La cà các góc phố thưởng thức một món ăn hay một thức uống, nhiều khi giúp những cư dân phố thị được dịp thư giãn. Có những góc gợi niềm hoài nhớ, đôi khi cất đi một phần lo âu, buồn chán vu vơ…
Hàng bánh bèo Quy Nhơn của một nhóm sinh viên trên một góc phố Sài thành
|
Minh Nguyên là như vậy, hiện đang làm việc tại một công ty tài chính ở TPHCM, sau những giờ đối mặtvới màn hình, khi rời công việc, anh hay đi loanh quanh một vòng những con đường khi chiều dần buông. Có lúc vào một quán bình dân, thưởng thức một món ăn nào đó. Đôi khi chỉ là món bún riêu, bánh đa cua bình dị nhưng lại thấy ngon. Như có hôm Nguyên “phát hiện” ra một quán bún ở đường Lê Văn Sỹ. Gia đình chủ quán là những Kitô hữu của xứ đạo Tân Sa Châu. Anh kêu một tô bún riêu. Khi tô bún vừa được bưng ra, cách trình bày trong tô với riêu cua, đậu hũ, cà chua, chả được sắp xếp… trông thật bắt mắt và hấp dẫn, đánh thức ngay cảm giác thèm ăn trong Nguyên. Những quán hàng dân dã lâu năm mang lại cảm giác ngon miệng lại gợi anh nhớ về một thời. Như cái thuở thiếu thời, từng đến một quán gánh bán đậu hũ nóng ở đường Bùi Viện, một gánh hàng tròm trèm 30 năm. Cầm chén đậu hũ nóng, múc nhẹ từng muỗng cảm thấy vị béo thơm như tan chảy cùng vị nước đường thơm lừng, pha lẫn nước cốt dừa béo ngậy, thêm chút vị cay nồng nàn của gừng và hạt bột dai dai, deo dẻo... Nước đường là “điểm nhấn” với ánh vàng bắt mắt được làm từ đường phèn cùng đường thốt nốt đun trên bếp lửa riu riu làm nên vị ngọt thanh dễ chịu. Cô chủ quán cho thêm lá dứa cùng lát gừng mang đến hương vị ấm nồng đặc trưng. Nằm ở khu phố Tây Sài Gòn nên không chỉ khách Việt mà cả khách Tây cũng “chồm hổm” trên những chiếc ghế thấp để thưởng thức…
Cũng như Nguyên, Trúc Vy - một bạn gái trẻ làm việc tại một doanh nghiệp về máy móc kỹ thuật in ấn ở quận 3, tuy thu nhập cũng kha khá nhưng có buổi sáng cô lại đổi món điểm tâm, đến những quán hàng rất bình dân mà “lạ miệng”. Như có lần Vy ghé quán bánh bèo Quy Nhơn của một nhóm sinh viên nữ, chỉ với giá 15 ngàn đồng một phần mà khá ngon. Hay có lúc cô bạn trẻ lại ghé hàng mì, miến chay lâu năm của người phụ nữ U60, giá cũng chỉ tầm 15 ngàn cho một suất, cũng không kém phần ngon những khi muốn đổi món “chay tịnh”…
Hòa Dương, chàng sinh viên đại học Mở TPHCM lại có thói quen ghé một tiệm nước sâm trên đường Ngô Quyền, có cách nay trên 50 năm. Đây là tiệm nước sâm cổ hương (giữ lại hương xưa) đúng chuẩn người Hoa. Đến đây, Dương nhận thấy ngay hương vị thơm do các loại thảo mộc tỏa ra. Cùng với ly nước sâm 24 vị gia truyền là ly mía lau củ năng, cũng chân truyền từ nhiều đời. Những món giải khát này có thể “giải tỏa” bao bức bối do thân nhiệt, thời tiết…
Những điều tưởng chừng nhỏ bé này lại làm cho cư dân phố thị yêu cái xưa cũ, bình dị tưởng chỉ còn thấp thoáng trong cơn lốc hào nhoáng hiện đại. Giữa sự bình dị của một góc phố, một món ăn lại đậm đà cái chân tình giữa người và người. Đây chính là điều mà Minh Nguyên hay Trúc Vy, Hòa Dương cùng một số người trẻ làm việc trong căn phòng tiện nghi vẫn luôn hoài nhớ. Họ cảm thấy “yêu” những con người cần lao chân chính vì đã làm phong phú thêm cho những món ăn thức uống bình dân hay đặc sản giữa phố thị, khiến từng góc phố Sài thành như thi vị hơn!
VĨNH LỘC
Bình luận