Đền Thánh Giuse ở Montréal (Canada) nổi tiếng thế giới, mỗi năm thu hút hơn 2 triệu người tới hành hương. Nhận thánh Cả làm quan thầy nên tôi ước ao một lần đến kính viếng, nguyện cầu cùng ngài. Thật may, trong một chuyến đi Hội nghị về truyền thông Công giáo tổ chức tại Canada, tôi đã có cơ hội được đến viếng Đền.
Vương Cung Thánh Đường Thánh Giuse nổi bật trên đỉnh đồi Mount Royal. Tổng diện tích thánh địa hơn 500 ha. Ngôi đền thật nguy nga và cổ kính. Cả một quần thể gồm nhiều kiến trúc khác nhau, tạo thành một ngọn đồi thánh thiêng.
1.
Ngay cạnh nhà tiếp đón du khách có một tháp chuông cao, treo một bộ gồm56 chuônglớn nhỏ, với tổng trọng lượng 11 tấn. Thực ra, bộ chuông quý giá có một không hai này do Chính phủ Pháp đặt làm để trang trí trên tháp Eiffel tại Thủ đô Paris - Pháp, nhưng vì lý do kỹ thuật, nhà sản xuất Paccard et Frères đã dâng tặng Ðền Thánh năm 1955, nhân kỷ niệm 50 năm xây cất đền.
Chúng tôi bước qua cửa chính dẫn vàonguyện đường.Nơi đây trang trí 8 phù điêu lớn do điêu khắc gia người Canada Joseph Guardo thực hiện năm 1948, theo 8 tước hiệu mà truyền thống Công giáo suy tôn thánh Cả: Ðấng Bảo trợ các gia đình, Bổn mạng giới thợ thuyền, Bảo trợ các tâm hồn thanh khiết, Bổn mạng người chết lành, Nâng đỡ những ai đau khổ, Hy vọng của bệnh nhân, Đấng xua đuổi thần dữ và Ðấng Bảo trợ Giáo hội.
Dọc theo hành lang nguyện đường, trên các bức tường cónhiều chiếc nạng, và những bia đá cẩm thạch khách hành hương tri ân thánh Giuse. Trước mỗi phù điêu biểu tượng hình ảnh thánh nhân, tôi cảm nhận bầu khí thánh thiêng lan tỏa. Từng đoàn du khách, đủ các sắc dân, nhiều ngôn ngữ..., thành kính thắp lên những ngọn nến và thinh lặng cầu nguyện. Phía phải hành lang có một ngôi mộ lớn bằng đá cẩm thạch màu đen huyền, nơi an nghỉ của tu sĩ Anrê Bessette (1845-1937), dòng Thánh Giá, người đã đứng ra xây dựng Đền Thánh Giuse và được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tuyên thánh ngày 17.10.2010.
Nằm dưới Vương Cung Thánh Đường là nhà thờ hầm. Chúng tôi bước vào khi thánh lễ đang cử hành. Nhà thờ thật rộng rãi với hơn ngàn chỗ ngồi, được xây cất năm 1916, do hai kiến trúc sư Dalbé Viau và Alphonse Venne thiết kế. Ngay chính giữa cung thánh làtượng thánh Cả Giuse, chiều cao 2m75, nặng 2,3 tấn, do một nghệ sĩ người Ý - ông A. Giacomini, tạc bằng đá hoa cương màu trắng rất quý hiếm gọi là carrara. Chung quanh tượng thánh có gắn những hào quang kim khí mạ vàng sáng chói. Nhìn lên tường, chúng tôi thật ngưỡng mộ khi chiêm ngắm bộ tranh màu bằng kính mô tả những giai đoạn chính trong cuộc đời thánh Giuse. Ðây là công trình nghệ thuật của hai nghệ sĩ Canada, ông Perdriau và O’ Shea, hoàn thành năm 1919. Phía bên phải cung thánh có tượng Chúa Giêsu chịuđóngđinh. Rất nhiều khách hành hươngđãđến chạm vào chân Chúa để cầu nguyện, nay bàn chân tượng chịu nạnđã bị mònđi nhiều.
2.
Từ nhà thờ hầm bước ra, chúng tôi vào cầu thang cuốn để lên lầu. Nơi phòng nghỉ chân cho các đoàn khách, một bức tranh lớn được vẽ ngay trên tường, rất đẹp và công phu, họa chân dung thánh Cả với những đoàn hành hương đến cầu nguyện. Kế bên có gắn 13 phù hiệu gồm 10 tỉnh, bang và 3 lãnh thổ của Canada, vì thánh Giuse đã được Chính phủ và Giáo hội Canada tôn vinh là thánh bổn mạng. Từ đây, chúng tôi bước ra ngoài ban công khá cao phía trước, phóng tầm mắt để có một cái nhìn bao quát thành phố Montréal trước mặt. Phía đối diện là Ðại học Notre Dame, nơi tu sĩ Anrê đã từng phục vụ trong vai trò người gác cổng trường trên 40 năm. Xa xa về hướng Tây Bắc là đảo nhỏ Montréal, bên phải là Ðại học Montréal, bên trái là hồ Saint Louis.
