Trong hành trình trưởng thành, ngoài giáo viên đứng lớp, tôi đã gặp được những người thầy đồng hành, mang đến bài học quý từ chính các trải nghiệm. Mãi sau này, những kỷ niệm ấy vẫn còn ghi khắc...
Hồi nhỏ, tôi được các nữ tu chọn học đàn. Là đứa duy nhất trong giới thiếu nhi của một họ đạo nghèo được chọn với ước mong của cha xứ “có người kế thừa”, sau thế hệ của chú tôi đã ba chục năm gắn bó với sinh hoạt nhà đạo. Chú có dịp đi xa cũng chẳng dám ở lâu hay vài ba ngày vì bận tập đàn hát, chuẩn bị cho thánh lễ. Lễ ngày Chúa nhật, lễ cưới, đám tang… tất cả đều do một mình chú đàn. Ðể nghĩ cho tương lai xa hơn, cha sở với các dì đã sang tận nhà bàn chuyện với cha mẹ, xin cho tôi có thêm giờ học đàn, bên cạnh việc học ở trường. Dĩ nhiên cha mẹ tôi đồng ý và còn vui nữa. Vậy là, ngoài việc tham gia ca đoàn, giúp lễ, tôi biết mình sắp được giao nhiệm vụ mới. Tôi cũng thầm nghĩ không phải ngẫu nhiên các sơ chọn mình, nghĩa là mình có tố chất. Ngày ấy, mười một tuổi, vừa mới lớn, có những hạt giống tốt lẫn hạt giống xấu gieo vào tâm hồn tôi. Và thông thường, cái xấu dễ biểu hiện. Ðược sơ dạy riêng mỗi ngày, chỉ trong một tuần, tôi đã luyện trôi chảy các phím trên cả hai tay trái, phải. Và sau một tháng, sơ trình làng cho tôi đệm trong giờ lễ. Bắt đầu từ những bài bình ca như kinh Thương Xót, kinh Vinh Danh rồi dần dần, khi đã bớt run trước mọi người và học thuần thục, sơ giao tôi phụ trách lễ thiếu nhi, giới trẻ… cho đến hết những năm học phổ thông.
Nhưng bạn biết đấy, một đứa trẻ bỗng nhiên có cái gì nổi bật hơn các bạn cùng trang lứa, thì sẽ dễ sinh kiêu. Mà, tự kiêu vốn là bản tính của con người, nó thai nghén từ sâu trong cõi lòng. Nhận trách nhiệm, thay cho sự hào hứng xin vâng ban đầu là những dùng dằng, đôi co, khó chịu, thậm chí cố tình trễ nãi. Cái tôi thái quá được dịp ngoi dậy. Một lần, sau thánh lễ chiều Chúa nhật, sơ nhất gọi tôi lên nói chuyện với giọng điệu rất trang nghiêm. Cuộc trò chuyện kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, về sau trở thành ký ức đáng nhớ. Sơ nói nhiều đến khả năng của mỗi người, đó là ơn riêng Chúa cho, nhưng khả năng được dùng để phục vụ cộng đoàn. Và nếu, tất cả mọi người đều có những năng khiếu như nhau, thì tôi lấy gì tự hào? Sơ chỉ vào những đoạn Thánh Kinh, các mẩu chuyện từ Cựu Ước đến Tân Ước để nhắc nhở về chuyện kiêu căng, đó là tội. Vừa nghiêm khắc, vừa sâu sắc, sơ bắt tôi xét mình, ngẫm nghĩ. Sau này, sơ đổi sang giúp xứ khác, tôi vẫn giữ liên lạc, cho tới ngày sơ nhắm mắt, từ giã cuộc đời.
Tôi biết ơn vì những roi vọt đúng lúc. Nếu không có sự can thiệp nhẹ nhàng mà nghiêm túc, ắt hẳn, ngọn lửa tự kiêu ấy sẽ còn bùng cháy. Lâu dần, ít nhiều ảnh hưởng đến nhân cách. Kỳ thực, có những bài học, trên con đường trưởng thành, nhờ va chạm mới nhận ra được. Cho dẫu gia đình có giáo dục kỹ càng đến mức nào thì tội lỗi vẫn luôn có dịp để phát sinh. Tôi may mắn vì có được người thầy - người nữ tu tận tâm, kịp thời sửa dạy. Nhờ lời sơ, tôi ý thức hơn những được mất trong cuộc đời mình. Những năng khiếu, thành công tất cả đều do Chúa. Bởi, “ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công!” (Tv 127,1).
THU HUYỀN
Bình luận