Từ năm 2021, Chính phủ quy định lấy ngày 21.4 hằng năm làm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Năm 2021 và đầu 2022, nước ta bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nên các hoạt động phát động bị dừng lại. Năm nay, nhiều Nhà Xuất bản, Sở Văn hóa đã đồng loạt khai trương và phát động chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc nhằm kết nối sách với độc giả và lan tỏa tinh thần đọc sách nơi độc giả, nhất là giới trẻ.
Ngành xuất bản đã in và phát hành rất nhiều đầu sách so với trước kia, vì cơ chế thoáng mở của chính sách. Năm 2022, số lượng sách tính theo đầu người là 6,02 bản sách/người/năm. Nhiều sách về giải trí, kỹ năng cho đến các thể loại văn học trong và ngoài nước. Vì nhiều quá, người đọc cũng dễ bội thực, bị loạn các thông tin. Đôi khi muốn tìm hiểu một chủ đề, nhưng không dễ chọn cho mình một cuốn sách chuẩn mực về kiến thức. Bởi vậy mới cần những buổi hướng dẫn, định hướng qua các hoạt động ra mắt sách, giới thiệu đến độc giả, nhưng những hoạt động này còn quá ít. Nhân viên nhiều tiệm sách chỉ là người bán sách, nên người mua chỉ còn cách tự tìm hiểu.
Trong việc xuất bản sách, có lẽ cũng hiếm các cuộc thăm dò thông tin thị hiếu độc giả. Cho nên, đôi khi có đơn vị xuất bản nhiều sách, nhưng sách hay rất ít. Trong số lượng 6,02 bản sách/ người, có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập; chỉ có 2,98 bản là các loại sách khác.
Đôi khi chúng ta phát động về sách và văn hóa đọc, nhưng chưa kết nối được hai chủ đề này? Sách vẫn là sách, còn văn hóa đọc vẫn là văn hóa đọc? Độc giả chỉ hứng thú với sách khi họ tìm đọc được những cuốn sách yêu thích, cuốn sách cần thiết và phù hợp với họ. Nếu đọc một cuốn sách mình không thích vừa làm tốn thời gian và cũng không tích lũy được vốn kiến thức nào.
Trên thế giới, người Do Thái, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hungari, Thái Lan, Malaysia là những dân tộc đọc sách chăm chỉ và nhiều nhất thể giới. Không biết họ có ngày riêng cho sách và văn hóa đọc không, nhưng trong thời đại kỹ thuật số mà họ vẫn yêu thích sách và dành thời gian cho việc đọc thì rõ ràng đã định hình thành nếp sống và nét văn hóa. Chỉ tính riêng Malaysia, ước tính trung bình mỗi người dân đọc khoảng 12 cuốn sách một năm, gấp 4 lần người Việt. Một thông tin đưa ra có tới 26% người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách; 44% thỉnh thoảng đọc, tức khoảng gần nửa số người Việt Nam không quan tâm đến sách. Bởi vậy, nếu nói tới sách và văn hóa đọc, chúng ta còn cả một chặng đường phía trước cần nỗ lực dài, chẳng hạn trợ giá sách viết cho thanh thiếu niên, thiếu nhi; đầu tư hơn nữa cho các hệ thống thư viện phổ thông ở địa bàn dân cư… Văn hóa đọc không phải chỉ phát động mà có, xem ra ước mơ trở thành một dân tộc yêu sách, và ham mê đọc sách vẫn còn xa.
Ngô Quốc Đông
Bình luận