Từ việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) giải mã những văn bản mất tích theo thời gian đến hóa giải bí ẩn về họ hàng của con người là một số đột phá được kỳ vọng trong lĩnh vực khảo cổ năm nay.
Năm 2024, chúng ta có thể chứng kiến một loạt các khám phá mới và tiến bộ trong ngành khảo cổ học. Dự kiến các công nghệ AI mới có thể cho phép giải mã thành công những văn bản đã biến mất từ lâu trong dòng lịch sử. Còn các phương pháp tương tự có thể giúp theo dấu và dẫn đến thu hồi nhiều cổ vật bị đánh cắp. Trong khi đó, phát hiện mới về họ hàng của Homo sapiens cũng đang nhận được nhiều sự mong đợi.
1. AI cho những khu vực bị chiến tranh tàn phá
2024 không phải là năm tốt lành cho hòa bình thế giới, với chiến sự Ukraine tiếp diễn sang năm thứ ba, trong khi xung đột ở Gaza chưa có dấu hiệu chấm dứt. Giao tranh vẫn tiếp tục ở các nước như Sudan và Ethiopia. Trong bối cảnh này, việc theo dõi những di tích và cổ vật bị tổn thất hoặc bị đánh cắp là điều ngày càng trở nên thách thức hơn bao giờ hết. Năm nay, có lẽ con người sẽ có cách tiếp cận mới để giảm thiểu tình trạng trên.
Theo đó, những chương trình AI có thể được sử dụng để phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh độ phân giải cao đối với những tàn tích lịch sử, cho phép con người bám sát tình hình thực địa nhanh hơn và thấu đáo hơn nếu so với các quan sát bằng mắt thường như lâu nay. Các nhà nghiên cứu cũng có thể triển khai những dòng rô bốt phức tạp, đưa chúng tiến vào những nơi nguy hiểm để theo dõi nguy cơ di tích bị tàn phá hoặc cướp bóc. Tương tự, các đội ngũ chuyên gia có thể nhờ những chương trình AI để nắm bắt những dấu hiệu và nhận dạng các cổ vật bị đánh cắp trên môi trường internet.
2. Manh mối về những văn bản mất tích
Năm 2024 cũng có thể mang đến niềm hy vọng mới trong nỗ lực tìm hiểu và giải mã những văn bản cổ đại bị thất lạc theo dòng lịch sử. Năm 2023, sự phát triển của các công nghệ AI mới đã cho phép các nhà nghiên cứu đọc được những văn bản khó đọc trong tình trạng carbon hóa (bị đốt chỉ còn lại những khối than) sau khi núi lửa Vesuvius phun trào năm 79. Các văn bản này có nội dung bao gồm việc phát hiện một quyển sách mất tích, thảo luận về lịch sử sau thời Alexander Đại đế, và văn bản đề cập việc thuộc nhuộm màu tím.
Công nghệ AI đang trên đà phát triển mạnh mẽ, và trong năm 2024, công nghệ tương tự hoặc mới hơn có thể giúp con người khôi phục thêm những văn bản bị thất lạc. Hướng tiếp cận này hứa hẹn mang đến khối lượng thông tin đầy mới mẻ về thế giới cổ đại.
3. Những phát hiện 11.000 năm tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ
Năm nay, nhiều khả năng sẽ có thêm những khám phá có niên đại lần ngược về 11.000 năm trước ở Gobekli Tepe, được xem là một trong những đền thờ cổ nhất thế giới, và khu di tích gần đó tên Karahan Tepe ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Gobekli Tepe sở hữu một chuỗi các cột đá hình chữ T với những chi tiết chạm trổ, trong khi Karahan Tepe có một tòa nhà với những nét chạm khắc. Năm 2023, các nhà khảo cổ học đã thực hiện nhiều khám phá tại hai nơi này, trong đó có việc tìm thấy một bức tượng khắc họa hình ảnh người khổng lồ. Nỗ lực khai quật và phân tích đang tiếp tục được thực hiện, và năm 2024 nhiều khả năng thế giới sẽ được nghe tin tốt lành từ Thổ Nhĩ Kỳ.
4. Những chữ khắc gần Bức tường Hadrian
Magna là một pháo đài La Mã cổ gần Bức tường Hadrian ở Anh. Trong khi các nhà khảo cổ học có thể nói rằng nơi đây vẫn được bảo tồn ổn định trong nhiều năm, trên thực tế ít khi có dự án khảo cổ được thực hiện, cho đến mới đây. Các nhà khảo cổ học đã bắt đầu khai quật vào hè năm 2023. Đến năm 2024, nhiều khả năng sẽ có thêm thông tin về những phát hiện mới được tìm thấy tại khu vực. Một khả năng là các nhà nghiên cứu sẽ tìm được nhiều chữ khắc mới trong quá trình khám phá.
Pháo đài Vindolanda của La Mã có tổng cộng 780 chữ khắc được bảo tồn và nhiều khả năng Magna hứa hẹn điều tương tự. Anh đã chi 1,625 triệu bảng Anh để hỗ trợ nỗ lực mới.
5. Họ hàng của con người vẫn biết mai táng?
Liệu những chi người khác ngoài Người tinh khôn Homo sapiens từng thi hành tập tục chôn cất người chết là một đề tài tranh cãi trong năm 2023. Các báo cáo chưa được bình duyệt của một đội ngũ chuyên gia vào năm 2023 cho rằng thói quen chôn cất người chết cũng được thực hiện ở Homo naledi, chi người sống cách đây 300.000 năm và hài cốt được tìm thấy bên trong một hang động ở Nam Phi. Tuy nhiên, nhóm khác bác bỏ giả thuyết đó.
Năm nay, giới khoa học hy vọng sẽ có thêm những chứng cứ mới để đưa ra lời giải cho câu hỏi này.
BẠCH LINH
Bình luận