Từ kinh Mân Côi đến phép ngắm Rôsa, và...

Lễ rồi, con lạc, Mẹ tìm Con / Lòng Mẹ ba ngày rất héo hon / Đoạn trở vào đền, tìm lại thấy / Con về, giữ vẹn đạo thần hôn / Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay / Xin vì sự nhiệm mầu này, xuống ơn / Cho con lòng thật ăn năn / Soi gương phúc đức, siêng năng, vâng lời.

Trên đây là trích đoạn (câu 73-80) từ tác phẩm Văn Côi Thánh Nguyện Tán Tụng Thi Ca (1) - một chuyển thể từ KINH MÂN CÔI (văn xuôi) sang ca vãn (thi ca) về Ngắm Thứ Năm Mùa Vui - Đức Bà Tìm Được Đức Chúa Giêsu Trong Đền Thánh - Ta Hãy Xin Cho Được Giữ Nghĩa Cùng Chúa Luôn - mà dân gian nhà đạo mình xưa nay quen miệng gọi là PHÉP NGẮM ĐỨC BÀ ROSA.

Bản kinh văn này từ khởi thủy (giữa thế kỷ XIX) đến nay vẫn được ca xướng suốt Tháng 10 dương lịch để dâng kính Đức Mẹ Mân Côi, nơi các cộng đoàn dân Chúa ở đồng bằng Bắc Bộ. Đọc lại và ngâm ngợi những câu thơ trên theo đúng cung giọng ca vãn xưa, tự dưng có liên tưởng, muốn dung hợp những tác phẩm thuộc thể loại “Từ, Khúc, Hành, Vãn, Ca Ngâm, và Hát Nói” trong dòng văn học cổ điển Việt Nam với Nhã ca, Gióp, Cách ngôn, Huấn ca hoặc thánh vịnh của Đavít trong kho tàng Cựu ước, ít nữa là về mặt hình thức diễn cảm. Một gặp gỡ diệu kỳ giữa đức tin và văn hóa, giữa cung bậc hàn lâm với hình hài, giọng điệu của văn chương nghệ thuật, giữa kinh sách trang nghiêm với thi ca hào phóng. Thật lạ đời, tại sao người ta không đọc buông, không đọc trơn tuột ngang bằng như lời nói (Recto Tono) cửa miệng, mà phải nhấn nhá theo vần điệu, phải vận động liền mạch liền hơi và chuyển lưu bằng chính nguồn năng lượng đặc thù của thi pháp? Có nghĩa là phải “Thi Ca Hóa” để ngân nga luyến láy, để hát xướng bổng trầm, khoan nhặt và để chắp cánh cho dòng cảm xúc trào dâng theo cung bậc ai bi hoặc rộn rã. Như thế, rõ ràng không phải là một cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ ngẫu hứng, lãng mạn. Nhưng bằng ngôn ngữ và hình tượng của riêng mình, thi ca đã bắt chuyện làm quen được, đã gắn bó đồng cảm, đã nối mạng được với những thần thiêng, những phi vật thể ở một tầng bậc khác, ở bên ngoài và trên thế giới phàm tục. Hệt như khi người vũ công ballet phải lướt đi trên mười đầu ngón chân thì chính họ đang muốn nói với ta về một thể hiện bay bổng lên khỏi mặt đất, một ước mơ đến cháy lòng. Hình thức có nội dung của nó là vậy. Độc đáo của sự tồn tại nằm ở chỗ, nó là sự thể hiện của cái vô hạn trong cái hữu hạn, của dư âm quá khứ còn vang bóng trong hiện tại và của mênh mông tinh thần trong vật chất phù du, dễ vỡ. Hóa ra, sự xuất hiện hàng loạt những Côn Sơn Ca, Quỳnh Uyển Cửu Ca, Gia Huấn Ca (đời Hồng Đức 1470-1497) và những Ngọa Long Cương Vãn, Tư Dung Vãn, Sơ Kính Tân Trang, Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc, Ai Tư Vãn, Tự Tình Khúc, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Hạnh Thục Ca, Hà Thành Chính Khí Ca (tử thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX) đã được các nhà viết văn học sử quan niệm như là một hiện tượng đột biến về văn học, một chuỗi nỗ lực hoài hủy của thi nhân Việt Nam muốn vượt thoát ra khỏi cái vòng kiềm tỏa, ức chế về vần - luật - niêm - đối vốn vay mượn của cổ thi, Đường luật. Để phóng khoáng. Để tự do. Và để thăng hoa được những tình ý thác ngụ. Trường hợp những Sấm Truyền Ca (1670) của thầy cả Lữ Y Đoan, Inê Tử Đạo Vãn (1700), Nước Trời Ca (1842) của Philipphê Phan Văn Minh, Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca, có lẽ cũng không đứng bên lề dòng chảy vồn vã hoan ca ấy.

