Như ở khắp nơi trên thế giới, Giáo hội tại vùng truyền giáo Papua New Guinea cũng sốt sắng sống Tháng Các đẳng linh hồn. Ðây cũng là dịp để giới thiệu về những điểm đặc biệt trong phong tục chôn cất người đã khuất ở đất nước này.
|
Tại Papua New Gunea, tuy các tín hữu dành cả tháng 11 để tưởng nhớ, cầu nguyện, họ cũng dọn dẹp mồ mả thật tươm tất từ đầu tháng, nhưng không có thánh lễ ở nghĩa trang như ở nước ta. Nguyên nhân là theo phong tục của thổ dân nơi đây, nếu người thân qua đời thì thường được chôn cất ngay trước nhà. Trong thời gian hai tháng đầu để tang, tất cả thành viên còn lại của gia đình không nằm ngủ trong nhà, không đi tắm. Họ trải chiếu hay vỏ cây rồi ngủ trên đất. Ðiều này nhằm thể hiện sự đau buồn vì người thân qua đời. Kết thúc hai tháng, họ mời linh mục tới để làm phép mộ, lúc đó các thành viên trong gia đình bắt đầu đi tắm rửa và mới ngủ trở lại trong nhà. Ai có điều kiện thì khi kết thúc 2 tháng để tang đầu tiên thì làm một bữa tiệc đãi họ hàng. Thổ dân chôn cất thi hài gần như 90% là không có quan tài. Họ đặt thi hài xuống huyệt và đắp cho thi hài một tấm vải trên người rồi lấp mộ. Trên ngôi mộ để hoa, tiền và mắc một cái mùng.
|
Có những bộ lạc ở vùng núi cao, khi cha và mẹ mất thì người ta sẽ không chôn mà bôi vào thân thể cha hay mẹ đã qua đời một loại nước được chế biến từ vỏ cây. Loại nước này sẽ giữ thịt của người chết không bị thối rữa. Có thể xem đây là một phương thức ướp xác, vì phần nội tạng cũng được lấy ra để chôn cất riêng. Sau đó, thân nhân sẽ đưa xác người chết lên vách núi đá cột cố định theo tư thế ngồi. Nơi vách đá, thú rừng sẽ không thể hủy hoại xác người thân của họ. Sau một thời gian thì xác sẽ khô và đến ngày, gia đình tiến hành đưa rước cha hay mẹ đã được phơi khô trên vách núi về và đặt trong nhà vì nói rằng làm điều này là để cha mẹ luôn hiện diện với họ.
Ðây là những truyền thống từ lâu đời của các bộ lạc nên cho đến nay họ vẫn làm theo và giữ truyền thống về tang chế này. Tôi nhận được những kinh nghiệm từ các nhà thừa sai đi trước là “nên đi đến với người thổ dân, tôn trọng văn hóa và không phá bỏ các truyền thống văn hóa của họ”. Có như vậy thì người ta mới quý mến và tôn trọng các nhà thừa sai. Ở Papua New Guinea, tháng 11 sẽ không có lễ ở nghĩa trang, nhưng không bao giờ thiếu vắng lời kinh, lời cầu nguyện và tình cảm dành cho những người đã về với Chúa.
Giuse Hoàng Gia Thẩm Phán,
dòng truyền giáo Ngôi Lời (từ Papua New Guinea)
Bình luận