Tôi quen một “gia đình quái dị” là Việt kiều sống ở Mỹ. Người đàn ông là bạn tôi yêu đương hẹn hò với một phụ nữ, làm đám cưới rồi chung sống dưới một mái nhà, cùng sinh con đẻ cái và nuôi dạy chúng. Họ giống như hầu hết các cặp đôi khác, ngoại trừ một điều: họ yêu trong một mối quan hệ mở và sẵn sàng cặp đôi với bạn tình khác. Họ không chỉ chia sẻ tình cảm mà còn cả đời sống tình dục cho nhau. Chuyện đó khiến tôi sốc nặng về sự băng hoại đạo đức trong hôn nhân, về những cạm bẫy cho giới trẻ thời nay.
Tìm hiểu thêm, thì ra kiểu sống ấy cũng đã xuất hiện ngay cả ở trong nước. Phải chăng đó là cách nói giảm nói tránh của chuyện ngoại tình, của hôn nhân đa thê (polygamy) thời phong kiến?
(Một người gọi đến từ số điện thoại 0908...)
Quan hệ hôn nhân của loài người sau bao bước thăng trầm đã được xác định là mô hình monogamy, nghĩa là một chồng một vợ. Hơn nữa, đơn hôn và vĩnh hôn là đặc tính của hôn nhân Công giáo, phải không bạn?
Khi nhắc đến tình yêu đôi lứa, ta luôn mặc định rằng đó là mối quan hệ đặc biệt chỉ giữa hai người và sự thủy chung là phẩm chất không thể thiếu của một tình yêu đích thực. Chính vì những niềm tin như vậy mà tình vợ chồng không chấp nhận những kẻ thù mang tên “ích kỷ, lăng nhăng, ngoại tình, phản bội, giả dối”...
Hiện tượng bạn nhắc đến là “đa ái”, còn gọi là Polyamory được đưa vào từ điển Oxford năm 2006 (từ ghép giữa “poly” trong chữ Hy Lạp là “nhiều” và “amor” trong chữ Latinh nghĩa là “tình yêu”) là người có mối quan hệ yêu đương với nhiều hơn một người trong cùng thời điểm, mà có sự biết rõ và đồng thuận của các người trong mối quan hệ. Có thể họ tập trung vào sự chia sẻ về tinh thần chứ không phải là thể xác, thậm chí nhiều trường hợp không hề phát sinh quan hệ thể xác.
Thoạt đầu nó xảy ra ở trường hợp cặp đôi đồng tính đang chung sống với nhau cùng yêu một người đồng tính khác. Họ không chọn cách chia tay mà quyết định dọn về ở chung và sắm chiếc giường lớn cho cả ba người. Đối với bộ ba, việc có thêm một người trong mối quan hệ không đồng nghĩa với việc hạnh phúc bị chia sớt mà là nhân thêm, họ cho rằng có thêm bạn tình chứ không phải là tình địch, miễn là phải tôn trọng và cư xử lịch thiệp với nhau. Thế rồi nó tiếp tục lan ra cả ở những cặp vợ chồng đã chung sống lâu năm, họ cải thiện sự nhàm chán của hôn nhân, mở rộng bờ cõi bằng cách “cơi nới” chứ không “đập bỏ xây lại”.
Đa ái không phải là một chọn lựa hay là một lối sống, cũng không phải cách nói giảm nói tránh của chuyện ngoại tình, của hôn nhân đa thê (polygamy) thời phong kiến, mà được coi là một xu hướng tình dục đang nhen nhóm và phát triển thời nay. Cũng như hôn nhân đồng tính, các thành viên của “hội đa ái” đang “mong muốn có những mối quan hệ tình ái mà mỗi người có thể có nhiều hơn một đối tác với sự thấu hiểu và đồng thuận có đạo đức và trách nhiệm của tất cả các bên”, đồng thời kêu gọi cộng đồng chấp nhận mối quan hệ của họ là bền vững, lâu dài và được pháp luật cho phép.
Năm ngoái, Colombia trở thành quốc gia Nam Mỹ thứ tư thông qua hôn nhân bình đẳng sau Argentina, Brazil và Uruguay. Kể từ đó đến nay, đã xuất hiện không ít những mối quan hệ đồng giới đa ái được luật pháp công nhận. Polyfidelity (hôn nhân đa ái) là kiểu quan hệ đa ái “đóng”, trong đó những người trong mối quan hệ này chỉ đồng ý kết hôn với người trong nhóm chứ không phải với bất cứ ai.
Đa ái không được Giáo hội chấp nhận dưới bất kỳ hình thức, tên gọi nào hoặc ngoại lệ nào. Vì một khi cánh cửa đã mở ra thì nó sẽ không thể đóng lại được nữa.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Bình luận