Anh Lý Chánh Trung được Chúa gọi về sáng sớm ngày 13.3.2016. Buổi chiều đi viếng anh, thấy di ảnh tôi mường tượng như còn rất trẻ và trên quan tài ghi tên thánh Phêrô để cầu nguyện cho người quá vãng. Không hiểu sao tôi quá xúc động, tay vừa cầm cây nhang thì bật khóc như con nít. Chỉ trong giây phút hiện lên trong tâm hồn những kỷ niệm hoạt động vui buồn cùng nhau từ trên sáu mươi năm qua.
Còn nhớ trong mấy năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, tại Pháp và Bỉ có một số tín hữu Công giáo Việt Nam hoạt động chống chiến tranh tái chiếm thuộc địa Đông Dương. Lý Chánh Trung với trí thức sâu rộng đã thay đổi được lập trường của giới Tập san uy tín Esprit, còn tôi là gốc lao động nên dễ dàng làm cho Tuần san Témoignage Chrétien mà Tổng Biên tập là Montaron - một huynh trưởng của phong trào Thanh Lao Công (như tôi) trở thành chống chiến tranh (Paix au Vietnam) xâm chiếm Việt Nam.
Tháng 6. 1954 các ông Nguyễn Mạnh Hà (Hưng Yên), Hoàng Xuân Hãn (Nghệ An), Nguyễn Ngọc Bích (Cao Đài Bến Tre) từ Pháp sang Genève gặp ông Phạm Văn Đồng để tỏ tình ủng hộ phái đoàn điều đình Việt Nam. Tôi may mắn được tháp tùng cùng đi. Ông Đồng cho biết: chiến tranh sẽ chấm dứt, nhưng Việt Nam tạm thời bị chia cách Bắc - Nam, hai năm sau mới có hiệp thương thống nhất.
Tiểu sử ông Phêrô Lý Chánh Trung Ông Phêrô Lý Chánh Trung sinh năm 1928 tại Trà Vinh. - Năm 1950, ông sang Bỉ học tại Đại học Louvain, một Đại học Công giáo. - Trước năm 1975, ông là Giám đốc Nha Trung học Công lập rồi Đổng lý văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngoài ra, Lý Chánh Trung cũng được mời dạy triết học tại các Viện Đại học Huế và Đà Lạt. Năm 1962, ông là chủ bút báo Sống Đạo. - Sau năm 1975, ông là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Đại biểu Quốc hội ba khóa VI, VII, VIII. Ông qua đời ở tuổi 89 lúc 5g50 ngày 13.3.2016 tại nhà riêng ở TPHCM sau khoảng một tháng nằm bệnh với chứng viêm phổi từ lâu tái phát. Ông được an táng ngày 15.3.2016 tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương. |
Khi trở về lại Paris, hai ông Hà - Hãn có sáng kiến xây dựng một tuần báo mệnh danh Thống Nhất để tuyên truyền thực thi Hiệp định Genève. Hai ông không ra mặt công khai. Ông Hãn chỉ làm thơ Về thống nhất, ông Hà thì cho ý kiến viết xã luận... Nhóm trẻ phụ trách bài vở và in ấn là Lý Chánh Trung, Trần Thông, Lâm Ngọc Diệp, Phạm Văn Nam, Nguyễn Đình Đầu và Lm Nguyễn Huy Lịch. Vô tình họ đều là tín hữu Công giáo. Tôi làm chủ bút chỉ viết hay dịch những bài trọng điểm nhưng văn vẻ khô khan. Lý Chánh Trung viết những bài thời sự nhưng văn chương sáng sủa hấp dẫn, lại pha đôi nét hài hước, nhất là những bài Mỹ làm áp lực Pháp và Bảo Đại phải đưa ông Ngô Đình Diệm về Nam làm Thủ tướng toàn quyền…
Cuối năm 1954, Lý Chánh Trung về Nam tại nguyên quán Trà Vinh. Trần Thông, Lâm Ngọc Diệp cùng mấy anh em khác và tôi trở về Sài Gòn. Cuối năm 1955, ông Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại, thiết lập Việt Nam Cộng hòa và bỏ hiệp thương thống nhất năm 1956. Chúng tôi phải hội nhập xã hội và làm ăn sinh sống bình thường: Lý Chánh Trung được nhận làm giáo sư triết học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, Lâm Ngọc Diệp công tác tại phi cảng Tân Sơn Nhất, Trần Thông không chịu được cảnh bực bội Sài Gòn, sang Phnom-Penh làm báo La Tribune cùng với Nguyễn Mạnh Hà và Phạm Văn Nam, tuyên truyền cho một Nam Việt Nam trung lập… Còn tôi phải gồng mình đi dạy sử địa ở các tư thục Sài Gòn…
