Ông Nguyễn Văn Thành - một nhà giáo về hưu, thường kể cho con cháu nghe về sự quan trọng của chuyện thi cử thời xưa: “Xứ mình, từ cái thời của nền Nho học, chuyện thi cử quan trọng lắm, ảnh hưởng đến vận mệnh công danh từng con người, họ tộc, và chuyện đại sự quốc gia. Ở Hà Nội, văn bia Quốc Tử Giám còn đó, lưu giữ chuyện học chuyện thi thời phong kiến như một nét văn hóa truyền thống”. Là người đọc nhiều, ông Thành liên hệ gần gũi hơn đến tác phẩm “Lều chõng” của Ngô Tất Tố, trong đó tái hiện các kỳ thi hương thi hội thi đình ở giai đoạn chót của nền Nho học, cho thấy chuyện thi cử của tiền nhân, từ sự dùi mài kinh sử, chắt góp chuẩn bị từng hào kẽm, và khăn gói lên đường khi đến kỳ thi… Nhà giáo hưu trí cũng nói thêm về chuyện đỗ đạt sau thi cử với nét đặc trưng riêng một thời, theo đó, triều đình ban danh phận Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Phó bảng cho các kẻ sĩ, bổ nhậm chức quan, và làng mạc họ tộc vinh vang võng lọng đón kẻ hiền về quê…
Hình vẽ trường thi năm 1895
|
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Nguyễn Thiện An, một kỹ sư sống ở miền Tây thì nhắc đến nền tân học thời Pháp thuộc. Khi ấy, chuyện học chuyện thi lại khác. Thay cho tứ thư ngũ kinh và kế sách cùng các tri thức cổ điển phương Đông, sĩ tử Việt vượt vũ môn bằng tri thức khoa học tiếp nhận từ Âu châu, những định đề công thức toán học - vật lý - hóa học - sinh học… cùng các quan điểm triết học, nhân văn, lịch sử mới mẻ, sự học văn chương cũng theo phương pháp khác cùng nội dung có tính mới… Và những kỳ thi như kỳ thi quốc gia bây giờ, cũng luôn là chuyện “đại sự”.
Gần hơn, vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước, một số anh chị ở tuổi trung niên đến giờ vẫn không quên những ngày vùi đầu ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chị Phạm Thị Luyến, một người nhập cư ở Sài Gòn nhớ về một thời ở quê, lúc chuẩn bị cho kỳ thi: “Ngày ấy, chúng tôi học ngày học đêm, có người luyện thi những môn chính ở nhà thầy cô, cũng có người tự học. Tôi nhớ mình có học thêm môn Toán và Anh văn, vừa ôn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa luyện thi đại học. Trước ngày đi thi, cứ cầu nguyện xin cho thi cử đạt kết quả tốt...”.
Ai có dịp đến thăm Quốc Tử Giám ở Hà Nội trong mùa thi, dễ chứng kiến nơi này có rất đông học trò đến cầu mong cho một kỳ thi tốt đẹp. Nơi đây, cũng mang nét văn hóa tựa như “về Tổ” vậy.
Thí sinh ngày nay không còn cảnh lều chõng lãng mạn, các hội đồng thi bố trí trong các ngôi trường kín cổng cao tường với mấy vòng giám thị. Nhưng, hãy còn tiếng trống thiêng báo hiệu, đếm thời khắc. Và, thành bại mang đến cảm xúc không khác ngày xưa…
Bước vào mùa thi, học trò cuối cấp lo, gia đình lo, cả xã hội vận động hối hả trước kỳ thi. Mười hai năm đèn sách, các sĩ tử nào khác chi binh sĩ trước giờ xung trận. Hãy thi tốt, hết sức mình và đàng hoàng chân chính để dù có thế nào vẫn không hề tủi hổ khi nhớ lại một kỳ thi!n
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra vào những ngày cuối tháng 6 này, nhiều người đã đi qua cái thời thi cử, lại nhớ về chuyện đi thi một thời.
PHAN NGUYỄN
Bình luận