Ứng xử của công giáo, với các tôn giáo truyền thống việt nam
Công cuộc truyền giáo phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam ngoài việc đối diện với nền văn hóa Việt Nam lâu đời, còn phải đối diện với các tôn giáo truyền thống khác. Nếu như mối quan hệ giữa văn hóa Kitô giáo với văn hóa truyền thống Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể, thì mối quan hệ giữa Công giáo với các tôn giáo truyền thống Việt Nam ít có sự thích ứng, hội nhập. Nhìn toàn cục, trước Công đồng Vatican II, về mặt quan phương Công giáo không nhìn nhận các tôn giáo truyền thống Việt Nam. Các tôn giáo truyền thống Việt Nam đều bị bỏ chung vào một thiên kiến không đáng có.
Trong quá khứ, khi phát triển ở Việt Nam, Công giáo đã lập ra giáp giáo, làng giáo - xứ đạo, theo nguyên tắc “gián tòng lương giáo” chính là để tạo ra một cộng đồng tín ngưỡng tôn giáo thuần khiết. Ở đó là sự bao trùm của tôn giáo độc thần. Các tôn giáo truyền thống bị loại bỏ, một đơn nguyên tôn giáo - Công giáo được xác lập. Tín hữu tham dự các hành vi tôn giáo phi Công giáo nếu bị phát hiện sẽ bị Giáo hội trừng phạt, nhiều khi là rất nặng nề, thậm chí có thể bị dứt phép thông công (khai trừ ra khỏi đạo).
![]() |
Đền làng Lưu Phương |
Việc ra “ở riêng” tạo nên một cộng đồng cư dân mới - giáp giáo, làng giáo vốn thuộc một cộng đồng làng cùng chung ruộng đất công, chung ao chuôm đầm vạc, chợ búa, bến đò... và chịu những nghĩa vụ tuần phòng, sưu thuế, sửa đường làng, ngõ xóm... thật không đơn giản. Vì vậy khi tiến hành chia giáp giáo, giáp lương, một loạt vấn đề đặt ra về phân chia quyền lợi và nghĩa vụ. Chỉ cần những sơ suất, những bất đồng nhỏ cũng rất gây mâu thuẫn mất đoàn kết. Mà mâu thuẫn ấy lại thuộc về cư dân - tín đồ - một bên là Công giáo, một bên là không Công giáo, nếu xảy ra thì tác hại khôn lường.
Trái ngược với ứng xử quan phương, những tín hữu Công giáo và người dân đã có nhiều việc làm thể hiện mối đoàn kết lương giáo với thế ứng xử rất văn hóa. Việc gián tòng lương - giáo để lập ra các giáp giáo, làng giáo - xứ đạo diễn ra bình thường và ổn thỏa.
Bản khoán ước xã La Tinh, tổng La Nội, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Ðức, là một trong những bản khoán ước thể hiện lối ứng xử có văn hóa giữa hai bộ phận cư dân giáo và lương khi phải “gián tòng” vì lý do tôn giáo. So với các hương ước làng Công giáo mà chúng tôi có trong tay thì đây là một bản khoán ước sớm hơn cả. Khoán ước lập ngày 10 tháng 9 năm Thành Thái thứ Tám (25.10.1896). Khoán ước quy định khá đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ lương, giáo, đặc biệt đề cao vai trò đoàn kết lương - giáo.
Khoán ước lập bằng chữ Hán, gồm 5 tờ. Nội dung có 17 điều quy định khá tường tận, cụ thể và đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm của cư dân trong giáp giáo, giáo lương. Phần mở đầu khoán ước nêu nguyên nhân của việc phân chia giáp lương, giáp giáo. Phần cuối khoán ước nhấn mạnh việc đoàn kết lương - giáo. “Hai bên lương, giáo cùng một làng, chỉ phân biệt lương, giáo mà thôi, còn là người cùng làng, có thể cùng dòng họ, phải biết sống với nhau có lý, có tình, nên phải thống nhất với nhau cùng một thể lệ, tôn trọng với nhau, những thể lệ riêng tư, không nên tranh chấp làm phiền nhau, mà nên theo lệ trong tờ khoán”.
Những người trong cùng một làng có quan hệ họ hàng, ruột thịt, nên dù theo tôn giáo nào họ cũng là anh em. Ở một số xứ họ đạo, nhằm tạo kinh phí cho bên giáo hoặc bên lương thì cả làng gồm cả lương dân và giáo dân cùng góp sức, góp của.
Họ đạo Phương Ngoại (Lưu Phương - Kim Sơn - Ninh Bình) năm 1934 xây một ngôi nhà nguyện mới bằng gạch, lợp ngói, dài 34 mét, rộng 11 mét, tháp chuông cao 8 mét. Một trong những nguồn kinh phí để xây dựng cơ ngơi trên, làng Lưu Phương (làng cả) không thu tô ruộng công điền 3 năm liền của dân đinh trong họ đạo (lúc đó mỗi xuất đinh được chia 9 sào ruộng công).