Ông Nguyễn Đình Đầu |
Tháng 6. 1962, chúng tôi phát hành tuần báo Sống Đạo. Bốn người có sáng kiến đầu tiên là Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn, Nguyễn Văn Trung và tôi. Sau có thêm Trần Hữu Quảng, Nguyễn Đức Phong, Nguyễn Thị Oanh và hai linh mục Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn Quang Lãm. Mục đích của Sống đạo là thông tin rộng rãi về Công đồng Vatican II nhằm canh tân Giáo hội hoàn vũ và ở Việt Nam thì vừa canh tân vừa thích nghi để hội nhập văn hóa dân tộc. Báo được Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình tán thành và ủng hộ. Số đầu tiên phải in tới 33.000 bản mới đủ phát hành. Lý Chánh Trung viết bài hằng tuần lấy bút hiệu Lý Chân; về các đề tài rộng rãi và thiết thực của tín hữu sống Tin Mừng trong xã hội Việt Nam, đặc biệt về văn hóa, giáo dục và bất công xã hội đương đại thời ấy như chiến tranh - hòa bình, bầu cử độc diễn của Thiệu - Kỳ, can thiệp gây chiến của Mỹ - thực dân mới… Mỗi bài ngắn gọn với lời văn sáng sủa đanh thép rất gây ấn tượng, là một cái đinh của mỗi tờ. Có nhiều người mua báo chỉ để đọc Lý Chân.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì năm 1968, chiến sự can thiệp của Mỹ tại miền Nam Việt Nam tăng cường hủy diệt và phá hoại lên cực độ. ĐGH Phaolô VI ban hành thông điệp Mân Côi kêu gọi ngưng chiến ở Việt Nam. Ngài đến cả Liên Hiệp Quốc kêu gọi : Hãy chiến đấu để ngưng chiến (Guerre à la guerre). Ngài cử Đức TGM Pignedoly tới Sài Gòn kêu gọi ngưng chiến. Nhóm Sống Đạo làm một bản Memorandum đề nghị chấm dứt chiến tranh và hòa hợp dân tộc. Nhóm được Đức Pignedoly tiếp kiến và Lý Chánh Trung trực tiếp trình bày bản “Ghi nhớ” đó.
Từ khoảng năm 1970, Lý Chánh Trung thấy hoạt động trong môi trường tôn giáo chưa đủ, nên đã tăng cường hợp tác với các giới trẻ và tiến bộ yêu nước ngoài xã hội rộng rãi. Là một giáo sư triết học nổi tiếng, Lý Chánh Trung viết nhật báo Tin Sáng của Ngô Công Đức về thời sự chiến tranh và hòa bình, rất sắc sảo gây được ấn tượng mạnh, thậm chí có hành động đòi chấm dứt chiến tranh, đòi Mỹ rút quân về nước. Trong số học trò của Lý Chánh Trung có người của phong trào kháng chiến đã tổ chức biểu tình và hoạt động đốt xe Mỹ. Lý Chánh Trung công khai ra mặt biểu tình chống chính quyền bắt bớ sinh viên học sinh…
Lý Chánh Trung nhận làm “cố vấn” cho Dương Minh để giải quyết giải phóng Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long cho đỡ phí tổn xương máu và gây tiền đề cho công cuộc đại đoàn kết dân tộc - thống nhất quốc gia.
Sau ngày giải phóng tháng 4.1975, Lý Chánh Trung được đề cử làm đại biểu Quốc hội. Sự nghiệp góp phần xây dựng đất nước của Lý Chánh Trung ở Quốc hội, ở Hiệp hội Trí thức yêu nước, ở UBMTTQ VN – TPHCM… gần đây ai cũng biết, xin miễn nhắc lại. Tất nhiên, trong sự nghiệp cao cả và phức tạp ấy đã gây cho nhiều phấn khởi thành đạt, những không ít đố kỵ ác ý.
