quê xa xôi heo hút, nhìn không chán, lung linh biết bao vì gởi đi thông điệp: nơi này, chỗ xa xôi cách các đô thị lớn từ vài trăm đến vài nghìn cây số, đã chấp nhận Valnetine cùng các giá trị “phi truyền thống” khác vào văn hóa của mình. Bán mua một tấm thiệp, một lẵng hoa điệu đà của Valentine, các bạn trẻ (và cả người lớn) đã kết nối văn hóa với khác biệt từ Tây phương vào văn hóa vốn có của mình. Valentine ở chợ nhỏ xa xôi, thiệt ấm áp, vui vầy làm sao…
Giữ nếp áo dài, cầu hò, lễ hội tháng Giêng, nhưng cũng gạn lọc nâng niu cái hay cái đẹp, cái tốt từ năm châu bốn bể, chính là hiện tượng đáng trân trọng từ đời sống, ở vùng quê.
NGUYỄN THÀNH CÔNG (Bạc Liêu)
Bình luận