Trên tuần báo CGvDT số 1989, ngày 02-01-2015, qua bài viết Cụt hứng, linh mục Piô Ngô Phúc Hậu kể chuyện này:
Rất nhiều người không có Thánh Kinh trong gia đình, thì không xấu hổ; nhưng nếu nhà thờ không có tháp chuông thì không chịu nổi. Một lần kia, ba ông đại diện của một giáo họ đến gặp mình. Sau khi xuất trình giấy giới thiệu của Đức Giám mục và bản vẽ nhà thờ, các ông vào đề:
Việc sở hữu sách Kinh Thánh Tân Ước là điều cần thiết của mỗi giáo dân |
- Nhà thờ giáo họ chúng con đã xây xong, chỉ còn thiếu hai cái tháp chuông. Xin cha giúp đỡ chúng con với.
- Họ đạo các ông có bao nhiêu giáo dân?
- Họ đạo chúng con có bốn trăm giáo dân.
- Có bốn trăm giáo dân mà xây nhà thờ lớn quá làm chi vậy?
- Thưa cha, không xây như thế, thì thua người ta sao.
- Các ông xem nhà thờ của tôi có tháp đâu.
- Nhà thờ mà không có tháp, thì không phải là nhà thờ cha ạ.
Linh mục kết thúc câu chuyện với niềm cảm thông và suy nghĩ như sau:
Câu nói ấy phát xuất từ một tâm hồn rất chân thành. Chân thành nghĩ như thế. Chân thành phát biểu như vậy. Cũng đáng trân trọng. Nhưng mình nghĩ thầm trong bụng: Có nên tiếp tục nghĩ như thế nữa không? Và mình cũng tự hỏi: Họ đạo ấy đã có Thánh Kinh và thường xuyên đọc Thánh Kinh trong gia đình chưa? Nếu chưa có Thánh Kinh trong mỗi gia đình, thì đừng quên rằng với số tiền xây hai ngọn tháp ấy người ta có thể mua được mười mấy ngàn cuốn Tân Ước đấy.
Linh mục kể chuyện bên Công giáo, nhưng lại giống bên đạo Cao Đài. Những năm vừa qua nhiều họ đạo các nơi rộ lên xây thánh thất to lớn, nguy nga mặc dù số tín hữu sở tại không nhiều, hai ngày mùng một và rằm tới thánh thất cúng chẳng đông là mấy. Ít tiền và ít tín hữu, nhưng vẫn quyết tâm cất thánh thất cho “hoành tráng”, vì thường có suy nghĩ này: Một lần cất là một lần khó. Cứ cất cho to rồi sau này tín đồ tăng nhiều lên sẽ khỏi phải cơi nới thêm.
Cùng một địa phương mà lắm khi có hai thánh sở thuộc hai Hội Thánh Cao Đài khác nhau. Sự ganh đua bề thế vì vậy ắt khó tránh khỏi. Lắm nơi cất dang dở thì cạn tiền, hoặc tạm xong phần thô thì nợ nần chồng chất... Các đạo hữu “chạy” tiền về cho họ đạo phải bôn ba tỉnh này sang tỉnh khác rất vất vả mà tiền xin được chẳng mấy dồi dào. Bởi lẽ phần lớn tín đồ các nơi không giàu, mà “bị” hết chỗ nọ tới chỗ kia thường xuyên đến xin tiền nên mức đóng góp đành hạn hẹp.
Ai cũng hiểu rằng xây dựng thánh đường khang trang là để bổn đạo có nơi thờ phượng và tu học được tốt đẹp. Tuy nhiên, việc xây dựng ấy nên hợp lý, hợp hoàn cảnh, đúng như lời Đức Cao Đài từ Bạch Ngọc Kinh (Thiên Đình) khuyên nhủ (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, ngày 13-02-1926): Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi / Chẳng cần hạ giới vọng cao ngôi / Sang hèn trối mặc tâm là quý / Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.
Theo lời dạy trên, tòa sen trong tâm lành thánh thiện mỗi một tín đồ mới là nơi xứng đáng để Thượng Đế ngự trị. Nói khác đi, xây dựng nhà thánh trong tâm hồn cho vững chắc thì giá trị còn hơn hẳn nhà thánh bê-tông cốt thép bên ngoài. Từ xưa, Thánh Phaolô từng nhắn nhủ (I Côrintô 3:16): Anh em há chẳng biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?
Dũ Lan Lê Anh Dũng
Bình luận