Dù còn đang ngồi dưới mái trường hay đã đi qua tuổi áo trắng, thì khi nghe lại những ca khúc về tình thầy trò, chắc hẳn mỗi người đều đọng lại ít nhiều bâng khuâng…
Thế hệ 7X của chúng tôi một thời đi học, rất quen thuộc với bài hát “Bụi phấn” (nhạc và lời: Vũ Hoàng - Lê Văn Lộc), thường được rộ lên, ngân nga nhiều nhất trong các chương trình văn nghệ tri ân thầy cô, mừng ngày Nhà giáo... Sau này có nhiều ca khúc khác về thầy cô ra đời nhưng “Bụi phấn” dường như vẫn đi cùng năm tháng. Năm 2000, bài hát này đã được chọn vào danh sách 50 ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báoThiếu Niên Tiền Phong,Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáoVTV, Ban Âm nhạcÐài Tiếng nói Việt Namtổ chức. Lời bài hát giản dị với hình ảnh người thầy ngày ngày lên bục giảng, rất gần gũi trong đời thường; giai điệu cũng nhẹ nhàng, dễ hát: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào vương trên tóc thầy…”. Tâm tình tri ân người thầy được vọng ngân ở phần điệp khúc: “…Mai sau lớn lên người, làm sao có thể nào quên, ngày xưa thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ…”.
Hình ảnh người thầy giản dị có lẽ luôn là nguồn cảm hứng trong sáng tác của các nhạc sĩ mỗi khi nhớ về những tháng năm đi học, được thầy cô dạy bảo. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy đã để lại dấu ấn cho tuổi học trò và những ai yêu mến môi trường giáo dục với ca khúc “Người thầy”. Bài hát với giai điệu chậm vừa, tha thiết: “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa. Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy, để em đến bên bờ ước mơ…”. Theo tìm hiểu thì Nguyễn Nhất Huy đã viết ca khúc này vào năm 2000 để nhớ về người thầy đã dìu dắt mình vào con đường âm nhạc. Hình ảnh chiếc áo giản dị sờn vai của thầy đã ghi dấu trong lòng người học trò để rồi bật lên thành ca từ: “…Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng, sáng soi bước em trong cuộc đời. Vẫn nhớ những khi trời mưa rơi, vẫn chiếc áo xưa sờn đôi vai, thầy vẫn đi, buồn vui, lặng lẽ…”. Công ơn của người thầy là điều các nhạc sĩ khi viết ca khúc về cô thầy vẫn canh cánh. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cũng vậy, ông đã để tâm hồn trải rộng trên từng lời ca, từng nốt nhạc để có thể gởi gắm vào đó nỗi niềm tri ân: “Dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết lá mùa thu rơi, nhưng ngàn năm, làm sao em đếm hết công ơn người thầy”… Nghe kể lại, khi bài hát này đến với công chúng thì người thầy của nhạc sĩ đã đi xa mãi mãi, không có cơ hội được nghe ca khúc mà học trò viết dành cho mình. Và tác giả nhạc phẩm vẫn cứ khắc khoải về điều này.
Chắc rằng ai cũng có những kỷ niệm về một thời đi học dù có thể đã xa trường xa lớp nhiều năm. Những kỷ niệm ấy không chỉ gắn với con đường đến lớp, với sân trường, hàng cây, ghế đá, bè bạn… mà bao giờ cũng có hình ảnh dấu yêu của cô thầy. Nhạc sĩ Phạm Ðăng Khương đã ghi lại những cảm xúc bồi hồi trong một lần về thăm lại ngôi trường đại học xưa: “Một chiều đi trên con đường này, hoa điệp vàng trải dưới chân tôi. Ngập ngừng trong tôi như thầm hỏi, đường về trường ôi sao lạ quá…”. Bài hát “Con đường đến trường” của nhạc sĩ đã mở đầu với những ca từ đẹp như thế. Ra đời từ năm 1984, gần 40 năm trôi qua, ca khúc này vẫn có sức lan tỏa và được nhiều thế hệ yêu thích. Nỗi nhớ da diết về cái thời còn ngồi dưới mái trường đã tạo được sự đồng cảm cho người nghe, những người cũng đã từng đi qua tuổi học trò, tuổi sinh viên. Trong nỗi nhớ tha thiết ấy, hình ảnh người thầy lại hiện lên bàng bạc: “Nhớ những ngày nơi đây, cùng bạn bè sống dưới mái trường này. Nhớ tiếng nói thầy cô, chắp cánh ta bay bay vào cuộc sống…”.
Vâng, khi nhắc lại cái thuở đi học vô ưu, chắc hẳn nhiều kỷ niệm sẽ ùa về với mỗi chúng ta. Với người nghệ sĩ thì cảm xúc ấy lại càng được nâng niu hơn. Vì thế mà nỗi nhớ và niềm mong ước “cho thời gian trở lại” đã được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương giãi bày qua ca khúc “Mong ước kỷ niệm xưa”. Cũng như nhạc sĩ Phạm Ðăng Khương, tác giả Nguyễn Xuân Phương không thể quên được “tiếng thầy cô” dù tất cả chỉ còn là kỷ niệm vọng về: “Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm. Kỷ niệm thân yêu ơi sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô…”.
Còn biết bao ca khúc nhắc nhớ về người thầy, vẫn lắng đọng qua thời gian và tìm được sự đồng điệu của bao tâm hồn. Cũng dễ hiểu, bởi ai trong đời mình, trước khi khôn lớn, trưởng thành… mà lại chẳng được dìu dắt bởi ít nhất một người thầy! Không chỉ thầy dạy chữ mà còn có những vị truyền đạt đức tin, những người thầy sẻ chia kinh nghiệm sống… Nghĩ về những người đã dìu dắt mình, dù chỉ một đoạn đường, cũng đủ để có thể hát lên một khúc tri ân…
Liên Giang
Bình luận