Cả đoàn tiếp tục lên lầu viếng thăm một khutriển lãm nhỏ về cuộc đời thầy Anrê.Ngoài những bức tranh trên tường chụp căn nhà bé nhỏ tồi tàn, nơi Anrê cất tiếng khóc chào đời, còn có những tài liệu, hình ảnh lúc sinh thời và khi thầy qua đời. Trong 4 phòng lớn, phòng I mô tả cảnh thầy Anrê làm người gác dan tại cổng trường đại học Notre Dame từ 1870-1909; phòng II là văn phòng nơi thầy đón tiếp và săn sóc các bệnh nhân; kế đến là căn phòng ngủ đơn sơ, có một giường cá nhân, một bàn nhỏ và chiếc ghế, một cái dù đen treo trên tường; cuối cùng là một phòng nhỏ bằng sắt mạ đồng, có lan can chung quanh, chính giữa có đặt trái tim đã khô của Anrê trong một hộp nhỏ bằng vàng. Ðây là một truyền thống lâu đời của nước Pháp và nước Ý, thường lấy trái tim của các bậc vĩ nhân nổi tiếng để dân chúng tri ân, tôn vinh.
Từ đây, tôi trở lại phòng nghỉ chân để đi sang khu vườn bên cạnh, một không gian rộng rãi, cây cối và hoa cảnh cắt xén mỹ thuật, do kiến trúc sư phối cảnh Frederick G. Todd thiết kế để dựng14 chặng đàng thánh giá,với những bức tượng màu trắng rất mỹ thuật do hai nghệ sĩ Ercolo Barieri và Louis Parent tạc bằng đá cẩm thạch quý giá. Những bức tượng 14 đàng thánh giá này với kích thước như một người trung bình, được chiếu sáng ban đêm bởi dàn ánh sáng do chuyên viên Jean d’Orsay nghiên cứu. Tại khu vườn này cũng có một tượng Chúa Kitô Phục Sinh, dưới chân tượng là hệ thống phun nước khá lớn, giúp người hành hương có những giây phút trầm lặng suy tư về cuộc đời.
Bộ máng cỏ tại Bảo tàng viện Giáng sinh |
3.
Trên phương diện mỹ thuật tôn giáo, đặc điểm có ý nghĩa và đáng lưu ý nhất trong quần thể Ðền Thánh Giuse Montréal là bảo tàng viện, chiếm cả một khu vực lớn cạnh Vương Cung Thánh Đường, được thực hiện với chủ đề Thánh Gia Thất. Hai tầng lầu mênh mông là một công trình thu thập các tác phẩm nghệ thuật quý giá, qua nhiều năm khác nhau, khởi đầu từ khi xây cất đền thờ nhỏ đầu tiên từ năm 1905. Bước vào bảo tàng viện, chúng tôi bị choáng ngợp bởi một bức tranh sơn dầu thật lớn do nghệ sĩ Anrê Bergeron vẽ cùng với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Canada và nghệ sĩ nhiều quốc gia trên thế giới. Bảo tàng chia thành hai khu vực khác nhau. Khu I bằng sáp do nghệ sĩ Joseph Guardo thực hiện năm 1955, gồm 10 cảnh sinh hoạt của Thánh Gia Thất, với76 bức tượng bằng sáp, kích thước giống như người thật, trông rất sống động khiến khách hành hương ai cũng đứng lại trầm trồ. Khu vực II là bảo tàng viện Giáng Sinh, gồm330máng cỏdo các nghệ sĩ của 130 quốc gia trên khắp thế giới thực hiện. Từ chủ đề Ðức Kitô Giáng Sinh, người ta thấy mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể này đã được các nghệ sĩ của các quốc gia Âu châu, Mỹ châu, Phi châu, Á châu, châu Đại Dương tìm nguồn cảm hứng và thể hiện bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Bất cứ đoàn du khách của quốc gia nào cũng cố đi tìm tác phẩm của nước mình. Những máng cỏ bằng đủ chất liệu, từ gỗ, phalê, kiếng, vải, sơn dầu, tranh thủy mặc đến sứ, sành... đã nói lên tinh hoa và văn hóa của mỗi dân tộc. Tại đây, có hai bộ hang đá máng cỏ của Việt Nam, một bằng rễ cây đẽo gọt rất tinh vi mỹ thuật và một tranh sơn mài vẽ Ðức Kitô, Ðức Mẹ, Thánh Giuse với y phục và dáng vóc người Việt Nam - do nhà văn Phạm Ðình Khiêm (Sài Gòn) kính tặng bảo tàng viện năm 1992. Đến tận nơi nhìn ngắm các máng cỏ từng quốc gia, mới thấy được rõ nét giá trị mỹ thuật tôn giáo của bảo tàng.
Điểm đến của cuộc hành hương làVương Cung Thánh Đườngkính thánh Giuse, dài 105 mét, rộng 65 mét, chiều cao từ nền đến mái vòm 60 mét, đường kính mái vòm bên trong 26 mét, mái vòm bên ngoài 39 mét. Toàn bộ Vương Cung Thánh Đường cao 263 mét so với mực nước biển, đây cũng là ngọn tháp cao nhất thành phố Montréal. Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 100 năm khởi công xây dựng, Chính phủ Canada đã ghi Đền Thánh vào sổ các danh lam thắng cảnh lịch sử quốc gia.
Quỳ gối cầu nguyện trong thánh đường, tôi thầm tạ ơn Chúa, cám ơn thánh Giuse về chuyến hành hương nhiều ý nghĩa. Trong lịch sử hơn hai ngàn năm của Giáo hội, Chúa thường chọn những con người tầm thường, bé nhỏ, ít học, bình dân như tu sĩ Anrê để thực hiện những công trình lớn lao. Tôi cũng xác tín hơn về lời chuyển cầu của thánh Giuse, và thật thán phục niềm tin của người tín hữu khắp nơi trên thế giới hành hương với niềm hy vọng, tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa tình yêu.
Lm Giuse NGUYỄN HỮU AN
Bình luận