Hiện tượng về ngôn ngữ vùng miền của xứ mình làm phong phú văn hóa, thêm nét đặc thù cho từng khu vực địa lý. Miền Tây Nam bộ từ xa xôi đã hình thành một chất giọng cùng ngôn ngữ tiếng Việt có nét riêng, cũng như “nét” của các vùng thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ… Nét riêng ấy thuộc ngôn ngữ sinh hoạt ở thôn ấp, giao tiếp thường nhật từ đời này qua đời khác trong dân gian, không phải thuộc về ngôn ngữ hàn lâm sách vở.
![]() |
Tiếng quê miền Tây - đậm đặc hơn ở nông thôn và theo thời gian hòa quyện đến các vùng miền khác của đất nước một cách dễ thương. Trong rất nhiều trường hợp đến mức phổ biến, tiếng quê này chính là biến tấu của ngôn ngữ Việt chuẩn mực chính thống. Tỷ như, người miền Tây hay nói: “ngày mơi…”, tức ngày mai. “Mơi” chính là biến tấu về âm của “mai”. Hay từ “dai” cũng là một ví dụ tương tự, chỉ nội dung “lâu”: Thiếu tiền dai như đỉa, thịt gì dai nhách… Dân miền Tây cũng thích xài cụm từ “mèn đéc ơi” khi bày tỏ sự bất ngờ, sửng sốt, kiểu như: “gì nhiều vậy, mèm đéc ơi!”. Từ “bảnh” cũng hay được dùng, chỉ sự ngon lành, hết sẩy, tuyệt vời, vừa ý… Hiện tượng sự vật được dùng từ “bảnh” coi như đạt, tốt: “Cậu này bảnh quá! (đẹp trai), “chiếc xe bảnh thiệt”… Thêm một thành tố nên một từ rất lạ với các vùng miền khác “bảnh tẻn”: “em nhìn bảnh tẻn quá!” (quần áo đẹp). Liệt kê tập hợp căn bản tiếng quê miền Tây là cả một công trình dày dặn.
Có thể nói tiếng quê ấy sống cùng thôn ấp nhiều đời, một dạng di sản phi vật thể vùng, không thuộc ngôn ngữ chuẩn mực chính thống, không vào sách vở hàn lâm… nhưng các nhà văn có tài, lại là con của đồng bằng khi chấp bút đã khai thác tinh tế kho tàng tiếng quê ấy để thể hiện vùng đất cùng con người nơi đây, lột tả hồn vía vùng sông nước, như nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một điển hình, thế hệ trước của cô - nhà văn, nhà khảo cứu Sơn Nam cũng thuộc bậc thầy trong thủ pháp khai thác tiếng quê miền Tây trong các trước tác.
Thật thú vị khi Sài Gòn và các nơi khác trong nước thích dùng tiếng quê miền Tây pha lẫn trong giao tiếp đời thường, trên mạng..., điều đó chắc giống tâm lý thích mặc áo bà ba, chèo xuồng ba lá khi bà con có dịp về thăm vùng đất này.
NGUYỄN THÀNH CÔNG (Bạc Liêu)
Bình luận