Cuộc triển lãm tài liệu chuyên đề “Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn -Di sản tư liệu thế giới” vừa được Cục Văn thư lưu trữ nhà nước phối hợp với UBND thành phố Ðà Lạt tổ chức từ ngày 18 - 24.12.2019 tại khuôn viên trường Ðại học Ðà Lạt.
Triển lãm ngoài việc tái hiện lại bức tranh lịch sử sinh động về dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ xa xưa thông qua những lần đặt, đổi Quốc hiệu và dời chuyển Kinh đô đất nước, thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân, mà còn là dịp để tôn vinh giá trị của những di sản Việt Nam đã được thế giới công nhận.
Có 32 hình ảnh, tài liệu, hiện vật về nguồn gốc, ý nghĩa của các Quốc hiệu chính thức và Kinh đô của nước ta trải qua các thời kỳ lịch sử, từ buổi đầu dựng nước đến thế kỷ XIX với nhiều thăng trầm, đã được giới thiệu. Mỗi lần đổi, dời có một ý nghĩa khác nhau nhưng đều đánh một dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Thông qua nguồn sử liệu tại triển lãm, tên nước đầu tiên được nhắc đến là Xích Quỷ (tên một vì sao sắc đỏ) của Kinh Dương Vương. Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương là con thứ của Ðế Minh tên là Lộc Tục, được cha phong cho làm vua phương Nam, lên ngôi vào năm 2879 trước Công nguyên, lập ra nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của Thần Long, sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết hôn với nàng Âu Cơ sinh ra 100 con, người con trai cả theo mẹ lên núi đóng đô ở Phong Châu là Hùng Vương đời thứ nhất. Sau khi Hùng Vương lên ngôi, tên gọi Văn Lang mới được coi là Quốc hiệu chính thức đầu tiên của nước ta. Nhà nước Văn Lang truyền được qua 18 đời thì Thục Phán - An Dương Vương kế tục và cho đổi Quốc hiệu là Âu Lạc. Lịch sử dân tộc sau đó trải qua 1.000 năm, rơi vào tay phong kiến phương Bắc và đã có nhiều cuộc nổi dậy để lật lại ách thống trị... Ðến năm 542, Lý Bí lãnh đạo quân Giao Châu đánh bại Thứ sử Tiêu Tư của nhà Lương và lên ngôi vào mùa Xuân năm 544, xưng là Nam Việt Ðế, đổi Quốc hiệu mới là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Hai chữ Vạn Xuân bộc lộ khát vọng một nền độc lập bền vững muôn đời...
Một dấu mốc quan trọng được giới thiệu trong triển lãm là năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng rồi lên ngôi, đóng đô ở Loa Thành, mở ra thời kỳ mới độc lập tự chủ cho dân tộc. Năm 968, sau khi dẹp được 12 sứ quân, đưa giang sơn thu về một mối, Ðinh Tiên Hoàng đã đặt Quốc hiệu là Ðại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ðến Năm 1010, vua Lý Công Uẩn nhận thấy Hoa Lư địa thế trũng thấp, chật hẹp nên đã quyết định cho dời đô về thành Ðại La (tức Kinh Thành Thăng Long). Dòng lịch sử lại tiếp có những thay đổi về Quốc hiệu, Kinh đô như năm 1054, Lý Thánh Tông đổi tên nước thành Ðại Việt; năm 1400, Hồ Quí Ly lên ngôi, đổi Quốc hiệu là Ðại Ngu và dời đô về An Tôn (Thanh Hóa). Quốc hiệu Ðại Ngu thể hiện ước vọng một giang sơn rộng lớn, bình yên, bởi chữ “Ngu” ở đây có nghĩa là sự yên vui… Rồi đến đời vua Gia Long của triều Nguyễn, Quốc hiệu được đổi là Việt Nam; năm 1838, vua Minh Mạng lại đổi thành Ðại Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, tên gọi Việt Nam vẫn là tên quen thuộc gắn bó với máu thịt của mỗi người dân.
Triển lãm là một cơ hội để công chúng trong và ngoài nước tiếp cận gần hơn với các di sản tư liệu của Việt Nam. Hoạt động này cũng góp phần nâng cao nhận thức và giáo dục lòng yêu nước, đặc biệt là thế hệ trẻ học sinh, sinh viên.
QUỐC DŨNG
Bình luận