Thánh Thần quà tặng của Thiên Chúa

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG - NĂM A

Bài đọc 1: Cv 2,1-11; Bài đọc 2: 1 Cr 12,3b-7.12-13; Tin Mừng: Ga 20,19-23.

Khi tặng cho nhau một món quà, người ta thể hiện sự trân trọng và quan tâm đến người khác. Trước lúc chia ly với các môn đệ, Chúa Giêsu không hứa ban cho các ông một món quà vật chất, mà đó là món quà thiêng liêng. Món quà này là chính Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Trước đó, Người cũng nhiều lần nói tới sứ mạng và vai trò của Chúa Thánh Thần: Đấng Bảo trợ, Thần Chân lý. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp các môn đệ hiểu rõ giáo lý mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Nếu Chúa Giêsu, Đấng thành lập Giáo Hội, đã hứa sẽ ở với Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế, thì Chúa Thánh Thần là Đấng đồng hành với Giáo Hội mọi nơi mọi thời, hầu làm cho cộng đoàn tín hữu mà Chúa Giêsu đã quy tụ được lớn mạnh và phát triển không ngừng.

Lời hứa tặng quà đã được thực hiện trong ngày lễ Ngũ Tuần, một ngày hành hương quan trọng của người Do Thái và của các sắc dân khác về Giêrusalem. Tác giả sách Công vụ Tông đồ đã kể lại sự kiện này (Bài đọc I). Chính các tông đồ cũng ngỡ ngàng khi thấy lưỡi lửa đậu xuống trên đầu mỗi người. Ân sủng đầu tiên mà Chúa Thánh Thần ban cho các ông, đó là ơn lợi khẩu và ơn can đảm. Trước đó, các ông là những người nhút nhát sợ sệt, phải đóng kín cửa phòng vì sợ người Do Thái. Từ khi nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã mở tung cánh cửa. Nỗi sợ đã biến tan. Phêrô, một người dân chài ít học, bỗng trở thành nhà giảng thuyết uyên bác hùng hồn. Lời giảng của ông có tính thuyết phục mạnh mẽ lạ lùng. Ngày đầu tiên đã có ba ngàn người xin theo Đạo. Chúa Thánh Thần đến quy tụ muôn người nên một, để làm thành dân Israel mới. Đây là dân hợp nhất trong tình mến, mặc dù khác biệt đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ. Nếu ngày xưa, tháp Baben là nguyên nhân của ly tán, thì nay, lễ Ngũ tuần là nguyên lý quy tụ. Sách Tông đồ Công vụ kể lại với chúng ta về sự hiệp nhất của cộng đoàn đức tin tiên khởi. Mọi người yêu thương đến mức chỉ có một tâm hồn, chuyên tâm nghe Lời Chúa, cầu nguyện và thực thi bác ái.

Tiếp nối ý tưởng quy tụ và hiệp nhất, thánh Phaolô đã so sánh Giáo hội với một thân thể. Dù gồm nhiều chi thể, nhưng chỉ là một thân thể duy nhất, luôn hiệp nhất với nhau và góp phần làm cho thân thể nên vững mạnh (Bài đọc II). Chính Chúa Thánh Thần là hơi thở làm cho thân thể Giáo hội sống động. Chúa Thánh Thần cũng là điểm nối kết, giúp cho tình hiệp thông của thân thể Giáo hội ngày càng chặt chẽ và keo sơn. Như thế, những ai sống trong chia rẽ là đi ngược lại với ơn của Chúa Thánh Thần, thậm chí chống lại tác động của Ngài. Bởi lẽ Ngài là Đấng kết nối và duy trì tình hiệp thông. Chính sự hiệp thông kỳ diệu này làm nên sức mạnh của Giáo hội và làm cho Giáo hội tỏa sáng giữa lòng thế giới.

Theo tác giả Tin Mừng Thánh Gioan (Bài Tin Mừng), Chúa Giêsu Phục Sinh ban tặng Chúa Thánh Thần ngay vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, tức là ngày Người từ cõi chết sống lại. Cùng với quà tặng là Chúa Thánh Thần, Đấng Phục Sinh còn ban cho các ông sự bình an và quyền điều hành Giáo hội, thường được gọi là quyền tháo cởi và ràng buộc. Như thế, ba món quà (Chúa Thánh Thần, ơn bình an và quyền điều hành) đi liền với nhau, tạo cho Giáo hội sức mạnh và làm cho Giáo hội luôn vững vàng trường tồn. Hai ngàn năm đã qua, được khích lệ bằng lời chúc bình an của Đấng Phục Sinh, Giáo hội thi hành sứ mạng của mình, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội không giống một thể chế chính trị trần gian. Những thể chế này, có những lúc hùng mạnh vô địch, nhưng sự hùng mạnh đó không được bền lâu, và đến thời suy tàn.

