Có một thực tế đáng buồn là xã hội càng hiện đại thì nhiều cuộc hôn nhân càng dễ tan vỡ, nhất là trong giới trẻ.
Theo Báo cáo Điều tra dân số vào năm 2014 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên trên cả nước ly hôn ở khu vực thành thị là 2% và ở nông thôn là 1,2%. Báo cáo còn cho thấy hiện tượng kết hôn sớm có cả ở nam và nữ vị thành niên.
Ai cũng thấm thía rằng hôn nhân là chuyện quan trọng của cả cuộc đời. Tìm được người mình yêu đã khó, giữ làm sao cho yêu thương tròn vành lại khó hơn. Ngày nay, xã hội nói nhiều đến các cuộc hôn nhân “yểu mệnh” của nhiều bạn trẻ. Họ yêu nhanh, cưới nhanh rồi cũng nhanh dắt díu nhau ra tòa. Ở nông thôn, trai gái vừa bước sang tuổi kết hôn đã sớm lập gia đình. Một số thanh niên vừa học hết phổ thông đã vội cưới. Ngay sau đó, vợ chồng dẫn nhau đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở TPHCM hoặc những tỉnh lân cận. Có trường hợp khác, đôi bạn trẻ chung sống như vợ chồng, đợi đến đủ tuổi để làm thủ tục đăng ký kết hôn, mặc kệ sự can ngăn của gia đình. Chuyện vợ chồng cãi nhau, thậm chí ly dị không còn là hiếm hoi. Ở thành thị, tuy trình độ dân trí cao hơn các tỉnh nông thôn nhưng tình trạng đổ vỡ trong hôn nhân cũng khá phổ biến.
![]() |
Chị Nguyễn Lê Phương (29 tuổi, Hà Nội) cho biết, thiếu hòa hợp trong đời sống gia đình là điều cần khắc phục. Các bạn trẻ, ai cũng có cái tôi cao. Cần dung hòa “cái tôi” riêng của mỗi người thành “chúng tôi”. Lại có ý kiến khác, sở dĩ giới trẻ dễ chia tay vì tình yêu của họ không đủ mạnh mẽ. “Lắm lúc hôn nhân chưa thật sự là cái kết của tình cảm chân thành. Hai người đến với nhau, khi xảy ra va chạm lại không đủ cảm thông, vì chưa thật lòng nên chia tay là điều dễ hiểu”, anh Đoàn Thanh Bình (25 tuổi, Cần Thơ) tâm sự. Việc chuẩn bị cho các bạn trẻ đi vào đời sống hôn nhân cần phải chu đáo. Bên cạnh quá trình tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ các bạn trước quyết định quan trọng. Nhiều người tán đồng với ý kiến trước khi lựa chọn bạn đời, mỗi người cần có thời gian để tìm hiểu chuẩn bị sao cho chu đáo, tránh trường hợp khi cả hai sống chung với nhau vì phát hiện bí mật nào đó khó chấp nhận hoặc bất đồng tính cách dẫn đến tình cảm rạn nứt. Chị Kim Thúy, giáo viên phổ thông ở Hậu Giang chia sẻ về cách cư xử trong gia đình: “Việc vợ chồng bất hòa là điều không thể tránh khỏi, những lúc như thế cả hai cần phải nhường nhịn lẫn nhau. Ông bà ta nói giận quá mất khôn, điều cần thiết không phải là tranh luận ai đúng ai sai mà phải nghĩ đến cái chung, tìm cách giải quyết vấn đề”. Chị còn cho biết thêm, thỉnh thoảng vợ chồng hay tổ chức đi du lịch, cuối tuần thì tranh thủ dẫn các con đi công viên giải trí, hoặc đi siêu thị mua sắm vật dụng để bầu khí gia đình thêm ấm áp. Đó cũng là cách để giữ lửa yêu thương.
Hôn nhân tan vỡ, người ta cũng hay đổ thừa vì lý do kinh tế. Khi vợ chồng không đủ khả năng mang lại hạnh phúc cho nhau vì cuộc sống khó khăn thì một trong hai có khả năng tách rời, tự giải thoát. Song, nếu đời sống gia đình là kết quả của sự chọn lựa vì tình yêu chân thành chắc hẳn sẽ có nhiều cách giải quyết. Ly hôn, suy cho cùng vẫn không phải là lựa chọn tốt vì sẽ để lại nhiều hệ lụy, nhất là với những cặp đôi đã có con cái.
Hùng Luân
Bình luận