Cũng vậy. Nếu kinh sách nhà đạo mình chỉ thuần là một mớ từ ngữ lắp ghép lại thành câu cú giáo khoa mà không kết dính thỏa hiệp với vần điệu, không hài hòa theo âm sắc cung bậc và không được xướng ca, tụng đọc, diễn nguyện rộng ra một công chúng thuần thành trong khung cảnh lễ nhạc và cảm xúc của địa phương hóa, thì việc cử hành phụng tự kia ắt sẽ không tránh khỏi những miếng mảng khô khan, xa lạ, đơn điệu và nhàm chán. Cũng may, người Việt mình, từ bẩm sinh ưa ca hát, thích ví von, sành ngâm vịnh. Và tiếng Việt của mình, quý hóa thay, lại là một ngôn ngữ giàu âm nhạc, giàu hình tượng trong biểu cảm, trong diễn đạt. Cho nên, có để tâm nghiền ngẫm lời lẽ trong kinh sách cũ, mới thấy cái dụng công của cha ông ta xưa trong việc chuyển dịch - biên soạn và tập tành - từ chữ Hán, chữ Nôm đến Quốc ngữ - đã thật sự khơi mạch bắt nguồn từ vốn liếng được chắt lọc rất kỹ từ kho tàng quý báu trời cho ấy. Từ đọc kinh, xướng kinh, nguyện kinh đến tụng kinh, vãn kinh và hát kinh. Từ cung sách đến cung kinh là cả một trường đoạn công phu và nghiêm túc, có bài bản, có chương khúc, có vần điệu và ngữ nghĩa. Nói khác đi, kinh văn nhà đạo mình vừa thấm đẫm nhạc điệu, vừa dìu dặt hồn thơ về mặt hình thức, lại vừa chuyển tải được nội dung là những mầu nhiệm, những tín điều, cùng những cảm nghiệm thiêng liêng của người đọc - người vãn dựa trên cơ sở một tâm tình đạo hạnh Việt Nam. Dường như cái cảm xúc từ cơm gạo đồng đất của đời thường tự nhiên đã được tắm rửa thanh thoát bằng mưa móc của thi ca, xực nức trầm hương gỗ quý bạch đàn, trắc bá và đã thấm nhuần đầy ơn phúc của Chúa Trời. Thơ đã là kinh trong thần vụ, đẫm vào căn cốt máu thịt trần gian.

Sử sách còn để lại khá rõ ràng những chứng cứ về cái buổi hừng đông mà Tin mừng đã linh ứng ấy: “Năm 1662, bà chị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã xin chịu phép rửa. Bà thường nghe những bản hát đạo và truyện các thánh, do một con hát ở Đàng Ngoài diễn”.(2) Ở Phủ chúa Trịnh Tráng, theo lời kể của giáo sĩ Đắc lộ : “Có bà Catarina, em gái chúa Trịnh Tráng đã đặt thành thơ vãn tất cả lịch sử đạo Công giáo... Bà làm rất hay. Đến sau vẫn còn được tất cả người có đạo truyền tụng cho nhau. Họ ngâm lên lúc làm việc ở nhà, lúc làm việc ngoài đồng hay lúc đi đường. Người biết ca nhạc còn họa nhạc vào. Rồi chẳng những người có đạo mà cả những người không có đạo cũng thích ngâm vịnh. Nhờ những thơ văn đó mà nhiều người đã trở lại đạo” (3). Như vậy, phải chăng ngay từ buổi đầu đời bên giếng thánh, cha ông ta đã biết vận dụng một cách sáng tạo lễ nhạc thi phú vào kinh sách, nguyện cầu; đã biết đưa phụng tự và việc giáo dục đức tin hội nhập vào nề nếp phong tục tập quán, vào đời sống thời vụ của làng quê xứ đạo Việt Nam: “Người Việt Nam có thói quen vừa học vừa hát... Năm 1626 ở Cacham (Thanh Chiêm): 1634 ở Hội An: Năm 1648 có 4000 giáo dân đã tụ họp tại Kẻ Bố (Thanh Hóa) để xem diễn lại sự cải giáo của Josaphat. Trong buổi lễ, có những cuộc đối thoại và âm nhạc bản xứ...” (4).

Riêng những việc thiêng liêng bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ Maria lại càng được thể hiện phong phú đa dạng hơn, cả về đức tin lòng đạo, lẫn hình thức sinh hoạt. Nhiều ngày, tháng trong năm đã biến thành những dịp lễ hội, cung hiến, hành hương, tôn vương, phạt tạ được cử hành cực kỳ sốt sắng, trang nghiêm, đầy màu sắc và thu hút đông đảo quần chúng. Đến nỗi đã nghe rung chuông cảnh báo về một trào lưu “thờ mẫu” nặng nề cảm tính ướt át ủy mị, xa rời ý nghĩa tín lý thần học!

Chỉ tính nguyên một việc lần hạt Mân Côi vào Tháng 10 dương lịch hằng năm, đã có không biết bao nhiêu lễ nghi, bài bản mang tính tu đức hoặc kinh kệ, trong đó xuất hiện khá nhiều tác phẩm ca vãn mang giá trị cao về nghệ thuật, có khả năng đóng góp vào dòng văn học Kitô giáo ở Việt Nam: Mai Côi Nguyệt, Tháng Mân Côi, Tháng Rosario, Sách Tháng Rosario Đức Bà, Sổ Các Phép lndu Họ Rosari, Tháng Rosa, Đức Chúa Bà Tự Tích Vãn, Vãn Đức Chúa Bà Môi Khôi... Trước đây, chúng tôi từng giới thiệu khái quát một trong những bản kinh Mân Côi được biên soạn theo thể ca vãn - VĂN CÔI THÁNH NGUYỆN TÁN TỤNG THI CA do cử nhân Phạm Trạch Thiện trước tác đời vua Tự Đức. Đây là một ca khúc trường thiên, gồm 252 câu thơ phức hợp (thất ngôn liên vận, lục bát và biến thể lục bát), một áng kinh văn đã thực sự đi vào lòng người và tồn tại đến nay ở nhiều cộng đoàn dân Chúa. Sở dĩ bản văn này còn sống mãi trong dòng chảy của lễ nhạc phụng tự, vì nó hội đủ những nhân tố làm nên một tác phẩm văn học nghệ thuật: Lời hay, ý đẹp, kết cấu chặt chẽ, lại có cả cung giọng như dân ca dân nhạc Việt Nam. Khi thì khấp khởi reo vui như điệu xuân nữ, lưu thủy, hành vân; lúc lại bi ai sầu tình, ủ dột như điệu lâm khốc, biệt hành (5). Kể cả điều kiện thuận lợi để dàn dựng nên một kịch bản ca vũ nhạc để diễn nguyện mang cảm xúc nghệ thuật tôn giáo, như nhận định của linh mục L.Cadière: “Việc lần hạt Mân côi (ở các giáo đoàn Bắc bộ) được chia ra từng hồi, từng lớp, có điểm bằng những bài gẫm và từng giai thoại về cuộc đời Chúa Cứu Thế, để gợi cho mọi người những tình cảm thích hợp” (6).

Càng đi sâu vào ngõ ngách địa sở quần cư và tiếp cận với sinh hoạt phụng tự, thời vụ của cộng đoàn dân Chúa là xứ đạo - dòng tu ở khắp các giáo phận trên cả nước, tôi càng cảm nhận được một thực tế là sức sống đức tin - văn hóa vẫn tiềm tàng và thể hiện rõ nét thông qua ảnh hưởng của kinh sách đạo, mà trong đó không thể không kể tới những việc thiêng liêng trong lễ hội, đặc biệt mảng ca vãn mừng kính Đức Mẹ. Riêng Kinh Mân Côi, từ lâu đã hòa nhịp vui thương mừng với những nẻo đời nắng mưa của người tín hữu Việt Nam; nay lại nảy ngành xanh ngọn, đơm thêm sắc màu rực rỡ “5 sự sáng”, kết thành một tràng chuỗi tinh tú lung linh. Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm hoa. Phải chăng đây là một thừa tiếp và cộng sinh rất đỗi thiêng liêng, để cùng Đức Mẹ suy gẫm thật sâu, thật trọn vẹn những mầu nhiệm Cứu độ của Đức Kitô.

Lê Đình Bảng

_________________________________________________

(1) Xin tham khảo tác giả Phạm Trạch Thiện trong tập này.

(2) Võ Long Tê. Lịch Sử Văn Học Công giáo Việt Nam, tr 141, Sài Gòn 1965.

(3) Linh mục. Nguyễn Hồng. Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tr 118, Sài Gòn 1959.

(4) Trương Bửu Lâm và Đỗ Văn Anh, Việt Nam Khảo Cổ Tập San. Sài Gòn 1960.

(5) Như chú thích 105.

(6) Thanh Lãng. Biểu Nhất Lãm Văn Học Cận Đại, Sài Gòn 1960..

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Về việc cấp đất tôn giáo
Về việc cấp đất tôn giáo
Tại phiên chất vấn, linh mục Martino Trần Quang Vinh, chánh xứ Đông Quang, đại biểu HĐND khóa X đã có các câu hỏi liên quan đến đất tôn giáo.
Những hoạt động của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam  trước thềm Giáng Sinh
Những hoạt động của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam trước thềm Giáng Sinh
Mở đầu cho chuỗi các hoạt động tổng kết, nhìn lại và đề ra phương hướng cho năm mới của UBĐKCGVN tại TPHCM, sáng 11.12.2024, đại diện Ban Thường trực UBĐKCGVN đã đến vấn an sức khỏe Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn tại Đại Chủng viện Thánh Giuse...
Thương sợi bắp chuối bào
Thương sợi bắp chuối bào
Thuở bé, quanh nhà tôi trồng khá nhiều bụi chuối. Phải công nhận loài cây này thực sự “có lòng” với con người, từ lá, thân, trái, củ… đều dùng được. Chỉ riêng cái bắp chuối thôi, cũng có thể làm ra vài món hấp dẫn.
Về việc cấp đất tôn giáo
Về việc cấp đất tôn giáo
Tại phiên chất vấn, linh mục Martino Trần Quang Vinh, chánh xứ Đông Quang, đại biểu HĐND khóa X đã có các câu hỏi liên quan đến đất tôn giáo.
Những hoạt động của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam  trước thềm Giáng Sinh
Những hoạt động của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam trước thềm Giáng Sinh
Mở đầu cho chuỗi các hoạt động tổng kết, nhìn lại và đề ra phương hướng cho năm mới của UBĐKCGVN tại TPHCM, sáng 11.12.2024, đại diện Ban Thường trực UBĐKCGVN đã đến vấn an sức khỏe Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn tại Đại Chủng viện Thánh Giuse...
Thương sợi bắp chuối bào
Thương sợi bắp chuối bào
Thuở bé, quanh nhà tôi trồng khá nhiều bụi chuối. Phải công nhận loài cây này thực sự “có lòng” với con người, từ lá, thân, trái, củ… đều dùng được. Chỉ riêng cái bắp chuối thôi, cũng có thể làm ra vài món hấp dẫn.
Viên đạn bọc đường
Viên đạn bọc đường
Một cô vợ bị chồng bạo hành nhưng không thể dứt khoát ra đi. Nguyên nhân chính là vì đứa con gái duy nhất rất quấn ba.
Mùa đông phố cổ
Mùa đông phố cổ
Hôm ấy, tôi đưa bạn từ phương xa đi dạo loanh quanh phố cổ. Ngồi nghỉ chân dưới tán cây sao đen, ngắm nhìn Hội An một ngày cuối năm đầy thơ mộng…
Mua sắm cuối năm: nên đủ dùng hay thỏa thích?
Mua sắm cuối năm: nên đủ dùng hay thỏa thích?
Dạo quanh các siêu thị, trung tâm thương mại những ngày này, đã thấy nhiều chương trình khuyến mãi nhộn nhịp dịp cuối năm bắt đầu được các nhãn hàng triển khai.
Hương gây mùi nhớ
Hương gây mùi nhớ
Vừa nghỉ hưu, ông Minh đã lên kế hoạch cho những ngày rảnh rỗi của mình. Được vợ đồng ý, ông lấy hết số tiền dành dụm, tìm mua một mảnh đất nhỏ ở ngoại thành yên tĩnh, xây căn nhà cấp 4 cho hai vợ chồng an hưởng tuổi...
Hành hương đến Tắc Sậy
Hành hương đến Tắc Sậy
Bà con dành cho cha Diệp niềm yêu mến, sự nâng đỡ tinh thần một cách đặc biệt, và tin cha luôn cầu bầu cùng Chúa ban ơn cho những điều khấn nguyện.
Từ một quà tặng dịp thụ phong linh mục
Từ một quà tặng dịp thụ phong linh mục
Nhà thờ ngày Chúa nhật trong ngoài đều có lớp giáo lý. Dưới tán cây bàng, người nữ tu cao niên đứng giữa các anh chị vào đời thuyết giảng