Hiện nay, quan hệ giữa thầy và trò có phần phai nhạt. Thầy cô vì kinh tế mở lớp dạy thêm và dùng điểm số ép học trò đi học. Trò lại sử dụng mạng xã hội “bôi bác” giáo viên. Tuy nhiên, nhìn lại nhiều thế hệ, vẫn còn đâu đó những mối dây tình cảm thầy trò bất chấp thời gian.
Cô Phạm Hà Thu, một giáo viên hưu trí xúc động kể về người học trò mấy chục năm về trước, khi cô còn trẻ, được phân đi dạy học ở Chơn Thành, thuộc tỉnh Sông Bé cũ (nay là Bình Phước): “Dạy ở đây một thời gian, tôi chuyển về Sài Gòn, có cho học trò địa chỉ và hẹn nếu có dịp, ghé nhà chơi. Không ngờ một buổi tối mưa gió, có tiếng gọi cửa, tôi ra mở, nhận ra em học trò cũ ngày nào. Em hiện là tài xế xe hàng, đã có vợ con và ghé thăm cô giáo xưa”. Từ đó, hễ có chuyến tải hàng ngang Sài Gòn, cậu học trò này đều ghé nhà cô, có hôm chỉ thăm hỏi, hôm ở lại dùng cơm. Thi thoảng, cậu còn giúp cô giáo già những việc cần trong khả năng như thay dùm chiếc bóng đèn hư, nối ống nước, thậm chí thông đường cống bị nghẹt… “Có được những học sinh như thế thật đáng quý và là niềm an ủi vô cùng”, cô Thu tự hào.
Nghề giáo như làm dâu trăm họ. Không phải học trò nào cũng ngoan ngoãn nghe lời, cũng có trò đến lớp thường xuyên quậy phá. Tuy nhiên, cô Nguyễn Hồng Xuân, nguyên hiệu phó trường THPT Đa Phước, Bình Chánh (TPHCM) hồi tưởng: “Lúc đi học, nhiều học sinh nghịch ngợm, bướng bỉnh, thậm chí bị liệt vào hàng cá biệt. Vậy chứ khi lớn lên, vào đời, những em từng làm thầy cô đau đầu lại quay về thăm hỏi, giúp đỡ thầy cô, có khi tận tình hơn cả những em vốn ngoan hiền”. Cô Xuân kể tiếp những lúc mẹ mình nằm viện, chính mấy học sinh thường gây rối trong lớp lại đến giúp cô chăm sóc mẹ. Khi nhà có giỗ chạp, cũng chính các em này đến phụ che rạp, quét dọn nhà cửa… Nhiều em xem cô như người thân, chân thành chia sẻ những khó khăn và nhờ cô tư vấn. Từ đó mối dây liên kết cô trò ngày càng gắn bó.
Trong đời sống giáo viên càng muộn phiền bao nhiêu thì lúc tuổi già, nói không ngoa, càng ấm áp bấy nhiêu với bao tình cảm của những học trò hiếu đạo. Cô Lê Minh Tâm (ngụ Q1, TPHCM) khi đến tuổi 60 thường bị đau khớp. Một lần, đi khám bệnh tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cô bỗng nghe có tiếng gọi tên mình một cách mừng rỡ. Quay lại thì ra là một học sinh cũ của cô đang là điều dưỡng ở đây. “Em ấy làm trong khoa vật lý trị liệu, khi biết bệnh tình của cô giáo, đã tự nguyện đến nhà giúp tôi tập vận động các khớp tay chân. Cô trò còn thường cùng nấu nướng, ăn uống vui vẻ… Chồng tôi không còn, các con thì đi làm ăn xa, có em học sinh cũ đỡ đần, hủ hỉ khiến tôi quên đi tuổi già hiu quạnh. Nếu cho làm lại từ đầu, tôi vẫn chọn nghề giáo”, cô Tâm chân tình.
Nghề giáo tìm được niềm vui riêng với những thế hệ họ trò sâu nặng nghĩa tình - ảnh minh họa |
Trần Thị Thanh Vân, cô sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế, đến giờ vẫn không quên cô giáo dạy mình từ thời lớp 1. Hồi ấy, ba mẹ Vân là công nhân nhập cư, không có điều kiện cho con đi học trước nên khi vào lớp 1, cô bé hoàn toàn chẳng biết mô tê gì. Cô chủ nhiệm lúc đó là cô Huệ đã cầm tay Vân nắn nót từng chữ. “Mới học, chữ viết hơn cả gà bới nhưng cô vẫn cho điểm trung bình để khuyến khích tôi. Cô bảo ba mẹ đưa tôi đến nhà học miễn phí vì cô hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Nhờ sự nhiệt tình của cô, chỉ sau 3 tháng, tôi đã đọc viết được trơn tru”, Vân nhớ lại. Nay đã là sinh viên, người bạn trẻ này vẫn dành cho cô giáo thời tiểu học của mình một tình cảm đặc biệt. Đi làm thêm có lương, ngoài phần tiền dành đóng học phí, Vân luôn có quà cho cô Huệ mỗi tháng. Khi thì hộp sữa, lúc thì gói cà phê ngon, có khi là chục trứng gà…
Không chỉ cô giáo, có những người thầy cũng trở thành điểm tựa cho học sinh, kể cả khi các em đã rời trường nhiều năm rồi. Ông Phạm Khôi, 50 tuổi (Q3, TPHCM) vẫn thường đưa cháu ngoại, nội và trước đây là con đến thăm thầy Khánh, người thầy cũ nay đã về hưu. Trong ký ức của ông Khôi và nhiều bạn bè, thầy Khánh ngày nào luôn quan tâm đến học trò, đặc biệt là những em yếu. Thầy từng mở lớp dạy thêm và miễn phí cho các học sinh nghèo hoặc gia đình đông anh em. “Chúng tôi quý thầy lắm vì sự ân cần, tận tình của thầy xưa, giờ nhiều thế hệ học trò ra trường, đi làm vậy chứ vẫn đến thăm thầy khi có điều kiện, bất kể ngày nào chứ chẳng cứ gì là 20.11 hay mồng 3 Tết…”, ông Khôi nói.
Trong xã hội được cho là thực dụng hôm nay, vẫn lẩn khuất đây đó những tình cảm thầy trò thật ấm áp và đầy cảm động. Cũng chính nhờ những học sinh vẫn giữ trọn tình nghĩa, lòng biết ơn khi đã trưởng thành nên dù công việc dạy dỗ có mệt mỏi đến đâu, các thầy cô cũng vẫn tìm được niềm vui riêng để tự hào với nghề.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận