Quê cha đất tổ của tôi ở giáo phận Bùi Chu, một giáo phận toàn tòng, cứ cách vài cây số lại có một giáo xứ mà mỗi xứ có một thánh đường với kiến trúc cổ kính mang nét đặc trưng cả Âu lẫn Việt. Sau này, được đi đến nhiều vùng miền của đất nước, tôi nhận ra mật độ các thánh đường Công giáo ở Bùi Chu là khá dày đặc, không phải nơi nào cũng được như thế.
Ở xứ đạo quê, trước mỗi mùa Giáng Sinh, không khí rộn ràng lan tỏa khắp nơi. Hầu như mọi người, từ già trẻ lớn bé, ai cũng đều tham gia với việc giăng cờ, kết hoa, làm hang đá, treo đèn, rồi thì tập hát tập múa… để phục vụ cho thánh lễ vọng Giáng Sinh. Và đến lễ nửa đêm, khi cha chủ tế loan báo cùng cộng đoàn: “Emmanuel, Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ sinh làm người!” thì lập tức tiếng chuông giáo đường đổ vang; không chỉ một mà gần như cùng lúc, chuông của các thánh đường lân cận đều cất lên để hòa vào nhau, ngân dài trong đêm đông chào mừng hài nhi Giêsu ra đời. Giờ phút ấy thật thiêng liêng. Sự an lành mà Thiên Chúa ban cho khiến ai cũng đều cảm thấy như cầm nắm được. Khuôn mặt mọi người đều rạng ngời hạnh phúc!
Ông bà chúng tôi đã về với Chúa nhưng truyền thống mừng lễ Giáng Sinh vẫn được đại gia đình gìn giữ hằng năm. Dù mái ấm nhỏ của tôi hiện ngụ ở một xứ đạo trong Nam, song không hề vơi đi tâm tình sốt sắng, cả nhà cùng dọn mình đón Chúa Hài Đồng trong niềm xúc động sâu xa. Ai nấy đều nhận ra bầu khí của lễ Vọng đêm 24.12 luôn đem đến sự tôn kính thiêng liêng và an bình trong tâm hồn. Mọi người lắng nghe từng hồi chuông trong niềm hân hoan, náo nức.
Hai ngàn năm qua, tiếng chuông Giáng Sinh luôn là thông điệp của niềm hy vọng và tin yêu tốt lành. Dù ở quê hay phố thị, trong tâm khảm tôi, thanh âm của chuông Noel thật ấn tượng, như xua đi giá rét, lan tỏa tình thương nồng ấm giữa người với người…
VĨNH LỘC
Bình luận