Trót say vẻ đẹp Làng phong Quy Hòa

Khác với thời điểm khi mới bắt đầu thành lập trại phong vào những năm 20 của thế kỷ 20, khi đó nơi này dường như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, chẳng mấy ai muốn lai vãng đến trừ các linh mục, nữ tu, và những người điều trị bệnh phong. Ngày nay, khu vực trại phong năm nào với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc độc đáo, cùng nhiều câu chuyện thú vị đã tạo thành điểm thu hút với nhiều người.

Nhà thờ trong làng phong - ảnh chụp năm 1936

Quãng thời gian giữa hai lần ghé trại phong của chúng tôi là hơn 7 năm nhưng tất cả cảm xúc bình yên, sự vẹn nguyên của cảnh vật chốn này không có nhiều thay đổi. Vẫn là lối độc đạo qua hai lần vượt đèo dốc và mấy lần ôm cua ở đôi ba khúc ngoặt. Vẫn là âm thanh của biển cả dịu êm sóng xô bờ cát dài cùng hàng dương rì rào trước mặt tiền tu viện của các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ và nhà thờ Quy Hòa. Các lối nhỏ dọc ngang cùng những đường nội vi rợp bóng dừa nối các khu vực riêng trong làng phong lại với nhau cũng y nguyên sự tĩnh lặng, dịu êm… Có người định danh chốn này là trại phong theo cách gọi cũ, số khác gọi bằng tên hành chính là bệnh viện phong. Tuy vậy, cách gọi làng phong dường như thân quen và hợp lý hơn cả khi nơi đây không chỉ có khu điều trị mà còn có nhà thờ, tu viện, nhà lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử, cũng như nhà của nhiều bệnh nhân phong…

Ký ức xưa ghi lại trại phong Quy Hòa được thành lập năm 1929 do cha Paul Maheu và bác sĩ Le Moine (là người đứng đầu ngành y tế Quy Nhơn bấy giờ) : Khoảng năm 1920, cha Paul Maheu (1869-1931) đã tìm ra vùng đất yên bình, vắng lặng Quy Hòa cách Quy Nhơn khoảng 5 cây số. Chính không gian tách biệt với thế giới bên ngoài cùng bầu khí thoáng đãng của vị trí này là lý do để cha Paul Maheu chọn xây dựng khu điều trị bệnh phong và sau này cũng thành nơi sinh sống của gia đình các bệnh nhân. Sau khi thành lập, số bệnh nhân đến điều trị đông hơn, các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã được mời đến Việt Nam phục vụ người phong tại Quy Hòa. Ngày nay, trong quần thể ở trại phong vẫn có sự hiện hữu của tu viện thuộc nhà dòng. Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam của dòng cũng bắt đầu từ đây và có sự gắn bó xuyên suốt với trại phong. Theo ghi chép của dòng, ngày 24.10.1932, 5 nữ tu là Marie Gisèle (trưởng đoàn), Marie de la Résurrection, Marie de Saint-Yenan, Marie Waberta, Marie Martie du Sacré-Coeur đến Quy Hòa với sự đón tiếp nồng hậu của Đức cha Tardieu và cha Nicolas là tuyên úy trại phong cùng với đông đảo anh em bệnh nhân phong. Trước tiên, các dì đặt tên cho trại là trại phong Thánh Phanxicô Quy Hòa. Cộng đoàn các nữ tu cũng được gọi là cộng đoàn thánh Phanxicô. Công việc chăm sóc bệnh nhân, chữa bệnh - bệnh phong cũng như các bệnh khác - đã được bắt đầu từ đây. Bên cạnh đó, các nữ tu cất thêm nhiều nhà cho bệnh nhân. Năm 1937, nhà thờ được xây dựng hoàn thiện và nằm ở vị trí trung tâm. Khối nhà thờ đến nay vẫn còn gần như nguyên trạng như lúc đầu xây dựng. Nơi đây đã trở thành nơi thờ tự, đi lễ của các bệnh nhân là tín hữu Công giáo. Các nữ tu cũng tăng dần thêm và đã xây dựng tu viện cũng như xây thêm nhiều nhà kiên cố cho các gia đình người bệnh.