Cư dân làng Thanh Phước thuộc xã Hương Phong, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) năm Thành Thái thứ 3 (1891) ngày 19 tháng 6 làm tờ thuận kết “cả lương, giáo bổn làng cùng hợp nghĩ nên đồng thuận sửa chữa chùa”. Cũng ở làng trên, ngày 15 tháng 5 năm Thành Thái thứ 6 (1894), cư dân lương, giáo làm tờ thuận trí để thiết lập “giáo tộc từ đường”.
Chúng ta thấy sự hòa hợp ấy còn thể hiện ở việc việc tôn kính những bậc tổ tiên, những người có công với làng, xã... Mức thể hiện nằm trong những chuyển biến tâm lý của các tín hữu.
Do không thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên theo truyền thống của người Việt, tín hữu Công giáo vì vậy cũng không thực hành những nghi lễ liên quan đến họ tộc như không lập gia phả, không xây từ đường họ tộc và cũng không có ngày giỗ tổ (họ tộc). Thế nhưng theo tài liệu điền dã mà chúng tôi thu thập ở một số làng Công giáo thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ cho thấy, tín hữu thuộc các họ tộc khác nhau, nhưng ở cùng một họ đạo, nghĩa là cùng một tộc sư. Việc chọn thánh quan thầy của họ đạo được xem là tổ họ. Nên ngày kỷ niệm thánh quan thầy được xem là ngày giỗ họ. Và đó là một trong những lễ lớn của họ đạo. Ðiều này cho thấy việc tìm được tên gọi thay thế tên gọi họ tộc tín hữu Công giáo ở các làng này đã một mặt thỏa mãn được nhu cầu về tông tộc, về nguồn cội vốn là một tâm thức tôn giáo hình thành lâu đời của người Việt, mặt khác còn để cố kết một cộng đồng nhỏ cư trú theo họ đạo với thế ứng xử “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Vấn đề tưởng niệm tổ tiên hiểu theo nghĩa rộng, tưởng niệm những người có công với làng, xóm quê hương, người Công giáo ở một số nơi mà chúng tôi có dịp nghiên cứu điền dã cho thấy có những hình thức khác nhau. Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, vùng đất được mở vào năm 1829, sau đó vẫn được khai hoang lấn biển. Những người có công đầu khai khẩn được gọi là chiêu mộ. Họ thường là lương dân, sau khi qua đời họ được thờ ở miếu của làng. Những làng như Lưu Phương, Văn Hải, cả giáo dân, lương dân đều tham dự ngày lễ kỷ niệm các vị chiêu mộ, nguyên mộ. Ở Lưu Phương, hằng năm vào tháng 7, tháng báo hiếu, làng tổ chức kỷ niệm chiêu mộ và truy tư tiền nhân trong hai ngày. Một ngày tốt được lựa chọn trong tháng để mở đầu lễ kỷ niệm. Ngày ấy ở miếu Lưu Phương diễn ra lễ tế, văn tế nhắc đến công lao các vị chiêu, nguyên mộ có công khai khẩn đất đai. Dự lễ tế là các dịch mục, kỳ mục, trong số họ phần lớn là người Công giáo. Làng Công giáo Văn Hải có tục thờ các chiêu, nguyên mộ ở miếu Văn Hải. Ðến tiết lễ kỷ niệm, dịch mục và kỳ mục là những người theo đạo Công giáo đều đến tham dự lễ tế. Người Công giáo xứ Ðốc Sơ, xứ Dương Sơn (Huế) hằng năm có tục chạp cô mộ (mộ không chủ) dù mộ đó là nơi an nghỉ của lương dân hay giáo dân. Ở xứ Ðốc Sơ, ngày giỗ ông khai canh ở đình làng, giáo dân cùng tham dự để tỏ lòng tôn kính người có công mở đất. Cư dân làm nghề xúc hến ở Cồn Hến theo Công giáo thuộc xứ đạo Tân Thủy luôn tham dự ngày giỗ tổ Phường Giang Hến với lương dân.
Thật khó xác định thời điểm lễ kỷ niệm các vị chiêu mộ, các vị khai canh có từ bao giờ, nhưng Hương ước làng Lưu Phương (Ninh Bình) lập năm 1922 đã thấy ghi lễ kỷ niệm trên. Các làng Văn Hải, xứ đạo Ðốc Sơ, tuy chưa tìm được văn bản, nhưng những người cao tuổi cho biết tập tục này đã được thi hành từ rất lâu.
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương
Bình luận