* Thành Thái - vị vua yêu nước, chống Pháp - đi đầu trong cổ súy chữ Quốc ngữ, thoát khỏi Hán hóa trong giáo dục.
* Hoàng đế Thành Thái đi tiên phong vào năm 1906, còn vua Khải Ðịnh (thuận với Pháp) mãi đến năm 1918 mới đề cập chữ Quốc ngữ.
Hoàng đế Thành Thái, người ra sắc lệnh cổ võ Nam âm (quốc âm), năm 1906 |
1.
Vua Thành Thái, 1879-1954, tên khai sanh là Nguyễn Phước Bửu Lân 阮福寶嶙.
Chính vua Thành Thái của nhà Nguyễn là người đi đầu trong công cuộc cải cách giáo dục, khuyến khích học chữ Quốc ngữ.
Đó là nhận định được rút ra từ khảo luận “Emperor Thành Thái's Educational Revolution” (“Cách mạng giáo dục của Hoàng đế Thành Thái”) của sử gia Liam Kelley. Theo đó, trong tàng thư lưu trữ của Đại Nam Hội Điển Sử Lệ Tục Biên cho thấy: vào năm 1906, Hoàng đế Thành Thái đã sớm ban hành một sắc lệnh là “khuyến khích giảng dạy Nam âm” (chữ Quốc ngữ).
Sắc lệnh này vô cùng quan trọng, vì khi ra lệnh sử dụng chữ Quốc ngữ là nhà vua đã công khai ý định muốn thấy tầng lớp quan lại và sĩ phu phải thoát khỏi Hán hóa trong giáo dục, văn hóa, và nhứt là tư tưởng!
Sắc lệnh của vua Thành Thái cho dạy Quốc ngữ chính là văn bản ủng hộ Phong Trào Duy Tân (1906) và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) thúc đẩy việc theo tân học và dùng chữ Quốc ngữ.
Khi sắc lệnh cho dạy Quốc ngữ của vua Thành Thái được ban ra thì nhiều thầy đồ đã thay đổi, tự học chữ Quốc ngữ để truyền dạy lại cho học trò |
2.
Vua Thành Thái là người đạo Công giáo? Không phải. Nhà vua theo đạo Phật.
Vua Thành Thái theo Pháp? Không phải, mà ngược lại là đàng khác. Vua Thành Thái là nhà vua yêu nước, chống Pháp, năm 1907 bị Pháp ép thoái vị, bị quản thúc đến năm 1916 thì bị đày sang đảo Réunion.
Cần phải nhắc lại rằng: Chữ Quốc ngữ được thành hình từ những thập niên đầu thế kỷ 17, là do nhu cầu trong “nhà Đạo” (rao giảng Ơn Cứu độ của Chúa Giêsu), với mục đích khiêm tốn là phổ biến trong các giáo xứ mà thôi. Bên ngoài xã hội Việt Nam thì vẫn là chữ Hán, chữ Nôm.
Chính giới trí thức, đặc biệt là hoàng đế Thành Thái nhận ra giá trị của chữ
Quốc ngữ [1] nên đã mượn lấy bộ chữ này - đương lưu hành trong “nhà Đạo” - để phổ
biến rộng rãi cho các tầng lớp trong xã hội nước ta.
Chữ Nôm chứa được Nam âm (tiếng nói của người nước Nam, âm thuần Việt), nhưng quá khó để học (tỷ lệ mù chữ Nôm, thời xưa, chiếm gần đến 95%). Còn chữ Hán không chứa được Nam âm, thành thử vua Thành Thái đẩy mạnh việc “thoát Hán”, thoát khỏi ảnh hưởng của chữ Hán là vì vậy!
3.
Thời xưa, bối cảnh giáo dục được dựa vào hệ thống các trường làng, các lớp do thầy đồ giảng dạy. Mỗi làng có khi lên đến vài ba trường, hoặc dạy ở nhà thầy, hoặc ở nhà người giàu có nuôi thầy cho con ăn học và cho con các nhà lân cận trong làng theo học.
Các thầy đồ dạy Hán tự, hẳn nhiên rồi. Nhưng khi sắc lệnh cho dạy Quốc ngữ của vua Thành Thái được ban ra thì nhiều thầy đồ đã thay đổi, tự học chữ Quốc ngữ để truyền dạy lại cho học trò[2]. Nhờ chữ Quốc ngữ dễ phổ cập, mà nền tảng cơ bản của tiếng Việt, rồi kiến thức vỡ lòng về sử địa, văn hóa nước Nam, luân lý… cũng giúp cho các trò dễ lãnh hội hơn.
*
Tắt một lời, ở đây cùng nhau ghi nhớ rằng:
Hoàng đế Thành Thái, một nhà vua yêu nước và là người theo đạo Phật, đã thúc đẩy việc giảng dạy chữ Quốc ngữ (là bộ chữ do các vị giáo sĩ đạo Công giáo khởi công xây dựng nền móng mà thành).
NGUYỄN CHƯƠNG
1 Đọc bài Đâu là những giá trị độc đáo của chữ Quốc ngữ?, báo Công giáo và Dân tộc, số 2364, tr.36
2 Quốc ngữ và nỗ lực “thoát Hán” của các vua nhà Nguyễn, biên khảo của Nguyễn Quang Duy.
Bình luận