Với lễ Hiện xuống, mùa Phục Sinh khép lại. Tuy vậy, Đấng Phục Sinh vẫn ở với chúng ta. Cùng với Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa Thánh Thần được sai đến để tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu là cứu độ con người. Vì vậy, các nhà thần học gọi thời hiện tại là “kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần”. Chúng ta hãy cộng tác với Ngài, làm cho giáo huấn của Chúa Giêsu được loan truyền khắp thế giới.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo hội kỷ niệm ngày mình được sinh ra. Giáo hội cũng nhắc nhớ mọi tín hữu hãy đón nhận Chúa Thánh Thần là quà tặng của Chúa Giêsu Phục Sinh, đồng thời ý thức về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày, để luôn biết kêu cầu ơn phù trợ của Ngài. Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta những ơn cần thiết trong đời sống. Nhờ Ngài mà chúng ta vững vàng tiến bước trong hành trình nên thánh. Chân thành lắng nghe và thiện chí thực hiện những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được bình an thư thái và niềm vui hạnh phúc trong cuộc đời.

TGM GiuseVũ Văn Thiên - TGP Hà Nội

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Chúa Giêsu Kitô và những hồi đáp
Chúa Giêsu Kitô và những hồi đáp
Tân Ước kể lại một số hồi đáp Chúa Giêsu Kitô, từ phía những ai đã tiếp xúc với Người, những hồi đáp tích cực lẫn tiêu cực.
Khôn ngoan đích thực
Khôn ngoan đích thực
Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay có thể ví như một doanh nhân trẻ thành đạt của thời đại. Doanh thu của anh càng ngày càng tăng.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Đọc câu hỏi của mấy người Pharisêu trong Mc 10,2. Bạn thấy câu hỏi này có phải là một cái bẫy không? Tại sao đó lại là cái bẫy?
Chúa Giêsu Kitô và những hồi đáp
Chúa Giêsu Kitô và những hồi đáp
Tân Ước kể lại một số hồi đáp Chúa Giêsu Kitô, từ phía những ai đã tiếp xúc với Người, những hồi đáp tích cực lẫn tiêu cực.
Khôn ngoan đích thực
Khôn ngoan đích thực
Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay có thể ví như một doanh nhân trẻ thành đạt của thời đại. Doanh thu của anh càng ngày càng tăng.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Đọc câu hỏi của mấy người Pharisêu trong Mc 10,2. Bạn thấy câu hỏi này có phải là một cái bẫy không? Tại sao đó lại là cái bẫy?
Phó linh hồn
Phó linh hồn
Phó linh hồn là phó dâng sự sống của người đang hấp hối hoặc vừa mới qua đời trong tay Chúa, bằng cách cầu nguyện bên cạnh người đó.
Hôn nhân một vợ một chồng
Hôn nhân một vợ một chồng
Đơn hôn là chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nghĩa là chỉ có bạn phối ngẫu và giữ lòng chung thủy với bạn suốt đời.
Lời kinh có sức mạnh lớn lao 
Lời kinh có sức mạnh lớn lao 
Người Kitô hữu thường lần hạt Mân Côi. Khi lần hạt, chúng ta đang biểu lộ hình ảnh Hội Thánh cầu nguyện. 
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVI TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVI TN - năm B
Trong Mc 9,40 Đức Giêsu nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Còn trong Mt 12,30, Ngài lại nói một câu có vẻ ngược lại: “Ai không với tôi là chống lại tôi…”. Thật ra hai câu trên không mâu thuẫn.
Bí mật tòa giải tội
Bí mật tòa giải tội
Bí mật tòa giải tội (ấn tòa giải tội) là việc linh mục nghe hối nhân xưng tội, buộc phải giữ bí mật tuyệt đối mọi điều mà họ đã xưng ra với mình, không được tiết lộ bằng lời nói hay bằng cách nào khác và vì bất cứ...
Bao dung
Bao dung
Sách Dân Số ghi lại sự kiện hai ông Enđát và Mêđát, dù được ghi trong sách các kỳ mục nhưng không đến lều mà vẫn phát ngôn ở trong trại.