Ai đó đã nói rằng: con tàu đi biển bị bão tố đánh chìm mà có khi vì một lỗ thủng dưới đáy. Nhiều gia đình, dòng họ cũng thế.
Có nhà kia trước giờ được bạn bè, hàng xóm coi trọng vậy mà đang yên đang lành, các con đều đã khôn lớn mà hai vợ chồng đột ngột “tách bầy”. Khá lâu sau, người chồng mới thổ lộ với người thân rằng ngay từ thời mới cưới, vợ làm ở khách sạn lớn, hằng ngày sống trong các tiện nghi và thức ăn đồ uống. Về nhà, mệt nhoài không thiết tha gì đến bữa tối nữa, dù đó là bữa cơm duy nhất đủ mặt gia đình. Người chồng vốn thích cơm nhà, thích bầu không khí sum họp nên luôn tìm cách động viên vợ con. Tiếc thay, mỗi lần ông đả động đến chuyện nữ công gia chánh, người vợ bấy giờ đang trên đà thăng tiến, cảm thấy chồng muốn cản trở mình phát triển; cô con gái thì luôn… giả điếc. Dù cha khuyến khích con gái đi học nấu ăn, sẵn sàng chi học phí và mua nguyên liệu về thực tập, trước hết con có được kỹ năng nữ công gia chính sau là cả nhà được ăn ngon nhưng vợ con ông vẫn bật chế độ… điếc tạm thời.
Người chồng mỗi cuối tuần muốn chiêu đãi cả nhà một bữa thịnh soạn, tranh thủ giữa hai buổi dạy học chạy đi mua rau củ, gà/cá đã được làm sạch, về bắc nồi lên bếp nấu rồi vội vã đi dạy tiếp. Kêu con gái xuống trông bếp nhưng cô bé mặt xưng mày xỉa, như muốn nói bố đã làm thì làm cho trót, đừng làm phiền người khác… Vợ con đều đi ăn ngoài nên bếp núc cứ lạnh tanh. Cái chồng muốn, vợ không cho; cái chồng có thì vợ không cần.
Sau nhiều năm, ông chồng tự lập tự cường đã lâu, dần trở nên vui vẻ, thảnh thơi hơn nhiều. Còn người vợ đã hạ cánh, rời khỏi tiệc tùng hào nhoáng, muốn quay trở về bữa cơm gia đình thì cung đàn hôn nhân đã trật nhịp.
Một gia đình nhà giáo đông con, gồm 4 trai, 1 gái. Ai chẳng nghĩ với “lực lượng lao động” hùng hậu thế này, chẳng mấy mà gia đình ấy sẽ sung túc. Quả nhiên, nhờ cái danh nhà giáo, gia đình ấy mới dễ kiếm được dâu hiền, rể quý cho các con, gia cảnh nhanh chóng phất lên. Đàn cháu lần lượt ra đời, đại gia đình đông đúc, viên mãn. Ai ngờ, vài năm sau 5 gia đình lần lượt gãy đổ, đứa cháu gái đầu tiên của cả họ bị hủy hôn. Thì ra phương châm của nhà này rất kỳ khôi: phải tìm bạn đời có thể “gánh” mình cả đời. Con trai phải lấy vợ biết vén khéo, giỏi kiếm tiền; con gái phải có chồng chăm chỉ, kinh tế vững và hào phóng với nhà vợ. Tuy nhiên phúc phần ăn mãi cũng hết, sau chục năm, dâu rể thấy mình chẳng khác nào “gà trống nuôi con” hoặc “mẹ đơn thân” nên chọn cách tháo bỏ cái toa vô dụng khỏi đoàn tàu.
Lối dạy con kiểu: con trai lấy vợ phải “nắm đầu” vợ, con gái lấy chồng phải “nắm đầu” chồng, ngay từ đầu nếp nhà đã không ổn, cuộc đời cả 5 người con đều dang dở, không hạnh phúc, thậm chí đời cháu cũng ảnh hưởng không ít.
*
Mỗi gia đình muốn tạo ra nề nếp theo hướng bình quyền hay giữ tôn ti như thời xưa đều là lựa chọn riêng, không sai cũng chẳng đúng. Bởi trên đời vẫn có những chàng trai đủ sức và muốn làm trụ cột gia đình, những cô gái thích chăm sóc người thân và làm nội tướng thay vì xông pha ngoài xã hội. Điều quan trọng là phải nhất quán trong đường lối, tránh việc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay chỉ biết vơ hết cái lợi vào nhà mình.
Cầu thủ và huấn luyện viên bóng đá Wes Fesler từng nói: “Con tàu gia đình chẳng bao giờ chìm, trừ phi nó bị thủy thủ đoàn từ bỏ”. Nhìn các cuộc đua thuyền, ghe ngo mà xem: các tay chèo chẳng những bền gan bền chí mà còn đoàn kết, gắn bó cùng nhau, cùng hướng về phía trước nhịp nhàng đưa thuyền rẽ sóng đến đích. Muốn lèo lái con thuyền gia đình lâu dài cũng thế.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận