Con em bước qua ba tuổi rồi và ngày nào cũng là ngày “khủng hoảng tuổi lên 3” khiến vợ chồng em nổi cáu. Bé đã nói sõi nhưng suốt từ sáng đến tối chỉ lắc đầu nguầy nguậy và nói 1 từ “Không!” trước lời hỏi han của cả nhà, quấy khóc mỗi khi cha mẹ làm trái ý hoặc chẳng vì lý do gì. Chẳng hạn sáng nay bé vùng vằng, đá lung tung, cắn cả vào tay bố để không chịu đi giày.
Chỉ cho em vài chiêu để em xử lý con mà không phải cho bé “ăn roi” với ạ!
(Nguyễn Thị Xuân, quận Bình Thạnh - TP HCM)
Bạn Nguyễn Thị Xuân mến,
Các nhà tâm lý nhi đồng đã chỉ ra rằng trẻ có thói quen khóc hờn dễ mắc chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý gấp 10 lần so với các trẻ khác. Hình thức “đấu tranh” phổ biến nhất của bé lên ba trong các cơn “khủng hoảng” là khóc lóc và ăn vạ, mà khi đã khóc thì sẽ chẳng thể nín ngay được. Mỗi cơn cáu giận, la khóc của trẻ đều là hậu quả của những nhu cầu không được đáp ứng hoặc là một cách biểu lộ rằng trẻ đang rất ức chế. Vì vậy cha mẹ đừng bao giờ xử lý bằng cách ra lệnh rất oai vệ: “Nín! Im ngay! Ngồi yên! Đã bảo không được khóc!”, nhất là nói với giọng cao, gắt gỏng. Làm thế sẽ chỉ khiến con thêm căng thẳng, sợ hãi, khóc to thêm, hờn dai hơn, đôi bên cùng mệt mỏi, “lên máu” và cơn “bốc hỏa” sẽ ập đến không kiểm soát được.
Nhà tâm lý trí liệu Christinc Brunet cho biết, các cơn giận hờn có thể bắt đầu từ khi trẻ được 9 tháng tuổi, diễn ra nhiều nhất khi bé 18 tháng đến 4 tuổi. Đây là giai đoạn mà nhiều cha mẹ phải chịu đựng và cảm thấy bất lực trước sự thất thường của con.
Tốt nhất bạn hãy bình tĩnh làm vài bước căn bản:
1. Chẩn đoán nhanh lý do con hờn:
- Nếu con khóc vì đau (té, bệnh, tiêm phòng, bị thương): đừng phủ nhận cảm xúc của con theo kiểu: “Đau đâu mà đau, chỉ như kiến cắn”, chê trách con: “Mắt mũi để đâu? Chạy nhảy thế à?”, “Sao con nhát thế?”, “Con trai mà mít ướt”... mà hãy ôm con vào lòng: “Mẹ biết con đau, ráng vượt qua nhé. Nếu khóc làm con đỡ hơn thì con cứ khóc 1 chút đi”.
- Nếu bé khóc vì mè nheo món đồ gì đó, hãy dẫn độ “kẻ quấy rối” ra khỏi hiện trường và đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ sang mục tiêu khác (sử dụng 3 quyền trợ giúp: dắt con ra chỗ khác xem cái gì hay hay, cho con ăn món gì đó, gọi điện thoại cho người thân)
- Khóc để gây sự, để giải tỏa, để mọi người chú ý đến mình... thì cũng cần cho bé một khoảng thời gian khóc cho “đã nư”, không nhất thiết phải tìm mọi cách làm bé nín ngay. Ai đã từng làm nũng với người yêu đều hiểu điều này.
- Khi chưa rõ nguyên nhân, có thể đứa trẻ chỉ mong muốn được một cái ôm thật chặt thật lâu trong lúc buồn ngủ, đói bụng, thất vọng, bất an, lo sợ, thèm được yêu..., nếu lại bị quát mắng, vặn vẹo thì chúng sẽ tủi thân và khóc thật sự, khóc dai và... hờn.
2. Cùng con tìm hiểu “vấn đề” của con:
Bình tĩnh, ôn tồn hỏi con từng câu để gỡ nút thắt, tạo niềm tin với con rằng bố mẹ đang “cùng phe” với mình, là “chiến hữu” của mình, thương mình, nhằm có được sự tin tưởng và thiện chí từ con. Nói đơn giản là cha mẹ hoàn toàn không kết án những trò trái khoáy của con.
Chiêu này cực hiệu quả ở chỗ tháo được “van an toàn” cho cái “nồi áp suất” tình hình, con cảm thấy được người lớn lắng nghe và hiểu những gì bé muốn. Và cũng “câu giờ” để cơn bùng nổ của trẻ dịu xuống dần.
Hãy dành cho kẻ nổi loạn nhiều thời giờ ở đoạn này, vì có khi thực sự cái bé muốn lại không phải cái lúc đầu bé gây áp lực để đòi bằng được. “Vì sao con không thích đi giày?”, “Vì con bị té trầy chân hôm qua” (chứ không phải chống đối để đòi được đi chân không và sự quấy khóc của bé đến từ một lý do có thật và nghiêm túc). “Nếu không đi giày, ra đường có thể bị đau chân hơn nữa thì sao?” và bé sẽ hiểu chuyện.
3. Đưa ra vài gợi ý để con lựa chọn:
Thay vì ép con theo ý bố mẹ, bỏ qua mong muốn và cảm xúc của con, hãy cố gắng nghĩ ra vài phương án để con thấy mình có quyền được ra quyết định: “Ừ, đau chân thì không đi giày cũng được, nhưng chắc chắn không thể đi chân đất. Vậy con thích đôi dép nào hơn, dép quai hậu hay dép lê?”, “Hay đi thêm đôi vớ cho êm chân nhé?”, “Đôi vớ màu xanh hay màu trắng?”...
Đình chiến rồi thì để con tự giải quyết vấn đề của mình. Luôn nhớ kết thúc bằng một cái ôm bạn nhé!
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Bình luận