Tôi không được cùng hoạt động với Lý Chánh Trung trong các lĩnh vực chính trị hay khoa học. Nhưng chúng tôi vẫn giữ tình bạn thân thiết và thường có dịp trao đổi chia sẻ với nhau. Tuy tôi lớn tuổi hơn, nhưng tôi vẫn xem Lý Chánh Trung là “đàn anh” về kiến thức và tư tưởng tiến bộ…
Nguyện xin Thiên Chúa ban hồng ân cho Phêrô Lý Chánh Trung được mau chóng về Nhà Cha nghỉ ngơi trong cõi vĩnh hằng.
Ngày 14.3.2016
Nguyễn Đình Đầu
“...Những gì đã xảy ra một đêm nào đó tại làng Bêlem, xứ Giuđê, gần hai ngàn năm trước đây, là một câu chuyện thông thường có thể xảy ra cho bất cứ cặp vợ chồng nào đồng cảnh ngộ. Và lời tường thuật của Thánh Luca thật ngắn gọn, chính xác, khô khan, như một mẩu “tin vắn” trên báo chí ngày nay, không có một chữ thừa. Hai ngàn năm qua, mẩu tin ấy đã được dịch ra mọi thứ tiếng, đã khơi nguồn cho bao nhiêu lễ nghi tập tục, đã gợi hứng cho bao nhiêu bản nhạc, bài thơ và công trình văn nghệ khác. Đám mục đồng năm bảy chú hối hả chạy đến Bêlem trong đêm ấy, nay đã trở thành một tỷ người thuộc đủ màu da, dân tộc, văn minh. Và hằng năm mỗi độ đông về, giữa muôn vạn ánh đèn, tiếng hát, người ta lại nhìn ngắm đứa bé sơ sinh nằm trong máng cỏ với bao niềm xúc động. Mẩu tin ấy đã trở thành NôEn. Và NôEn là một hiện tượng độc đáo. Trong lịch sử, chưa có một ngày sinh nào được kỷ niệm một cách đều đặn, liên tục trong gần hai ngàn năm mà vẫn gây được nhiều tình cảm chân thành, tươi mát nơi một khối người đông đảo và đa dạng như thế. Có một cái gì kỳ diệu trong đêm NôEn khiến cho mọi tín đồ, kể cả những kẻ ít khi lui tới các giáo đường, đều cảm thấy tâm hồn mình xao xuyến. Và giữa những kỷ niệm đẹp mà mỗi người thường giữ kín ở nơi thâm sâu nhất của lòng mình, thế nào cũng có hình ảnh trong sáng của một đêm NôEn nào đó. NôEn là ngày lễ đáng yêu nhất của Ki-tô giáo và cũng là ngày lễ duy nhất đã giành được nhiều cảm tình của anh em ngoài Kitô giáo, vì nó tương đối dễ hiểu và có nhiều ý nghĩa “nhân đạo” mà mọi người có thể chia sẻ dầu là có niềm tin hay không: ngày sinh của Giêsu cũng là ngày lễ của tất cả những đứa bé đang và sẽ sinh ra, những đứa bé đòi hỏi được sống, lớn lên và thành người trong hòa bình, trong tình thương của mọi người xung quanh, đặc biệt những đứa bé rủi ro sinh ra trong những gia đình nghèo “không có chỗ trong quán trọ” như Giêsu. Lễ của tuổi thơ, NôEn cũng được mọi người xem là lễ của hòa bình, cho nên trong các cuộc chiến tranh, người ta có cái lệ hưu chiến nhân dịp NôEn. Như thế là quý lắm rồi! Nhân loại sẽ nghèo đi nếu để cho mất đêm NôEn, cũng như dân tộc Việt Nam sẽ nghèo đi nếu không giữ được đêm Trung Thu. Tuy nhiên, riêng đối với các tín đồ, nếu NôEn chỉ còn là cái dịp cho chúng ta kỷ niệm linh đình ngày sinh của Chúa trong những giáo đường rực rỡ ánh đèn và vang rền tiếng nhạc rồi ra về thơ thới hân hoan, thì chắc NôEn sẽ nghèo đi rất nhiều và nghĩ cho cùng, sẽ chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa...”
(trích bài “Đêm của cội nguồn” |
Bình luận