“Trên đường Emmaus, hai người lữ khách bước đi bên nhau. Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài. Này Ngài tiến đến, về Emmaus tiến bước theo ngay bên. Họ không trông ai, người lữ khách đó chính là Ngài…”. Bản nhạc nổi tiếng của linh mục Thành Tâm đã nói lên một đoạn trong Kinh Thánh cũng như chính trong cuộc sống của mỗi người: Có những lúc chúng ta gặp Giêsu mà không hay biết, trong thân phận nghèo nàn hoặc trong vị trí quên mình phục vụ như khi Ngài còn ở dưới thế…
Biết bao tín hữu cũng là những “chứng nhân” khi bỏ thời gian, công sức, tiền của để làm việc bác ái
|
Thấy Chúa nơi những người bé mọn
Là người Công giáo, hẳn ai cũng nhớ Lời Chúa, khi phụng sự cho những anh em nhỏ bé nhất, chính là phụng sự Thiên Chúa. Vì vậy, bất cứ ai có lòng nhân ái đều thấy Thiên Chúa hiện diện trong những con người yếu thế và mình cần nâng đỡ… Ông Đặng Văn Thế (sống tại tiểu bang Texas (Mỹ) từng kể, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, lượng người Việt sang định cư Hoa Kỳ rất nhiều. Để giúp người nhập cư dễ hội nhập, chính quyền Mỹ sẽ giảm thuế cho doanh nghiệp nào nhận người nhập cư vào dạy nghề và tạo công việc. Là một kỹ sư du học Hoa Kỳ từ thập niên 60, ông Thế đã ổn định đời sống, có cơ sở làm ăn riêng… Nhìn những đồng hương ngơ ngác trước cuộc sống mới, trong lòng ông dậy lên một sự thương cảm sâu xa. Ông tích cực giúp đỡ, chỉ dẫn để họ có thể học nghề và có một công việc. “Mình làm thế không phải để công ty được giảm thuế, mà tự nhiên, như thấy được hình ảnh của Chúa Giêsu qua những người bôn ba, cần lao… đang loay hoay xoay sở trên đất khách quê người”, người Việt kiều ở tuổi 70 chia sẻ.
Mời người đang đói một bữa ăn là cách mà không ít người đã làm để sẻ chia chút nhọc nhằn với anh chị em xung quanh. Bà Trần Thị Lan, 66 tuổi (Q.3, TPHCM) cho biết, bà từng có niềm hạnh phúc sâu xa khi được nhìn thấy một cụ già bán vé số ăn uống ngon lành bữa ăn mà chị đã mời: “Hôm ấy đi làm về, tôi ghé vào một quán ăn tự thưởng cho mình món bột chiên với trứng. Tôi thấy cụ bà ngoài 80 tuổi lụm cụm vào quán bán vé số. Nhìn vẻ mặt mệt mỏi của cụ, đoán chắc cụ đã đi bộ một chặng dài và cũng đã đói nên tôi mời cụ một bữa bột chiên trứng và ly cà phê sữa đá. Cụ ăn và uống rất ngon khiến lòng mình vui vui khó tả!”. Cũng tương tự, chị Nguyễn Thị Huỳnh, 36 tuổi, một tiểu thương ở chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3) không quên cái lần chị đang đi bộ từ chợ về nhà, vào hẻm thì gặp hai bà cháu nọ đang nói chuyện. Nhìn dáng vẻ biết họ là những người lam lũ trên đường. Đứa cháu khoảng 10 tuổi than đói, người bà khoảng 60 nhưng già hơn tuổi rất nhiều nói “lúc sáng cháu đã ăn rồi mà”. Đứa bé nói chưa no. Người bà an ủi “ráng trưa về nhà ông chủ ăn”. Với lo ngại làm giàu cho những kẻ “chăn dắt” người ăn xin, nên chị Huỳnh không cho tiền hai bà cháu, nhưng chị cũng không thể làm ngơ khi biết họ đang đói. Chị đưa ngay hai bà cháu đến hàng hủ tíu trong xóm, kêu cho cả hai mỗi người một tô đặc biệt. Người bà ngần ngại xin gói xôi thôi, song chị nói cứ ăn hủ tíu, rồi mua thêm cho hai bà cháu mỗi người một gói xôi để trưa ăn tiếp. Chị thành thật: “Nhìn hai bà cháu lang thang, thấy thương lắm. Một già phải còn kiếm sống. Một trẻ chưa đến tuổi lao động cũng phải bị đẩy ra đường kiếm cái ăn. Tôi luôn nhớ Lời Chúa dạy “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”… nên khi gặp những tình huống cần giúp thì mình cứ làm, như vậy cũng là sống theo tinh thần Tin Mừng…”.
Không chỉ ông Thế, bà Lan hay chị Huỳnh, bất cứ ai có chút lòng nhân đều sẵn sàng chia sẻ những gì mình có cho người bất hạnh hơn. Đặc biệt với người Công giáo, khi làm vậy cũng là lúc là họ đang phụng sự Thiên Chúa trong hình hài những người bé mọn của cuộc sống.
Sẻ chia cùng người nghèo vùng xa vùng sâu…
|
Và thấy Chúa trong hình ảnh người phục vụ
Thiên Chúa không chỉ nơi người bất hạnh, nghèo khó, mà còn nơi những người dám hy sinh của cải vật chất, cuộc sống tiện nghi, cả tuổi thanh xuân để phục vụ cho người kém may mắn.
Trong suốt bao thế kỷ, Việt Nam cũng như các nước châu Á, châu Phi… đã đón nhận biết bao tu sĩ thừa sai từ các nước phương Tây đến truyền giáo, xây nhà thờ, thành lập dòng tu, giúp đỡ người cô thế… Và ở thế kỷ thứ 21, Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn phát triển mạnh nhờ những linh mục, tu sĩ dám dấn thân cho Chúa. Không chỉ có các tu sĩ, biết bao tín hữu cũng là những “chứng nhân” khi bỏ thời gian, công sức, tiền của để làm việc bác ái. Có những nhóm từ thiện hoạt động mạnh mẽ nhưng âm thầm như tổ chức Tấm Lòng Vàng. Đây là một nhóm gồm những công chức, nhân viên… đang làm việc ở các công ty. Họ cùng hùn tiền nhau hàng năm đến các nơi vùng sâu, vùng xa hỗ trợ trẻ em nghèo những tập sách giáo khoa, thực phẩm, quần áo, mùng mền và cả xe đạp làm phương tiện cho trẻ nhà xa trường… Thực tế, ở các giáo xứ, cũng không thiếu những anh chị em tham gia trong các nhóm bác ái - Caritas… Mỗi mùa lễ như trước Giáng Sinh hay Phục Sinh…, họ lại có các chương trình giúp đỡ người nghèo, đi làm công tác xã hội đây đó. Nếu như ai đó từng thấy Chúa nơi những người đau khổ, bất hạnh… thì chúng tôi cũng thấy Chúa nơi những “chứng nhân” của Người. Có dịp trò chuyện với một chị bạn sống ở quận 12 - TPHCM, dù chưa gia nhập đạo nhưng chị “tin có Chúa ngự trên cao” và vẫn tham gia những chuyến thiện nguyện đi về vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau để giúp người dân ở đây xây cầu, đào giếng, tìm đầu ra cho các sản phẩm “cây nhà lá vườn”… Chị kể: “Con cái đã lớn, mình về hưu. Ở nhà làm gì khi mình còn có thể giúp người yếu thế hơn. Mình giúp bà con xây chiếc cầu thuận lợi cho sinh hoạt. Mọi người vui mừng, mình vui gấp mấy lần họ. Nước sông rạch không tốt, chúng tôi lại đóng góp đào giếng. Cứ 2, 3 nhà một giếng nước hoặc gia đình nào ở xa thì mỗi nhà một giếng. Có nước sạch, họ mạnh khoẻ, mình cũng vui. Tôi ở thành phố, nhờ quan hệ buôn bán, có cả bán trực tuyến thì giúp những người lao động tìm chỗ bán sản phẩm của họ…”. Vâng, với tôi, những gì chị bạn và nhóm của chị đang làm, đã hiển hiện hình ảnh một Giêsu giữa đời thường. Tôi đã thấy Chúa trong họ…
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận