Ðó là họa sĩ Phạm Ðình Tín, sinh năm 1919 tại Hà Nội, cựu học sinh trường Bưởi và cũng là cựu sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương (khoảng khóa 13, 1939 - 1944).
Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Ðông Dương, ông vào Sài Gòn lập xưởng vẽ tại Gia Ðịnh; đến năm 1951, được bổ nhiệm giữ chức giáo sư hội họa tại trường trung học Trần Hưng Ðạo (Ðà Lạt) và từ 1963, đổi về dạy ở trường trung học Mạc Ðĩnh Chi - Sài Gòn.
Họa sĩ Phạm Đình Tín |
Thập niên 50 và 60 thế kỷ 20, ông từng mở nhiều cuộc triển lãm tại Sài Gòn, Ðà Lạt, Nha Trang, Huế và Nam Vang - Cao Mên. Ðặc biệt nhất là tại phòng triển lãm Hội họa Ðông Dương ở Nhà Hát Lớn Sài Gòn năm 1950, tranh của Phạm Ðình Tín chiếm vị trí danh dự, được chọn trưng bày vài chục bức, nhiều nhất so với các họa sĩ đương thời.
Ban đầu, ông dùng nhiều chất liệu như sơn mài, lụa, phấn tiên, màu nước..., nhưng sau này chuyên hẳn sơn dầu và sở trường về chân dung, dĩ nhiên cũng thể hiện nhiều đề tài khác như tĩnh vật, hoa lá, phong cảnh... Tranh của họa sĩ là loại tranh ấn tượng, dùng những nét đơn giản để diễn tả nội tâm và mang cá tính riêng. Màu sắc ông dùng thường là màu ấm và kín đáo, không rực rỡ, lòe loẹt. Bút pháp điêu luyện và uyển chuyển. Như bức tranh Bến Ðá Nha Trang, ông vẽ theo lối giản khiết, làm nổi cảnh sắc chính, màu nhẹ nhàng như Thủy Thái họa; hay bức Place Saint Marc (Quảng trường thánh Marcô ở Venice) với sinh hoạt của dân chúng rất sinh động trước đại giáo đường thánh Marcô cổ kính rêu phong.
Tác phẩm "Cô bán hàng rong" của họa sĩ Phạm Đình Tín |
Những bức tranh được giới nghệ sĩ chú ý nhiều nữa là bức Xóm Nổi, Sáng trên sông, Chạy loạn, Tuổi thơ... Với bức Chạy loạn, ông đã khéo léo sử dụng màu đỏ nói lên lửa chiến tranh; bức Tuổi Thơ, dùng màu xanh dương lạt diễn tả hy vọng tuổi thơ... Những tranh vẽ người dân tộc ở Ðà Lạt, ông thể hiện màu da của họ cực kỳ tinh tế...
Năm 1968, Phạm Ðình Tín mở cuộc triển lãm cá nhân tại phòng thông tin Ðô Thành Sài Gòn, người xem khen ngợi bức Ông già vá giày, màu toàn nâu, theo lối ấn tượng, thể hiện sự nghèo khổ, cần cù lao động kiếm sống. Tác phẩm được vẽ bằng dao nhưng bút pháp rất điêu luyện và mềm mại.
Ông đồng trang lứa với Nhan Chí và giới họa sĩ cho rằng nếu Nhan Chí nổi tiếng về vẽ chân dung bằng phấn tiên thì Phạm Ðình Tín lại xuất sắc về chân dung bằng sơn dầu.
Nhà Truyền Thống TGP THCM hiện đang lưu giữ bức tranh “Cô bán hàng rong” của họa sĩ Phạm Ðình Tín.
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Bình luận