Trong ký ức của nhiều người, hình ảnh ông bà nội, ông bà ngoại thường gắn với những câu chuyện cổ tích, đồng quà tấm bánh… Sự chăm chút yêu thương của ông bà dành cho các cháu đôi khi còn hơn cả mẹ cha.
Hạnh phúc vì có ông, bà
Những kỷ niệm đẹp về nội, ngoại vẫn còn nguyên đó dù các cháu tóc đã muối tiêu và ông bà không còn nữa. Hồi tưởng lại một thời, bà Trần Thị Nhàn, 60 tuổi (Q3, TPHCM) xúc động: “Ngày xưa, tôi sống chung cùng ông bà nội và cả hai rất yêu quý tôi, dù mình là cháu gái. Bà luôn có quà mỗi lần đi đâu về, kể cả đi chợ hằng ngày, với những món rất đơn sơ: lúc thì trái bắp luộc, khi thì cái bánh ú. Làm sao quên được con cánh cam bà mua ở chợ về rồi cột chỉ ở chân để tôi cho nó bay vòng vòng!”. Với ông nội, dấu ấn khắc ghi trong lòng bà Nhàn là những mùa Trung Thu, ông thường làm lồng đèn cho cháu gái cầm đi rước khắp xóm, nhớ nhất là chiếc lồng đèn được chế từ hai cái lon sữa bò.
Sống ở vùng ngoại thành Sài Gòn, anh Phạm Minh Thành, tuổi ngoài tứ tuần, vẫn cứ nhắc hoài về những mùa hè thú vị của tuổi thơ, với những buổi chiều cùng ông nội thả diều trên con đường làng. Đáng nhớ hơn là những cánh diều ấy do tự tay ông nội làm. Sau những cơn mưa, hai ông cháu cùng đi bắt ếch về để chế những món ăn “trên cả tuyệt vời”. “Chưa hết, ông nội còn dạy tôi cách bắt cua đồng, cách phân biệt hang cua với hang…rắn. Giờ nội không còn nữa nhưng tôi vẫn nhớ mãi những tháng ngày sống chung cùng ông, hòa với thiên nhiên đất trời”, anh Thành bùi ngùi.
Giờ đã là mẹ hai con nhỏ, chị Thanh Trúc (Q5, TPHCM) thi thoảng vẫn kể lại cho các con mình nghe những câu chuyện đời xưa từng được bà nội kể mỗi tối khi chị còn bé. Nhiều chuyện rất hay mà giờ đây chị cứ tự hỏi sao nội có thể nhớ mà kể một cách mạch lạc dễ hiểu đến thế.
Tiếp xúc với những người từng có tuổi thơ bên ông bà, đọng lại trong chúng tôi là tình thương, sự hy sinh của các ông bà nội, ngoại dành cho cháu mình. Thật cảm động khi nghe chị Lê Thị Phượng, 45 tuổi (Q3) nói về bà ngoại: “Anh chị em tôi sống với bà ngoại hồi nhỏ. Cái thời bao cấp, thực phẩm hiếm hoi, gia đình phải ăn khoai lang thường xuyên. Thấy các cháu ở tuổi ham ăn, mau lớn nên bà ngoại thường bẻ đôi củ khoai cho hoặc khi ăn, ngoại thường chọn những củ đèo đuột, nhường những củ lớn cho đám cháu nheo nhóc”.
Những bài học từ nội, ngoại
Ông bà không chỉ cho các cháu tình thương và những ký ức thật đẹp của tuổi thơ, mà còn dạy cháu mình những bài học đầu đời về lòng nhân ái, tình yêu gia đình, yêu thiên nhiên và nhận biết thế giới chung quanh.
Anh Phạm Minh Thành kể, mỗi khi ông nội dẫn đi bắt cua, bờ đê nào đã bắt qua một lượt, vài tháng sau ông mới dẫn cháu quay lại. Có khi hai ông cháu nghỉ cả tháng trời để “dưỡng cua”, theo ông, phải để chúng đẻ và phát triển số lượng. Khi gặp hang cua, ông chỉ bắt vài con to, già, mập, để lại những con cua còn bé hoặc những con mái. Nhờ vậy, trong anh Thành đã có được ý thức bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái các loài động vật quen thuộc.
Chị Lê Thị Phượng không biết tính “nhường nhịn” hình thành trong mình từ lúc nào. Chỉ biết bất cứ ăn món gì ngon, chị cũng đều nhớ đến ngoại, ba mẹ và anh chị em trong nhà. Với bạn bè đồng nghiệp, chị cũng không có thói quen “chơi trên cơ” nên rất được quý mến. Chị nói: “Tất cả đều nhờ ngoại tôi. Bà không giáo điều hoặc nói suông. Chính cuộc sống hy sinh của ngoại đã dạy tôi và anh chị em mình tính tốt để đến giờ này, chúng tôi vẫn luôn yêu mến nhau và nhường nhau từng lời ăn tiếng nói…”.
Bà Đinh Thị Nguyệt, 58 tuổi (Q1, TPHCM) cho biết, từ nhỏ bà đã được bà nội đưa đi nhà thờ, dạy đọc kinh, kể chuyện các thánh, nên bà có thói quen cầu nguyện hằng đêm và biết sợ làm ác, biết sống thuận hòa cùng mọi người. Gia đình bên ngoại dù không theo Công giáo, nhưng cũng nhờ ông bà ngoại không kỳ thị tôn giáo, biết tôn trọng sự lựa chọn của con nên bà Nguyệt vẫn có thể sống hạnh phúc trong một đại gia đình không cùng niềm tin tín ngưỡng. Bà luôn nhớ lời ngoại nói: “Đạo nào cũng tốt, cũng dạy người ta làm điều thiện, xấu hay không là do con người suy nghĩ phân chia và lệch lạc thôi”. Đến tận hôm nay, đi qua hơn nửa đời người, bà chưa hề có một thành kiến với tôn giáo nào và là một Kitô hữu mẫu mực. Bên cạnh tham gia các nhóm từ thiện Công giáo, bà vẫn liên kết với bạn bè Phật tử cùng tài trợ các suất học bổng, hoặc những ngày rằm cùng đến một số nhà mở, mái ấm tổ chức bữa ăn từ thiện như một cách an ủi những người kém may mắn.
Còn anh Phạm Phúc Lộc, 25 tuổi (Bình Chánh, TPHCM) thì học được bài học yêu thương từ ông bà nội, ngoại mình. Dù không sống cùng nhà ông bà, nhưng trong cùng một xã, mỗi lần đi học ngang nhà nội, ngoại, anh em Lộc đều được ông bà gọi vào hỏi thăm, cho tiền hoặc trái cây có sẵn. Các cô chú, cậu dì của Lộc cũng theo nếp đó, cùng quan tâm các cháu. Chính sự yêu thương của ông bà, chú bác cô dì… đã hun đúc trong anh Lộc truyền thống quan tâm đến thế hệ các cháu của mình. Anh bảo: “Quan tâm không cần phải tiền triệu hay quà đắt tiền. Ông bà nội, ngoại tôi chỉ một tô cháo đậu buổi sáng hoặc cái bánh bao ngọt nhỏ bé, cũng khiến chúng tôi cảm kích”.
Cùng ba mẹ, ông bà là những “tượng đài” vững chắc để con cháu noi theo nên thật diễm phúc cho những ai còn ông bà để yêu thương và được yêu thương!
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận