Gần đây, nhiều hình ảnh đẹp về cách bày tỏ tình cảm gia đình trong giới trẻ được lan truyền trên mạng xã hội đã đánh động được nhiều người xem…
Trong mùa tốt nghiệp ở các trường Đại học vừa qua, cô nữ sinh Lê Thị Kim Thy (sinh viên Trường Đại học Cần Thơ) với hành động khoác áo cử nhân cho cha của mình trong ngày nhận bằng đã nhanh chóng được quay lại và sau khi đăng tải thì nhận được đông đảo lượt xem, chia sẻ. Kèm với đó là lời khen ngợi sự hiếu thuận, tinh tế dành cho cô tân cử nhân với bậc sinh thành. Bày tỏ lòng biết ơn của mình dành cho mẹ, cô gái Phạm Anh Thư (Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn) chia sẻ hình ảnh mặc áo cử nhân, ôm di ảnh mẹ cùng với những dòng nhắn gởi mẹ trên trang cá nhân thật cảm động. Thư tâm sự: “Con cảm ơn mẹ. Gởi đến người phụ nữ tuyệt vời nhất lòng con, người đã trao cho con một cuộc sống, một trái tim mạnh mẽ, ý chí kiên cường để rồi ngày hôm nay con đã có thể hoàn thành nửa bước đường cuộc đời. Mẹ biết không, ngay từ nhỏ mẹ nói mãi vài câu “sau này mẹ chết con sống với ai”, “sau này mẹ chết con không được khóc”. Vì thế, lúc nào con cũng cười thật tươi cho mẹ thấy, một mình tự bước vào đời năm 14 tuổi, cuộc sống mưu sinh với ý chí bước vào đời tay trắng cùng lắm là trở về với trắng tay. Nhưng may quá, con gái giỏi quá. Con tự lớn, tự sống và lo được cho gia đình. Mẹ yên tâm. Con yêu mẹ”. Những nghĩa cử ấy gợi cho tôi nhớ lại câu hỏi ai đó đã từng thắc mắc trong ngày của cha hay của mẹ: lần gần đây nhất bạn nói yêu hay làm những hành động yêu thương đối với ba mẹ của mình là khi nào?
![]() |
Trao gởi yêu thương trong gia đình sẽ giúp tình cảm khắng khít hơn |
Đối với các em nhỏthì dường như việc tỏ bày tình cảm thật đơn giản. Nhiều bạn chia sẻ, không cần những dịp gì đặc biệt, chỉ cần những lúc các bạn thích hoặc muốn chia sẻ những khoảnh khắc nào đó như lúc đạt điểm cao, muốn xin ba mẹ làm điều gì thì đều nói những lời yêu với ba mẹ mà không chút ngần ngại. Tuệ Nhi (14 tuổi, Q.Tân Phú) chia sẻ em hay thích nói với mẹ những lời tâm tình, nhất là lúc vui hoặc khi thấy mẹ mệt, để làm mẹ phấn chấn hơn. Chẳng hạn như: “Mẹ ơi! con yêu mẹ nhất, để con bóp vai cho mẹ nhé,…”. Hằng ngày, Nhi thường phụ mẹ, nhỏ to với mẹ chuyện này chuyện kia. Nhi kể, với ba mẹ, em đều dễ dàng để nói những lời yêu thương, nhưng nhiều hơn cả là với mẹ. “Mẹ, có thể do cùng là nữ nên đỡ ngại hơn so với ba, dễ tâm sự nhiều chuyện bí mật”, cô bé tiết lộ.
Tuy nhiên, không ít bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên thú nhận họ rất ngại nói lời ngọt ngào trìu mến với người thân và dành thời gian cho mối quan hệ bên ngoài hơn gia đình. Theo bạn Hoàng Thị Xuân (22 tuổi), vừa tốt nghiệp điều dưỡng, chị rất ít gần ba mẹ, không tâm sự được với gia đình hay xin lời khuyên từ gia đình mà chỉ nói với bạn bè. Xuân cũng hiếm khi thể hiện những hành động tình cảm, trừ khi bản thân bị bệnh, gặp khó khăn gì nghiêm trọng,.. thì sẽ kể cho ba nghe. Nhiều bạn trẻ cũng cho hay rất ngại thể hiện cử chỉ yêu thương, chỉ nhắn tin hỏi thăm, cùng lắm đi cùng ba mẹ ngoài đường thì khoác tay, cầm giúp đồ đạc cho đỡ nặng... Thật ra, điều này cũng dễ hiểu vì độ tuổi, tính cách, hoàn cảnh sống sẽ chi phối giới trẻ khiến thể hiện tình cảm bằng lời nói không phải là chọn lựa dễ dàng. Một số bạn trẻ có cách làm kín đáo, ý nhị nhưng đầy tình cảm. Là nhân viên văn phòng, chị Phương Anh (28 tuổi, Q. Bình Tân) thường xuyên về nhà trễ vì phải nán lại cơ quan giải quyết xong việc, khi về nhà, thi thoảng thường mua thêm trái cây, món ăn mà cha mẹ và các em yêu thích. “Ngày Tết, mình để dành tiền để mua cho cả nhà đồng phục. Phái nam mặc một kiểu, một màu. Phái nữ thì chọn áo dài hoa cũng một kiểu như nhau. Rồi cả nhà đi lễ, chúc Xuân ông bà. Tôi thấy có nhiều cách quan tâm cha mẹ, người thân của mình. Tôi thường la rầy các em khi chúng làm điều sai và cũng không ngại ngần hôn em gái một cái khen em khi ngoan, hiểu chuyện. Vì là chị cả nên tôi cũng muốn các em luôn gần gũi, khắng khít với gia đình chứ không nên xa cách, dù biết lớn lên, thế nào các em cũng sẽ ngại ngần...”, Phương Anh nói. Không thể phủ nhận rằng, vẫn có những người duy trì được thói quen tốt là nói lời yêu thương cha mẹ, quan tâm cách cụ thể, ngay cả khi lớn lên. Cũng thường quan tâm gia đình như chị Phương Anh, anh Nguyễn Minh Tiến (25 tuổi, Q.8) lý giải sự “khó nói” của một bộ phận con trai: “Tôi thấy con trai nói lời ngọt với bạn gái có lẽ dễ, còn với cha mẹ thì hơi ngượng. Phần đông là vậy. Nhưng không phải các bạn vô tâm. Người ta có cách làm riêng đó chứ. Mua quà nè, áo quần, giày dép, trang sức... Đôi khi tôi thấy, mình biết nói lời cảm ơn, xin lỗi hay hỏi han cha mẹ về sức khỏe, công việc... cũng đã đủ làm cha mẹ vui. Nếu không mềm mỏng, thủ thỉ được như cánh con gái thì cũng không nên thô bạo, hỗn xược làm người lớn buồn”.
Càng trưởng thành, những lời nói yêu thương lại càng khó để thốt ra, không phải vì tình cảm mai một mà vì rất nhiều lý do khác nhau khiến người trẻ ngần ngại. Những thành viên gia đình là những người khích lệ, động viên khi bạn gặp khó khăn, luôn bên cạnh bạn để chia sẻ những niềm vui trong cuộc sống. Tôi nghĩ rằng, người trẻ hãy nói lời yêu thương cha mẹ và cư xử tốt với người thân khi còn có thể, đừng để đến lúc không còn cơ hội thì đã muộn màng.
TRẦN TIN
Bình luận