* “Thánh”, khi chuyển ngữ cho “Holy”, “Saint”, mang ý nghĩa gì?
1. “Holy”, “Saint” khi chuyển ngữ qua tiếng Việt đều gọi là “thánh”, chẳng hạn “the Holy Spirit” là “Thánh Linh”/ “Thánh Thần”, “the Holy Father” là “Đức Thánh Cha”, “Saint Paul” là “Thánh Phaolô”, “Saint Luke” là “Thánh Luca”…
“Thánh” là âm Hán - Việt của ký tự 聖. Tuy nhiên, cách gọi “thánh”(聖) trong Hán tự rất lắt léo, có những trường hợp gọi “thánh” mà không phải “Holy”, không “Saint”. “Thánh” để chỉ người có tài năng đáng nể về một lãnh vực, như “thi thánh” 詩聖, nghĩa là người làm thơ hay đến mức tuyệt đỉnh. Hoặc người tài cao học rộng, thấu suốt lẽ đời, minh mẫn, như “thánh hiền” 聖賢, “thánh” ở đây là wiseman (không phải “saint”).
“Thánh” còn được dùng như một kính ngữ, tức là danh xưng mang tính chất tôn trọng đặc biệt, tôn quý. Như hồi xưa, từ triều đình có những “thánh huấn” 聖訓, nghĩa là huấn thị của nhà vua (King’s instruction).
2. Vậy, “Thánh” khi chuyển ngữ cho “Holy”, “Saint”, mang ý nghĩa gì?
2a) Mạc khải của Đức Giêsu rằng “Thiên Chúa là duy nhứt”, theo Phúc Âm của thánh sử Máccô 12: 29; và “Thiên Chúa duy nhứt mà có ba ngôi vị là Cha - Con - Thánh Thần”, theo Phúc Âm của thánh sử Mátthêu 28: 19. Ở đây, “The Holy Spirit” được chuyển ngữ là “Thánh Linh” (聖靈), “Thánh Thần” (聖神).
Mệnh đề “Thiên Chúa Ba Ngôi” (Trinity), Hán tự ghi là 天 主 聖 三 :”Thiên Chúa thánh tam”.
“Thánh”, như vậy, là cách định danh thuộc về Thiên Chúa.
* Thêm nữa, trong Thánh vịnh (Psalms) 82: 6, những ai được Thiên Chúa ngỏ lời đều được gọi là “bậc thần thánh, là con cái của Đấng Tối cao”. Câu Thánh vịnh này còn được nhắc lại, nhấn mạnh trong trình thuật Phúc âm theo thánh Gioan 10:34.
“Thánh”, ở đây, là người thuộc về Thiên Chúa. Thành thử, danh xưng để gọi vị đứng đầu Giáo hội Công giáo hoàn vũ là “the Holy Father”, chuyển ngữ qua tiếng Việt là “Đức Thánh Cha”. Danh xưng “Thánh” mang lấy dấu chỉ: thuộc về Chúa, như trình thuật Phúc Âm và Thánh vịnh dẫn trên.
2b) Hết thảy những ai có niềm tin vào Chúa Giêsu - đây là ân sủng do Thiên Chúa trao ban - đều trở thành Dân Thánh.
Do đó, hiểu cho thực chặt chẽ thì Giáo hội Công giáo không phong thánh - bởi việc hưởng nhan thánh Chúa, được vào Nước Chúa là do Thiên Chúa, mà giáo hội chỉ thực hiện công việc tuyên Thánh. “Tuyên” (宣) là tuyên bố, công bố; “Thánh” ở đây được dùng chuyển ngữ cho Saint (sanctus). Sau một quá trình khảo sát kỹ lưỡng (“điển phạm hóa”: canonization) [1] về hạnh tích, gương mẫu, dấu lạ… của người quá cố, Đức Thánh Cha tuyên bố người đó là đấng để toàn thể Hội Thánh tôn kính.
Tóm lại, đồng âm là “thánh” (聖) nhưng nếu không có sự phân định thì dễ rơi vào “râu ông cắm cằm bà”, giống như trường hợp “thờ lạy” mà không phải “THỜ LẠY” [2].
* “Ơn Chúa Cứu độ là NHƯNG KHÔNG”
1. Có nhiều người thắc mắc về hai chữ “nhưng không”. Đọc trên rất nhiều website diễn giải thì thường được hiểu đại khái là “cho không”, tỉ như “tình yêu nhưng không” là ... “tình yêu cho không”. Ồ, nếu vậy thì có chữ “nhưng” để làm chi? “Nhưng” nghĩa là ... “cho” (“nhưng không” là “cho không”)?
Trong tiếng Việt, phần lớn chúng ta đều hiểu: “nhưng” là trái lại / ngược lại / tương phản với một mệnh đề, một ý tưởng nào nêu ra trước đó. Chữ “nhưng” như thế là hiểu theo chữ Nôm, thuần Việt. Vậy nên sẽ thấy “nhưng” (trong “nhưng không”) khó hiểu, chữ “nhưng” ở đây đâu có tương phản với mệnh đề nào trước đó đâu!
2. Kỳ thực, “nhưng không” là cách đọc theo âm Hán - Việt của hai chữ 礽 空. Thế kỷ 18 còn quen dùng âm Hán - Việt, tuy nhiên theo thời gian về sau giữ lại cách đọc “nhưng không” mà không còn dùng mặt chữ Hán nữa, nên... trở thành khó hiểu.
“NHƯNG”, âm Hán - Việt của chữ 礽, có nghĩa là: “điều may mắn được hưởng”, là “ơn phước”. “KHÔNG” 空, như không gian (khỏi nói, ai cũng biết rồi), và còn được dùng để chỉ Trời - như “cao không” 高 空, “thái không” 太空 là nói đến “ông Trời”, là “Trời” tối cao.
“NHƯNG KHÔNG” 礽 空 nghĩa là ơn phước từ Trời, được Trời ban cho.
3. Trong tín niệm Kitô giáo, Ơn Cứu độ là bởi Tình yêu của Chúa, vì yêu thương nhân loại khổ đau do tội lỗi mà Chúa cứu độ. “Thầy không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi” (Phúc Âm theo thánh sử Máccô 2: 17).
Ơn Cứu độ là quà tặng trao ban (chớ không phải phần thưởng tùy vào việc “đóng góp” công đức nhiều hay ít; ở đây không có việc “trao đổi” công đức để nhận lại phần thưởng). Đức Tin cũng là từ Chúa, “chính Chúa chọn con” (Phúc Âm theo thánh sử Gioan 15:16). Mà như vậy, Ơn Cứu độ là ân sủng từ Chúa, Đức Tin là ân sủng từ Chúa. Nghĩa của “ân sủng” (恩寵) là ơn từ trên ban cho.
Vậy nên, “NHƯNG KHÔNG” vốn quen thuộc với người Việt vào những thế kỷ trước (lúc còn mượn chữ Hán để làm văn tự), nay có lẽ nên dùng “Ân sủng” dễ hiểu hơn.
“Ơn Cứu độ là NHƯNG KHÔNG”, tức “Ơn Cứu độ là ÂN SỦNG”; và “Tình yêu nhưng không” là “Tình yêu ân sủng”.
NGUYỄN CHƯƠNG
1 Lễ nghi Tuyên thánh (Canonization ceremony): “canonization” làđiển phạm hóa (典範化), tức những phương pháp phân định theo trình tự, tiêu chuẩn mẫu mực…
2 Đọc bài Giải ảo một ngộ nhận thế kỷ, báo Công giáo và Dân tộc số 2363, tr.36
Bình luận