GIÁO DỤC CÔNG GIÁO VỚI VIỆC HÌNH THÀNH LỐI SỐNG CÔNG GIÁO
Ðội ngũ giáo dục
Trợ giúp linh mục chính xứ dạy kinh bổn cho trẻ là những ông bà quản. Quản là một trong những chức vị thuộc tổ chức Ban hành giáo của xứ, họ đạo, ra đời từ rất lâu mà thời gian thật khó đoán định vì hiện tại chúng tôi vẫn chưa có nguồn tư liệu trong tay.
Nhằm cổ xúy cho công việc dạy kinh bổn của các ông bà quản, ngày 15 tháng 4 năm 1905, Ðức Giáo Hoàng Piô X ra Thư chung “Về sự giảng dạy lẽ cần trong đạo cùng về sự lập hội giáo”. Mục IV Thư chung viết: “Mỗi xứ phải cứ lề lối, mà lập Hội Thánh gọi là hội quản giáo, vì bởi Hội Thánh ấy mọi nơi, nhất là những nơi thiếu thầy cả, sẽ tìm được người bổn đạo sẵn lòng giúp thầy cả trong việc dạy trẻ con bổn lễ cần cho được làm sáng danh Cha cả và ăn mày các Indu Tòa Thánh đã ban cách rất rộng rãi cho những kẻ vào họ ấy”[1].
Trên cơ sở Thư chung của Ðức Giáo Hoàng Piô X, ngày 15 tháng 9 năm 1905, Ðức Giám mục Phêrô Maria Ðông ra Thư chung thúc giục linh mục chánh xứ các xứ đạo lập ngày hội quản giáo. Thư chung quy định mẫu lập sổ, lời văn viết về việc lập hội quản giáo. Thư chung quy định hai kinh quan thầy về hội quản giáo là: Thân mẫu phúc và kinh Thân đức thánh Angiô[2] .
Năm 1908, Ðức Giám mục Phêrô Maria Ðông liên tiếp ra Thư chung quy định những công việc liên quan đến dạy kinh bổn cho trẻ nhỏ[3], như:
- Dành một nơi riêng trong nhà thờ cho trẻ ngồi đọc kinh xem lễ.
- Phải chăm khảo bổn ngày lễ Cả và lo cho trẻ sớm tập xưng tội và sớm lo cho chúng xưng tội chịu lễ lần đầu.
- Linh mục xứ đạo phải vâng ý Ðức Giáo Hoàng và nghe theo mà cắt nghĩa bổn các ngày lễ Cả quanh năm.
Việc thi kinh bổn được duy trì trong các cộng đồng giáo dân miền Bắc cho đến năm 1945. Phần thưởng cho những em được giải rất nhỏ nhưng ý nghĩa tinh thần rất lớn.
Việc kinh bổn cho trẻ vào hai mùa (mùa Chay và mùa Vọng) được thực thi từ đầu thế kỷ XX. Ngày nay ở nhiều xứ, họ đạo Công giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ, qua điều tra khảo sát của chúng tôi, vào mùa Chay vẫn duy trì việc học kinh bổn. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đây là thời kỳ nông nhàn, người dạy và trẻ nhỏ đều có điều kiện dạy và học.
Ở miền Nam sau Công đồng Vatican II, nhằm tạo điều kiện cho giáo dân tham gia vào hoạt động tông đồ, Giáo hội có sáng kiến đào tạo những giáo lý viên để họ làm nòng cốt trong hoạt động dạy kinh bổn cho trẻ. Giáo lý viên được đào tạo rất bài bản qua các lớp thường được tổ chức tại Tòa Giám mục hoặc sau này là tại Trung tâm Mục vụ.
Sau 1975, hình thức sử dụng giáo lý viên dạy kinh bổn cho trẻ được các xứ họ đạo miền Bắc áp dụng và có hiệu quả. Năm 1993 - 1994, khi tiến hành khảo sát ở một số xứ đạo Công giáo ở địa phận Phát Diệm (Kim Sơn - Ninh Bình), chúng tôi được biết, các xứ đạo đều có một nhóm giáo lý viên. Hội viên là những thanh niên nam nữ có học vấn, có hiểu biết. Họ được xứ, họ đạo tuyển lựa đưa về Tòa Giám mục địa phận Phát Diệm đào tạo. Chi phí ăn uống, tài liệu do địa phận đài thọ. Báo Công giáo và Dân tộc số 981 ra ngày 23.10.1994 cho biết, tính đến tháng 9.1994, số giáo dân của địa phận Phát Diệm là 135.000, thuộc về 65 xứ đạo và 176 họ đạo với 241 nhà thờ lớn nhỏ. Ðịa phận, vào thời điểm tháng 9.1994, có 22 linh mục triều, 1 linh mục dòng, 2 nam tu sĩ, 24 nữ tu và 845 giáo lý viên. Ðịa phận Phát Diệm được coi sóc bởi 2 giám mục.
Phải nói ngay rằng, 845 giáo lý viên đó là một đội ngũ đông đảo. Nếu đem chia tỷ lệ thì cứ bình quân 1 giáo lý viên lo giảng giáo lý cho 160 người từ cụ già đến em nhỏ.
Qua điều tra, chúng tôi được biết đội ngũ giáo lý viên đông đảo không phải là đặc thù của địa phận Phát Diệm, mà ở một số địa phận có dịp khảo sát như Hà Nội, Hải Phòng, Bùi Chu, Vinh cũng có tình hình như vậy.
Như thế, tổ chức xứ đạo, họ đạo giữ một vai trò đáng kể vào việc giáo dục giáo hữu qua các ông trùm bà quản. Rồi theo thời gian, vai trò đó dần được chuyên biệt qua các giáo lý viên, là những người trợ giúp các linh mục trong việc giáo dục, thăng hoa đời sống tinh thần của giáo dân.
Trong việc giáo dục, vai trò của gia đình được coi là nền tảng. Vai trò này như thế nào, xin xem trong số tiếp theo.
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương
____________________________________________________
1 Sách thuật lại các Thư chung địa phận Tây Ðàng Ngoài. Trang 237 - 238.
2 Sách thuật lại các Thư chung địa phận Tây Ðàng Ngoài. Trang 241.
3 Sách thuật lại các Thư chung địa phận Tây Ðàng Ngoài. Trang 229 - 230.
Bình luận