Dãy nhà có căn phòng lưu niệm thi sĩ Hàn Mạc Tử

Trải qua thời gian, số bệnh nhân khi trồi khi sụt nhưng họ và gia đình vẫn ở trại. Sau 1975, các nữ tu không còn trực tiếp quản lý nhưng vẫn hiện diện, cùng chia sẻ với bệnh nhân bằng đời sống phục vụ như một nhân viên, cũng như đồng hành tinh thần đức tin trong vai trò người tu sĩ. Chính vì có lịch sử xây dựng, hình thành mang nhiều yếu tố tôn giáo nên có thể thấy rất rõ nét các kiến trúc mang màu sắc Công giáo cũng như bầu khí thanh lặng khi đến đây. Ngoài một không gian sống trong lành, an tĩnh khiến lòng người như dịu lại khi bước vào, thì kiến trúc của những mái nhà, công trình trong làng phong chính là điểm thu hút đặc biệt. Còn nhớ trong lần ghé thăm trước, có dịp trò chuyện cùng mấy nữ tu sống ở đây lâu năm, được nghe câu chuyện xây dựng vô cùng ấn tượng của các nữ tu thời kỳ đầu. Theo đó, trong số các nữ tu đến trại phong phục vụ, có một người là kiến trúc sư nên đã dốc sức tổ chức trại phong thành một không gian sống lý tưởng. Đường sá ngang dọc thẳng tắp, trong trại còn có chợ, trường học cấp một, có hội trường, sân bóng giải trí và hàng trăm căn nhà ở xinh xắn được cất lên. Mỗi căn nhà một vẻ khác nhau khiến trại phong như một khu phố. Người bệnh sau khi điều trị, được cùng với gia đình ở từng nhà riêng, mỗi nhà mang kiểu dáng theo sở thích theo sự khích lệ sáng tạo của các nữ tu. Vì làm được cả gạch bông nên các nữ tu đã cùng người bệnh sáng tạo nhiều mẫu mã khác nhau, tạo nên sự đa dạng cho không gian sống mang dấu ấn cá nhân riêng… Làng phong trải qua gần một thế kỷ dường như luôn gây bất ngờ cho ai tình cờ ghé tới đây bởi vẻ tươi sáng hiếm thấy của một nơi dành cho việc chữa bệnh.

Nếu quan sát kỹ, có thể thấy dường như có một sự tính toán rất nhiều cho tình trạng y tế của bệnh nhân khi xây dựng trại phong. Sàn ở khu điều trị, nhà ở được lát gạch, xây thang có ít bậc, lối đi rộng rãi, và đặc biệt không có hàng rào nào. Tất cả như để hỗ trợ những bệnh nhân nặng với nhiều dị tật cơ thể. Các khu vực chung được chăm chút với những hàng ghế, bóng cây. Có những chỗ được thiết kế như một công viên nhỏ để hóng mát vì người sống trong viện chẳng mấy khi đặt chân ra khỏi đây. Người bệnh có thể đi lại dễ dàng, có thể mở cửa ngồi trước phòng nhìn ra những khoảng sân rộng mát… Như đã nói ở trên, trong làng phong rất dễ bắt gặp các tượng đài, tượng thờ, hang đá… mang yếu tố Công giáo. Dường như ý hướng từ ban đầu khi xây dựng là để xoa dịu và truyền động lực cho những mảnh đời bất hạnh nên những tác phẩm điêu khắc này đã hình thành. Các tông màu của tượng đa số đều là gam trắng, kem, không sặc sỡ, tạo thành tổng thể rất quyện với màu của tất cả các công trình khác.

Kiến trúc nhiều công trình xây dựng trong làng phong trở thành điểm thu hút với nhiều người

Giữa làng phong còn có một gian nhà được giữ thành nhà lưu niệm của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Người ta gọi ông là cư dân danh tiếng ở đây. Căn phòng nhỏ khoảng 25 m2, chia làm hai gian là nơi thi sĩ đã tạm cư khi đến đây điều trị vào năm 1940, lúc bệnh đã chuyển nặng. Ông mang số bệnh nhân 1.134. Trong khuôn viên làng phong cũng còn ngôi mộ trống, nơi từng an táng nhà thơ lúc ban đầu. Hiện mộ mới của ông nằm ở đồi thi nhân gần cổng vào Khu di tích Ghềnh Ráng…

Cách đó chỉ ít cây số, thành phố Qui Nhơn sôi nổi, cơ sở hạ tầng được xây dựng nhanh đến chóng mặt, nên ngôi làng nhỏ xinh xắn này bây giờ cũng khó tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài như ngày trước. Dù từng là một nơi chốn đơn côi, hiu quạnh…, nhưng làng phong hiện tại là thiên đường chụp ảnh với nhiều người. Ai đó có thể xem đây là một sự thay đổi kỳ quặc, nhưng có lẽ một chương lịch sử cũ của làng phong đã qua.

MINH HẢI

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Dành thời gian cho con
Dành thời gian cho con
Một buổi chiều nọ, trong lúc cả nhà đang dạo chơi công viên, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng trẻ đang nô đùa với đứa con nhỏ của mình.
Chọn đối diện,  đừng chọn lảng tránh!
Chọn đối diện, đừng chọn lảng tránh!
Cô gái sinh trưởng trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ đều tiến bộ, tâm lý trong cách dạy con, từ bé đã tự tin, dạn dĩ, năng động và có chính kiến. Đến tuổi thiếu nữ, cô đem lòng yêu một anh chàng khác hẳn mình: Hiền lành,...
Ba tôi ở nhà thờ Thánh Phaolô
Ba tôi ở nhà thờ Thánh Phaolô
Chúng tôi trao đổi danh thiếp. Nhìn dòng địa chỉ, tôi buột miệng: “Chị ở khu Tên Lửa à? Ba em nghỉ ngơi ở nhà thờ Thánh Phaolô, nên em cũng thường ngang hướng đó”.
Dành thời gian cho con
Dành thời gian cho con
Một buổi chiều nọ, trong lúc cả nhà đang dạo chơi công viên, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng trẻ đang nô đùa với đứa con nhỏ của mình.
Chọn đối diện,  đừng chọn lảng tránh!
Chọn đối diện, đừng chọn lảng tránh!
Cô gái sinh trưởng trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ đều tiến bộ, tâm lý trong cách dạy con, từ bé đã tự tin, dạn dĩ, năng động và có chính kiến. Đến tuổi thiếu nữ, cô đem lòng yêu một anh chàng khác hẳn mình: Hiền lành,...
Ba tôi ở nhà thờ Thánh Phaolô
Ba tôi ở nhà thờ Thánh Phaolô
Chúng tôi trao đổi danh thiếp. Nhìn dòng địa chỉ, tôi buột miệng: “Chị ở khu Tên Lửa à? Ba em nghỉ ngơi ở nhà thờ Thánh Phaolô, nên em cũng thường ngang hướng đó”.
Nhớ quê
Nhớ quê
Sáng nay đi tập thể dục về ngang qua dãy nhà trọ, chị chợt xao xuyến khi nghe câu hát ru vẳng ra: “Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng - Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa…”. Ðã từ lâu, chị chưa về thăm vùng sông nước...
Trong làn khói hương
Trong làn khói hương
Em bé theo chân mẹ thắp hương nơi nghĩa trang các linh mục thuộc dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc trong một buổi sáng rực nắng vàng. Bé gái nói lý do muốn phụ mẹ thắp nhang vì nghĩa trang có rất nhiều ngôi mộ…
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Tuổi thơ tôi lớn lên trong một xóm lao động ở Gò Vấp, ngay sau lưng ngôi thánh đường cổ kính Hạnh Thông Tây, gọi là “xóm nhà thờ”, nhưng có chưa đến phân nửa số gia đình trong xóm theo đạo Công giáo.
Từ việc tăng, giảm nguồn nhân lực trong Giáo hội
Từ việc tăng, giảm nguồn nhân lực trong Giáo hội
Vatican vừa công bố thống kê về nhân lực trong Giáo hội. Số tín hữu gia tăng ở những vùng truyền giáo, nhưng lại giảm ở Âu châu. Số nữ tu và chủng sinh giảm.
Cơn sốt hàng giá rẻ
Cơn sốt hàng giá rẻ
Tuần qua, một vấn đề thời sự có sức thu hút, lôi kéo sự quan tâm của không chỉ người trẻ hay trung niên, mà cả những người lớn tuổi, không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, đã bàn tán rôm rả, vui có mà lo âu cũng có,...
Âm thầm góc bên Mẹ
Âm thầm góc bên Mẹ
Ông Lý Văn Sang, một tân tòng hơn mười năm nay mỗi sáng đều đến một góc nhỏ có tượng Đức Mẹ ở bệnh viện Mắt TPHCM để quét dọn, tưới cây, chăm sóc.