Xin kể chuyện 12 địa chi (quen gọi 12 con giáp) cho vui, nhưng qua đó lại nhận ra vấn đề Nam âm và ngữ hệ Nam Á của tiếng Việt chúng ta.
1. |
Đây, kể tên các con vật được dùng làm biểu tượng cho mỗi năm (theo địa chi): năm con chuột, năm con trâu, con mèo, con rồng, con rắn, con ngựa, rồi năm con dê, con khỉ, con gà, con chó, con heo (con lợn) - thảy đều là Nam âm.
Cũng theo thứ tự vừa kể, đọc theo âm Hán - Việt, là: thử 鼠, ngưu 牛, miêu 貓, long 龍, xà 蛇, mã 馬, dương 羊, hầu 猴, kê 雞, cẩu 狗, trư 豬.
Như đang thấy, trong nam lẫn ngoài bắc đều nói tên các con vật (dẫn trên) bằng Nam âm, không dùng âm Hán - Việt, không ai đi nói “năm con thử”, “năm con ngưu”, “năm con miêu”, “năm con long”, “năm con kê”... Chúng ta đều ưu tiên dùng Nam âm.
Nếu sử dụng phương ngữ vùng miền, mà thuộc Nam âm, thì ưu tiên sử dụng. Tỉ như “con lợn” (ngoài bắc), “con heo” (trong nam) vẫn giữ, chớ không trục xuất để thay bằng âm Hán - Việt kêu là con “trư” (豬).
Thương thay, có duy nhứt một con vật được gọi là “con cọp/hùm” nhưng trên nhiều cuốn sách tờ báo không gọi như vậy. Ở ngoài bắc, có không ít người đọc tên 11 con giáp bằng Nam âm (liệt kê đầu bài viết), nhưng riêng “ông ba mươi” này thì… gọi là con hổ. Ồ, “Hổ” là âm Hán - Việt (虎), trong khi “cọp/hùm” là Nam âm. Mắc gì quên béng chữ Nam âm này để dùng âm Hán - Việt?
Dùng “con Hổ” (không gọi “con Cọp”) mà không thấy lấn cấn chi hết vì dẹp bỏ Nam âm. Vậy, quý bạn thử tưởng tượng nếu học tập theo lối này rồi gọi “con thử”, “con long”, “con dương”, “con kê” mà không gọi “chuột”, “rồng”, “dê”, “gà” nữa, có thấy xốn xang không?
Cọp mẹ và cọp con - “cọp” thuộc Nam âm (chữ Nôm ?, ký tự này không có trong chữ Hán), còn được gọi là “hùm” cũng Nam âm (chữ Nôm ?, không có trong chữ Hán); trong khi “hổ” là âm Hán-Việt của chữ Hán 虎). |
2. |
Có thể nêu ra một số ví dụ: con vật biểu tượng cho con giáp thứ nhứt, trong Nam âm là “chuột”, bên tiếng Khmer gọi /chout/ (ជូត); con giáp thứ năm, trong Nam âm là “rồng”, tiếng Khmer đọc /ron/ (រោង); con giáp thứ mười, Nam âm gọi là “gà”, tiếng Khmer đọc /rka/ (âm “k” đọc như âm “g”) (រកា); con giáp thứ mười một, Nam âm đọc là “chó”, bên tiếng Khmer đọc /co/ (âm “c” đọc như âm “ch”) (ច)…
Trong tiếng Khmer, con giáp thứ ba đọc là /khāl/ (ខាល), tương cận với “khái”, phương ngữ Nghệ An hiện nay đọc “khái” nghĩa là con cọp. “Khái” có mặt trong tiếng Mường được xem là tiếng Việt ngày xửa xưa.
Thêm nữa là con “cúi”. Trong cuốn Đại Nam quấc âm tự vị của Huình [1] Tịnh Của, giải thích “cá cúi” là “cá heo”. Tiếng Mường gọi con “heo/lợn” là “cúi”.
Con giáp thứ mười hai, trong tiếng Khmer đọc là /kur/ (កុរ), theo Michel Ferlus, là vay mượn từ âm “cúi” trong tiếng Việt - Mường.
3. |
Nam âm đóng vai trò hệ trọng trong việc tạo bản sắc cho tiếng Việt. Nếu chỉ dùng toàn âm Hán - Việt, tiếng Việt sẽ trở thành một phiên bản của Hán ngữ không hơn không kém, như Hán - Quảng, Hán - Tiều, Hán - Mân... là những phiên bản của Hán ngữ, tức mỗi nơi dù nói tiếng khác nhau nhưng đều lọt thỏm trong Hán tự.
Tiếng Việt thì khác, Nam âm (quốc âm) bướng bỉnh đứng ngoài Hán tự: chữ Hán không tài nào “nhốt” được hệ thống Nam âm.
NGUYỄN CHƯƠNG
1 HọHuìnhcủa ông xuất hiện với chữ I ngắn, nhiều sách vởkhi nhắc tới ôngđều dùng I ngắn như nguyên văn để tỏ lòng kính trọng, dù có thể không đồng ý với chữ I ngắn này. Đó cũng là một nét đẹp của giới cầm bút có văn hóa.
Bình luận